“Vua nhạc sến” với Hà Nội và em!

14-06-2012 20:28 | Văn hóa – Giải trí
google news

Những tưởng với Nhẫn cỏ cho em, Vòng nhẫn cưới, Phu kéo mo cau, Gõ cửa trái tim, Không giờ rồi… mang dáng dấp của những ca khúc bình dân thị thành, hay Nhành cây trứng cá, Làm dâu xứ lạ phảng phất chất trữ tình quê hương…, “vua nhạc sến” Vinh Sử chẳng có liên quan gì tới Hà Nội.

(SKDS) – Những tưởng với Nhẫn cỏ cho em,Vòng nhẫn cưới,Phu kéo mo cau,Gõ cửa trái tim,Không giờ rồi… mang dáng dấp của những ca khúc bình dân thị thành, hay Nhành cây trứng cá, Làm dâu xứ lạ phảng phất chất trữ tình quê hương…, “vua nhạc sến” Vinh Sử chẳng có liên quan gì tới Hà Nội. Thế mà không! Vinh Sử đã có hơn một ca khúc bắt nguồn từ cảm hứng Hà Nội được khán giả yêu mến. Hà Nội trong mắt “vua nhạc sến” sẽ thế nào?

Năm 1991, ngày tôi mới chỉ là một “chàng thiếu niên” (lời ca khúc Tình đẹp mùa chôm chôm), vừa biết một chút lãng mạn bỗng say đắm với những cảm xúc dâng trào khi nghe “Ôm ấp tình yêu kỷ niệm còn đây, đêm vắng bụi mưa anh lại làm thơ…” mà chẳng kịp nhớ tác giả của những lời ca ấy. Mười năm sau, thật thú vị khi biết, Mưa bụi và nhiều bản tình nổi tiếng dòng nhạc sến cùng chung cha đẻ: Vinh Sử. Chợt lạ! Một người nhạc sĩ ở ngôi nhà chừng mươi mét vuông trong một con hẻm toàn dân lao động nghèo ở quận 4, giữa đất Sài Gòn nắng lớn mà mưa cũng ào ào, sao có thể biết tới mưa bụi, một “đặc sản” chỉ có ở đất Bắc? Và 10 năm sau nữa, 2012 mới có dịp “gỡ” những thắc mắc mơ hồ về Mưa bụi, thật bất ngờ, đúng là viết về Hà Nội.
 
 Nhạc sĩ Vinh Sử.
Vinh Sử kể: Năm 1991, nhận được lời mời từ nhạc sĩ Hữu Minh bên hãng băng đĩa nhạc Kim Lợi tham gia làm băng “Mưa bụi”. Hữu Minh gợi ý cho Vinh Sử viết ca khúc này, Vinh Sử lúng túng: “Ở riết trong Nam làm gì biết tới mưa bụi thành ra chưa biết sẽ phải viết thế nào”. May mắn cùng thời điểm ấy ,ông có dịp ra Hà Nội, dạo bước bên Hồ Gươm, dừng chân ở một quán cóc, ăn bánh chưng và uống ly sữa, đúng lúc ấy, một cô gái mặc áo dài trắng đi ngang qua, Vinh Sử liền mời cô ăn bánh. Thoáng ngập ngừng rồi cô nói lời cảm ơn và mỉm cười trước khi bước tiếp. Vinh Sử bảo: “Nếu ở Sài Gòn nói như thế rất có thể cô gái sẽ cho tôi là một ông già dê, nên lúc đó tôi có một cảm xúc thật lạ”.
 
Đang ngẩn ngơ với thái độ của cô gái thì “tôi thấy những hạt mưa tự nhiên ở trên rơi xuống mà bà cụ chủ quán vẫn ngồi yên, tôi hỏi: ủa, sao mưa mà không chạy, bà giải thích: Không sao, đây là mưa bụi, không ướt đâu”. Vinh Sử thấy mưa bụi càng tuyệt đẹp khi nhìn theo bóng cô gái mờ dần theo mưa. Ngay lúc đó, trong trái tim người nhạc sĩ vang lên một giai điệu, vội ghi ra giấy nhưng phải về tới Sài Gòn sau đó ít bữa thì Mưa bụi mới ra đời, lấy tên đồng tác giả với Hữu Minh. Không lâu sau đó, Mưa bụi 2 với “Mưa bụi nhạt nhòa thôi hết tình tôi, nay người đi rồi tôi biết tìm đâu…” cũng hoàn thành.
 
Có thật vậy không khi chỉ với hình ảnh một người con gái lướt qua mà người nhạc sĩ đã vội thương nhớ để rồi hờn trách? Vinh Sử nói đó là sự thật. Tâm hồn nghệ sĩ vốn mong manh, chỉ cần chạm vào vùng cảm xúc thì những giai điệu sẽ tuôn trào. Tôi hỏi: Thế còn các ca khúc khác thì sao? Chẳng lẽ toàn những mối tình ảo? Vinh Sử: Bài nào cũng đều có người con gái đối diện, người yêu hay người không yêu đều phải có. “Tôi là người lãng mạn, nhưng còn lãng xẹt hơn nữa” - Ông nói vui và giải thích thêm: “Lãng mạn trong tâm hồn còn lãng xẹt là nhiều khi lại đi yêu người con gái không biết mình là ai, tự thấy buồn, tâm sự ra không thấu, rồi thêu dệt thêm để thành bài nhạc”.
 
Chẳng biết cô gái Hà Nội nào đó đã có diễm phúc vô tình gây buồn/thương nhớ cho Vinh Sử để rồi gửi vào Mưa bụi 1-2 chưa hả tấm lòng, ông tiếp tục giãi bày trong Hà Nội và em. Vinh Sử chia sẻ: Khoảng năm 2006, bữa đó Hà Nội lạnh lắm, đang đi lang thang 36 phố phường bỗng tràn về câu chuyện tình Mỵ Châu - Trọng Thủy đẫm lệ, hình ảnh Cổ Loa thành hiện lên và bóng dáng cô gái Hà Nội một lần nữa làm trái tim ông rung động. Khác với 2 ca khúc Mưa bụi được viết theo “đặt hàng”, Hà Nội và em viết xong “tôi vẫn giữ để khi nào thuận tiện thì giới thiệu, đến bữa nay, khi làm chương trình Nhẫn cỏ cho em qua tiếng hát Tuấn Hiệp, ca khúc Hà Nội và em mới chính thức ra mắt”. Vinh Sử mong khán giả sẽ thấu hiểu tình cảm ông dành cho Hà Nội.

Nhạc sĩ Vinh Sử (sinh năm 1944) hiện đang mắc bạo bệnh. Ngày 16/6, ông sẽ có mặt ở Hà Nội tham gia chương trình: Nhạc sĩ Vinh Sử: Nhẫn cỏ cho em tại Cung Văn hóa Hữu Nghị do các nghệ sĩ thực hiện dành tặng ông. Các nghệ sĩ sẽ thể hiện những ca khúc gắn liền với tên tuổi Vinh Sử.   

Nguyễn Quang Long


Ý kiến của bạn