Quản lý đất đai luôn là lĩnh vực nóng bởi "tấc đất" là "tấc vàng." Đất càng quý giá thì tình trạng tham nhũng, tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực đất đai càng có xu hướng gia tăng, để lại những hệ lụy nghiêm trọng cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước.
Hàng loạt cán bộ các cấp đã bị xử lý, bị phạt tù do những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất nhưng dường như vẫn chưa đủ cảnh tỉnh lòng tham của một số quan chức có thẩm quyền.
Vì sao đất đai lại thành "miếng mồi ngon" và lỗ hổng nào, "ma lực" nào đã thúc đẩy họ "nhúng chàm"? Làm thế nào để ngăn chặn những lòng tham vô đáy?.
Theo ông Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, pháp luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng trao thẩm quyền định đoạt cho một số cương vị lãnh đạo thuộc bộ máy hành chính. Khi bộ máy hành chính có quyền quyết định cả về đất đai và giá trị đất đai thì có thể bị lợi ích chi phối, lúc này chỉ trông chờ vào đạo đức của người có thẩm quyền quyết định.
"Tham nhũng liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật về đất đai có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là năng lực, trình độ của cán bộ lãnh đạo các cấp ở chỗ nhận thức tính đúng đắn về chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai không đến nơi đến chốn cộng với phẩm chất yếu kém, cố ý làm sai, sa vào vòng lao lý. Sự mâu thuẫn chồng chéo trong quy định của pháp luật cũng là nguyên nhân dẫn đến việc áp dụng không đúng, thậm chí là kẽ hở để cho những kẻ nắm giữ quyền lực tham nhũng", ông Lê Thanh Vân nói.
Trong khi đó, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT Đặng Hùng Võ phân tích, các vụ án tham nhũng về đất đai thường chỉ bị phát hiện sau khi hành vi tham nhũng đã hoàn thành, xử lý khó khăn hơn và thiệt hại lớn hơn. Nguyên nhân chủ yếu là người dân không thể thực hiện quyền giám sát của mình mà pháp luật đã quy định cho nên khó phát hiện ngay tham nhũng. Bên cạnh đó, UBND cấp có thẩm quyền vừa thực hiện quyền quyết định về đất đai với vai trò đại diện cho sở hữu toàn dân và vừa thực hiện quyền quản lý đất đai, tức là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" nên không thể phát hiện tham nhũng kịp thời.
Các vụ tham nhũng về đất đai thường có giá trị lớn và được tính toán thông qua quy trình định giá đất, cụ thể định giá đất lúc giao đất, cho thuê đất rất thấp, nhưng khi định giá lại theo giá trị thị trường lại rất cao.
Ông Võ cho rằng, hiện nay thể chế quản lý về đất đai chưa phù hợp với kinh tế thị trường. UBND cấp tỉnh có thẩm quyền quyết định cả về hành chính, quy hoạch và tài chính là một thể chế tập trung quyền lực quá lớn trong khi quyền lực chưa được kiểm soát và chứa đựng rủi ro tham nhũng.
Theo nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT, cần phải tách ra hai hệ thống, hệ thống quyết định về đất đai do địa phương nắm; còn hệ thống quản lý đất đai phải do Trung ương tập trung nắm. Tài chính đất đai do Bộ Tài chính nắm; quy hoạch sử dụng đất do Bộ Kế hoạch - Đầu tư nắm; còn Bộ Tài nguyên - Môi trường chỉ nắm về hành chính đất đai. Tức là, hệ thống đăng ký phải do các đơn vị của Trung ương quản; còn quyết định về đất đai, giao cho ai làm gì là quyền của địa phương, đại diện cho sở hữu toàn dân…
Bên cạnh đó, chính sách về quản lý đất đai phải phù hợp với thực tế để làm sao hài hòa được lợi ích giữa Nhà nước - người dân và doanh nghiệp. Chỉ có như vậy mới có thể ngăn chặn tận gốc rễ những sai phạm trong quản lý, sử dụng đất hiện nay.
Xem thêm video:
Tiết lộ đoạn tài liệu bị tẩy xoá vụ Cựu trưởng CA quận Tây Hồ nhận hối lộ