“Vua” đã bị hạ bệ

20-06-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Trước giải, không ai nghĩ ĐKVĐ Tây Ban Nha sẽ bị hạ bệ ngay sau vòng bảng, nhưng kịch bản ngoài tưởng tượng ấy đã xảy ra theo cách không thể tủi hổ hơn.

Trước giải, không ai nghĩ ĐKVĐ Tây Ban Nha sẽ bị hạ bệ ngay sau vòng bảng, nhưng  kịch bản ngoài tưởng tượng ấy đã xảy ra theo cách không thể tủi hổ hơn. Họ trở thành nhà “vua” thứ 5 trong lịch sử rơi vào bi kịch này, thậm chí còn là đội đầu tiên “chết” chỉ sau 2 trận vòng bảng với số bàn thua kỷ lục: 7 bàn.

"Không có khủng hoảng, cũng không hề có bất kỳ sự kết thúc nào cả. Chúng tôi sẽ trở lại và chiến thắng”, trung vệ Sergio Ramos lên tiếng sau trận thua 1-5 trước Hà Lan. Trong cuộc trò chuyện với Radio Marca, HLV Del Bosque cũng rất tự tin: “Chúng tôi không hề chết. Chiến thắng sẽ mang những hy vọng trở lại”. Người Tây Ban Nha đã  xem thất bại trước Hà Lan chỉ là một tai nạn. Thầy trò Del Bosque đã tin rằng mình có thể thực hiện một cuộc trỗi dậy ngoạn mục để giành vinh quang như cách đây 4 năm sau khi cũng thất bại ở trận mở màn trước Thụy Sĩ. Và đó là quyết định sai lầm khiến Tây Ban Nha tiếp tục sụp đổ, thậm chí còn tệ hại hơn trong trận sinh tử với Chile. Bởi tình thế và quan trọng hơn thực tế của họ qua 4 năm đã khác xa. Trận thua 1-5 trước Hà Lan của đội bóng xứ đấu bò là một thất bại toàn diện, từ tư tưởng, chiến thuật cho đến con người và khát vọng. Hà Lan đã chỉ ra cho đội trưởng Casilas và các đồng đội thấy họ là một tập thể tồn tại quá nhiều vấn đề. HLV Del Bosque quá lạm dụng những điều cũ kỹ với chiến thuật đã bị bắt bài và một tập thể để quên khát vọng, sự cạnh tranh cần thiết ở Euro 2012 - nơi họ đã bảo vệ thành công danh hiệu vô địch.

Đội tuyển Tây Ban Nha đã thất bại toàn diện tại World Cup 2014

Đội tuyển Tây Ban Nha đã thất bại toàn diện tại World Cup 2014

Với những gì thể hiện khi đối đầu với Chile - đối thủ Tây Ban Nha chưa từng thua trong 10 lần chạm trán, bị đánh giá thấp hơn nhiều Hà Lan, các nhà vô địch đã thực sự rớt xuống đáy của sự suy yếu. Nghịch cảnh càng được đẩy đến đỉnh điểm bởi ông thầy Del Bosque thay vì quyết đoán thay đổi đội hình, lối chơi để tạo ra sức đột phá mới thì lại nửa vời. So với trận trước, chỉ có hai sự điều chỉnh, nhạc trưởng quen thuộc Xavi phải ngồi ngoài, nhường chỗ cho Pedro, còn trung vệ Martinez vào sân ngay từ đầu thay cho Pique. Cay đắng hơn, sự “ra tay” của HLV đã không hề cho kết quả tích cực, thậm chí như trường hợp của Xavi còn sai.

Trong khi đó, đối thủ Chile đã học theo đúng cách mà Hà Lan từng thắng TBN, nghĩa là xuất phát với đội hình thiên về sự thực dụng 5-3-2 và thực hiện nó một cách vô cùng hiệu quả, bản sắc. Không chỉ xây dựng nên bức tường trước khung thành thủ môn Bravo, Chile còn tổ chức các pha phản công sắc lẹm, đa dạng mà coi như đã “đóng đinh” làm sụp đổ tượng đài Tây Ban Nha với hai bàn thắng chỉ trong hiệp 1.

Những tưởng trước làn ranh sống còn, Tây Ban Nha sẽ có thể tìm lại hình ảnh của một mãnh thú bị thương thì họ lại chỉ còn là một hổ giấy. Nếu theo dõi trận đấu, người ta có cảm giác đó không phải là một ông “vua” với hàng loạt hảo thủ,  thống trị tuyệt đối bóng đá thế giới suốt 6 năm qua mà giống như một đội bóng trung bình của châu Âu, thi đấu bạc nhược, rời rạc trong sự bất lực và tuyệt vọng khó tin. Sau một thời gian dài, người ta mới chứng kiến một Tây Ban Nha bị đối thủ tra tấn, chới với đuổi theo từng pha bóng, liên tục chuyền hỏng, chuyền sai, số lần tái hiện được điểm mạnh tiki-taka ít đến mức có thể đếm được trên đầu ngón tay.

Như một định mệnh, đội bóng thành công nhất trong lịch sử bóng đá thế giới gắn với đặc sản tiki-taka rồi đến lúc phải đi đến cuối con đường với một sứ mệnh kỳ vĩ đã được hoàn thành, mà nói như các chuyên gia “họ có quyền được thua, được dừng lại”. Tuy nhiên, cái cách mà Tây Ban Nha “chết” thì lại quá bất ngờ và tức tưởi, chẳng những với chính họ mà với tất cả những người yêu bóng đá.      

5 nhà vô địch bị loại ngay từ vòng bảng

Tây Ban Nha là đội ÐKVÐ thứ 5 trong 20 kỳ World Cup đã bị hạ bệ ngay từ vòng bảng. Trước đó, bi kịch này đã xảy ra với 4 đội gồm Italia ở giải 1950, Brazil - 1966, Pháp - 2002 và Italia - 2010. Như vậy, trong 4 World Cup trở lại đây, đã có tới 3 đội phải “chết” theo kiểu này.

Trong đó, Tây Ban Nha chính là nhà vô địch xấu mặt nhất, vì chỉ duy nhất có họ chỉ qua 2 trận đấu vòng bảng, số phận đã được định đoạt chứ không còn duy trì hy vọng cho đến trận cuối. Tuy hơn Pháp năm 2002 không ghi nổi một bàn thắng nào, song thầy trò Del Bosque lại để lại một kỷ lục buồn: lọt lưới tới 7 bàn sau 2 trận.

6 năm Tây Ban Nha mới thua liên tiếp hai trận

Trong triều đại Del Bosque kéo dài từ 2008 đến trước World Cup 2014, Tây Ban Nha chưa bao giờ thua liên tiếp 2 trận. Họ cũng chỉ có một lần duy nhất không thắng 2 trận liên tiếp là tháng 11/2013 khi thua Anh 0-2 và hòa 2-2 với Costa Rica, đều ở các trận có tính chất giao hữu thử nghiệm.

Kỳ tích ấy vừa chấm dứt ngay tại World Cup 2014 với 2 trận thua tủi hổ 1-5 trước Hà Lan và 0-2 trước Chile.

    Tường Nhi

 


Ý kiến của bạn