Chủ động, linh hoạt đón sinh viên trở lại trường
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe & Đời sống, PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng cho biết, Trường ĐH Y tế công cộng đã xây dựng kế hoạch tổ chức giảng dạy và học tập của sinh viên, học viên thích ứng linh hoạt với dịch COVID-19 theo từng giai đoạn. Theo đó, đối với sinh viên năm thứ nhất và sinh viên năm thứ tư: bắt đầu học trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ ngày 14/2. Đối với sinh viên năm thứ hai và sinh viên năm thứ ba: tiếp tục học trực tuyến từ ngày 14/2, bắt đầu học trực tiếp kết hợp với trực tuyến từ ngày 01/03/2022.
Để tham gia học trực tiếp tại trường, các sinh viên, học viên phải đảm bảo tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính tới thời điểm về học tại trường. Ngoài ra, trong quá trình học tập tại nhà trường hoặc tại các cơ sở thực tập, thực địa, tất cả các sinh viên, học viên phải tuân thủ các quy định về phòng chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND TP. Hà Nội cũng như của cơ sở thực tập để đảm bảo an toàn cho bản thân và cộng đồng nơi học tập và sinh sống.
Đối với Trường ĐH Kỹ thuật Công nghiệp (ĐH Thái Nguyên), PGS.TS. Nguyễn Duy Cương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ ngày 8-10/2, khoảng 2.500 sinh viên năm thứ 3, 4 đã trở lại trường học tập trung. Trước mắt, nhà trường tổ chức đào tạo theo hình thức cuốn chiếu và bắt đầu học trực tiếp từ ngày 14/2. Riêng 3.500 sinh viên năm thứ 1, 2 tạm thời học trực tuyến.
PGS.TS. Nguyễn Duy Cương khẳng định, tất cả sinh viên trở lại trường đều được test COVID-19. Trước khi lên giảng đường (ngày 14/2), sinh viên sẽ test lại lần nữa. Ngoài ra, nhà trường có kế hoạch test định kỳ cho sinh viên và chuẩn bị đầy đủ máy đo thân nhiệt, sát khuẩn.
Bên cạnh đó, nhà trường đã xây dựng phương án, kịch bản chi tiết nhằm ứng phó với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra khi sinh viên trở lại học trực tiếp. Hiện, nhà trường dành riêng một khu để cách ly F0 (nếu có). Với những trường hợp đặc biệt, đội ngũ y tế sẽ chủ động liên hệ với cơ quan y tế địa phương để ứng phó kịp thời.
Đi học trở lại nhưng không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch
Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Hà - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng, đối với những sinh viên, học viên chưa đủ điều kiện để đi học trực tiếp, nhà trường sẽ bố trí dạy - học vào thời gian khác khi đã đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh. Đối với những sinh viên, học viên chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine, nhà trường sẽ liên hệ với các đơn vị liên quan để xin hỗ trợ vaccine và tổ chức tiêm cho sinh viên, học viên.
Là một trường ĐH có nhiều đơn vị trực thuộc, ĐH Quốc gia Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy học trực tiếp, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch để học sinh, sinh viên trở lại trường từ học kỳ II năm học 2021 - 2022.
Theo đó, các đơn vị trực thuộc xây dựng kế hoạch và lịch trình đào tạo phù hợp, đảm bảo chất lượng đào tạo, an toàn phòng, chống dịch: Có thể cho sinh viên tập trung mở rộng dần theo từng nhóm; trước hết là sinh viên năm cuối, sinh viên cần hoàn thành chương trình để tốt nghiệp tập trung trước, sau đó đến sinh viên các ngành đào tạo có yêu cầu nhiều về thực hành, thực tế, rồi mở rộng cho toàn bộ sinh viên trở lại trường.
Ngoài ra, các đơn vị cũng có thể cho toàn bộ sinh viên trở lại trường ngay từ đầu học kỳ II năm học 2021 - 2022 nếu điều kiện đảm bảo an toàn dịch của đơn vị cho phép, kết hợp giữa dạy học trực tiếp và online phù hợp. Bên cạnh đó, phối hợp với BV ĐH Quốc gia Hà Nội hỗ trợ tiêm đủ tối thiểu 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho sinh viên; xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi sinh viên trở lại trường học; khử trùng ngoại cảnh, lớp học. Các đơn vị có phương án phòng, chống dịch phù hợp với thực tế và phương án chăm lo hỗ trợ sinh viên thuộc diện F0 sống xa gia đình, ở trọ bên ngoài cũng như trong ký túc xá.
Để tạo điều kiện tốt nhất cho sinh viên trở lại trường học tập trung, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: "Quyết tâm đưa sinh viên trở lại trường nhưng không được chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch. Các trường cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, để địa phương coi sinh viên như là cư dân của mình; từ đó cùng với nhà trường có trách nhiệm hỗ trợ sinh viên, nhất là xử lý một số tình huống lây nhiễm COVID-19 (nếu có)".
Ngoài ra, các trường cần thực hiện tốt công tác truyền thông, thông qua việc này để cán bộ, giảng viên, sinh viên chủ động ứng phó trước các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. Quan trọng là, dù bất cứ tình huống nào cũng có phương án chủ động, linh hoạt thích ứng; từ đó phụ huynh mới yên tâm khi con em họ trở lại trường học tập.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đề nghị, khi sinh viên trở lại học tập trung, các trường cần liên hệ với chính quyền địa phương để có thể tổ chức tiêm vaccine mũi 2, 3 cho sinh viên, sớm đưa đời sống, học tập trở lại bình thường.