Gần nửa thế kỷ qua, chỉ với bàn tay thô ráp, gầy guộc bằng da bằng thịt, nhưng biết bao con “phì” ma mãnh, hung hãn đã bị ông Nguyễn Quang Triết (51 tuổi) săn hạ. Giới đi săn tôn ông là “vua,” bởi cái tài săn rắn độc đã thuộc vào hàng lão luyện ở mảnh đất Hà Thành.
Nối nghiệp săn rắn độc
Chúng tôi tìm về làng Lệ Mật (Long Biên-Hà Nội) một làng kinh doanh các món ăn được chế biến từ rắn nổi tiếng đất Hà Thành. Ở mảnh đất kinh doanh rắn này có hàng trăm người thợ săn, nhưng chỉ có duy nhất ông Triết được mệnh danh là “vua” rắn độc.
Nhà ông Triết nằm sâu trong một con hẻm nhỏ, trong ngôi nhà cấp bốn những ngày giáp Tết thường xuyên có người chen nhau vào mua rắn về chế biến.
Con mãnh xà đã bị ông Triết khuất phục. |
Ông Triết đã có tới 40 năm thâm niên làm nghề săn rắn, nhờ thế nhiều người biết đến ông như một “kỳ nhân”. Ông Triết bảo: "Nhờ mấy con ‘phì’ mà gia đình ông đông vui hẳn. Khách tới nhà ông đa phần là người ở các nhà hàng, họ đến mua rắn về chế biến ẩm thực, cũng có người mua về ngâm rượu, làm thuốc…".
Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, có bố và mẹ đều là những người có tiếng săn bắt rắn ở làng Lệ Mật, nên ngay từ thuở còn bé, ông Triết đã học hỏi được những kỹ năng săn bắt rắn từ cha mẹ, để rồi ông“say” nghề lúc nào chẳng biết.
“Thời nhỏ thấy bố mẹ làm, dần dần mình làm theo. Lúc đầu mới đi săn cũng sợ lắm, nhưng dần thành quen. Và đến giờ cứ gặp rắn là mừng, không kể rắn lành hay rắn độc” - ông Triết bộc bạch.
Những chuyến đi săn rắn của ông Triết thường kéo dài 2 đến 3 tháng và sau những ngày ngược xuôi khắp các tỉnh miền núi phía bắc ông lại mang cả bao tải rắn lên tới hàng trăm con về nhập cho các nhà hàng…
Dẫn chúng tôi vào thăm gian nhà dành riêng cho loài “tử thần”, ông Triết vừa trò chuyện vừa thò tay vào chuồng lôi ra con hổ mang hung hãn chừng 3,5 kg.
Ông nói, con rắn này ông mới bắt cách đây nửa tháng ở vùng núi Bảo Yên (Lào Cai) và trong chuồng vẫn còn hơn 20 con như thế đang... đợi Tết.
Không khéo dễ mất mạng như chơi
Đang trò chuyện với chúng tôi, bỗng nhiên một con rắn hổ mang chui ra khỏi chuồng, phi thẳng về phía ngọn cây trong vườn để tìm lối thoát. Biết loại “phì” rất mánh khóe và ngang ngược nên ông Triết đã khéo léo dùng thanh thép nhỏ, nhẹ nhàng chế ngự đối thủ rồi nhanh như cắt cầm gọn đuôi con “phì” bỏ vào chuồng chỉ trong tích tắc.
Thấy chúng tôi hoảng hốt và thán phục nên ông Triết chỉ cười và nói trấn an: Để bắt được rắn độc, người thợ cần phải nhẹ nhàng và thận trọng. Càng nhẹ nhàng thì rắn càng mềm và không giật mình.
Những bình rượu rắn quý được ông Triết ngâm để trong nhà. |
“Làm lâu, làm nhiều rồi cũng lên lão nghề’ thôi. Với tôi, bắt rắn cũng đơn giản như cầm củ khoai, củ sắn vậy”, ông Triết nói.
Trong nhà ông Triết có một căn phòng lúc nào cũng thơm mùi men rượu rắn, ông lần lượt mang ra cho chúng tôi xem hai bình rượu khổng lồ, bên trong có hai con “phì,” mỗi con nặng tới 6kg đang ngẩng đầu trên mặt nước.
Ông Triết bảo, hai con ‘phì’ này được ông bắt từ Lạng Sơn và ngâm được gần hai năm rồi. Vì nó to, đẹp nên nhiều người hỏi mua với giá hàng chục triệu đồng nhưng ông kiên quyết không bán mà để dùng.
Trong hàng ngàn chuyến đi săn “tử thần,” kỷ niệm đáng nhớ nhất của ông Triết là lần phát hiện và bắt được cặp rắn hổ mang đang nằm tắm nắng tại một hang đá ở vùng núi Bảo Yên, Lào Cai. Đây cũng là lần ông cực khổ nhất vì nóng vội trước con mồi.
“Nhìn thấy chúng, tôi như nhìn thấy vàng. Thấy hai con ‘phì’ tôi liền xông tới… tiếc rằng, chưa kịp thả câu thì chúng trườn vào hang đá mất” - ông Triết tiếc nuối.
Thế nhưng ông Triết quyết định không bỏ cuộc, sau gần một tháng ăn chực nằm chờ theo dõi và khoét hang, cuối cùng ông cũng bắt được hai con “phì” nặng tới 17kg. Hai con “phì” này đã được ông đổi lấy một chiếc xe máy mới…
Sau nhiều năm lăn lộn với nghề, ông Triết tâm sự, việc bắt được “mãnh xà” hay không phụ thuộc hoàn toàn vào kinh nghiệm của người thợ đi săn. Nếu người thợ nóng vội và chủ quan thì không những không bắt được rắn mà còn dễ mất mạng như chơi. Có lẽ chính vì thấm nhuần điều đó nên ông Triết khuất phục được cả ngàn con “phì” ma mãnh...
Theo Vietnamnet