Người được mệnh danh là “vua đồ cổ” tại TP.HCM vừa tuyên bố với báo chí sẽ hiến tặng kho đồ cổ để góp vào quỹ ủng hộ biển đảo quê hương.
Ông Cường bên những món đồ cổ.
Ngày 2/5, khi giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền biển Việt Nam, như nhiều người dân khác, ông Hoàng Văn Cường (trú tại số 64 đường Đông Du, quận 1, TPHCM, một người sưu tầm đồ cổ có tiếng ở Sài Gòn rất quan tâm. Khi nghe Mặt trận Tổ quốc TPHCM phát động chương trình vì biển đảo quê hương, ông quyết định sẽ bán đấu giá số cổ vật để ủng hộ.
“Thiên hạ vô đối”
Trong những món đồ cổ có giá trị của ông Cường đầu tiên phải kể đến chiếc sập ba thành dùng để hút thuốc của một viên quan triều Huế. Chiếc sập có tuổi đời hơn 300 năm và nguồn gốc từ Trung Quốc, được một viên quan triều đình Huế mua về sử dụng. Chiếc sập này được làm nguyên miếng bằng gỗ Lệ Chi, được chạm khắc rất tinh xảo với hình con rồng đang ôm quả địa cầu. Hiện chiếc sập được giới chơi đồ cổ đánh giá là “Thiên hạ vô đối” (không có chiếc thứ hai). Ông nói rằng, có người đã trả ông 2 triệu USD nhưng ông không bán.
Ngoài ra, ông còn chín chiếc long sàng (giường của vua) như chiếc long sàng vua Chiêm Thành tặng vua Gia Long, chiếc vua Dục Đức ngự chỉ sau ba ngày đã bị truất ngôi, chiếc của bà Hoàng Thái hậu Từ Dũ... Trong bộ sưu tập của ông có rất nhiều đồ của triều đình nhà Nguyễn mà ông gọi là đồ ngự dùng. Từ những món đồ sứ có men màu lam, những chỉ dụ của vua hay những cây đèn được chạm khắc cầu kỳ. Ông Cường còn sở hữu bộ sưu tập 25 cây súng Nhật được chế tạo từ năm 1600, báng súng làm bằng ngà voi…
Một phần bản di chúc của ông Cường
Theo lời ông Cường, ông mong muốn được phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức bán đấu giá các món đồ cổ của ông mà theo dự kiến giá trị có thể lên tới hàng chục triệu USD. Di chúc ông tự tay viết có đoạn “Toàn bộ tài sản bán ra, 70% hiến cho biển đảo, đồng bào ngư dân nghèo có tâm huyết vì biển đảo; hằng tháng, hằng năm bám biển nếu có sự cố hoặc tai nạn biển sẽ có số tiền ứng phó tiếp sức cho đồng bào ngư dân. 30% cho con cái và dòng họ, nội ngoại hai bên còn nghèo lắm, để xây từ đường hai bên nội ngoại. Đây là thông điệp thay lời di chúc”. Thông qua báo chí, ông Cường mong muốn các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, định giá số đồ cổ và thực hiện các bước tiếp theo.
Cần có ý kiến từ cơ quan chức năng
Trao đổi với phóng viên về nguyện vọng của ông Hoàng Văn Cường, ông Nguyễn Đình Sáng - Trưởng ban Phong trào thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM nói: “Chúng tôi đánh giá cao và ghi nhận tinh thần yêu nước, vì biển đảo quê hương của ông Hoàng Văn Cường. Theo chúng tôi, vì tài sản là cổ vật nên ông Cường cần liên hệ với ngành chức năng có chuyên môn để có thể giám định, đưa ra đấu giá. Với trách nhiệm của MTTQ, chúng tôi sẽ giúp đỡ về mặt thủ tục để tài sản của ông Cường sớm được đưa ra đấu giá theo nguyện vọng của ông”.
Còn ông Phạm Thành Nam- Trưởng phòng Di sản văn hóa thuộc Sở VHTT&DL TPHCM cho hay, theo quy định, để đấu giá tài sản là di vật - cổ vật, người sở hữu tài sản đó phải làm thủ tục đăng ký di vật - cổ vật và thông báo danh mục tới Sở VHTT&DL để thực hiện.
Theo ông Hoàng Anh Tuấn- Giám đốc bảo tàng Lịch sử TPHCM, hiện nay tại Việt Nam chưa tổ chức đấu giá cổ vật, những phiên đấu giá cổ vật trước đây cho những cổ vật được khai quật ở Việt Nam như ở Hòn Cau, Cù lao Chàm... đều được tổ chức ở nước ngoài. Với những cổ vật của ông Hoàng Văn Cường để đấu giá được, ông Cường sẽ phải làm các thủ tục với những ngành có liên quan như văn hóa, tài chính, thuế… và cần phải có ý kiến từ Cục Di sản Văn hóa.
- Ông Lý Kiệt - Chủ cửa hàng đồ cổ số 17 Lê Công Kiều, TPHCM: “Ở Sài Gòn có lẽ giá trị nhất là bộ sưu tập của ông Cường ở đường Đông Du. Ông ấy có nhiều món đồ mà ai cũng thèm muốn. Nhiều khách sưu tập đồ cổ cũng nhờ chúng tôi hỏi mua giùm nhưng ông Cường không bán bao giờ”.
- Tạp chí Asia Life đánh giá trị giá kho đồ cổ của ông Cường lên tới 70 triệu USD.
- Cuối năm 2000, khi đến TPHCM, Tổng thống Mỹ Bill Clinton tới thăm kho đồ cổ của ông Cường và tỏ ý khá thích thú nhiều món đồ ở đây.