Lê Thị Mơ (Hà Nam)
Hai loại thuốc mà bạn đã cho con uống và đặt đồng thời đó đều có chứa chung hoạt chất paracetamol (tên gọi khác là acetaminophen). Đây là loại thuốc hạ sốt giảm đau thông dụng và có nhiều tên thương mại khác nhau. Việc cho con dùng thuốc chỉ căn cứ vào tên thuốc mà không biết hoạt chất của thuốc rất dễ bị quá liều. Khuyến cáo không nên cho trẻ dùng cả thuốc uống và đặt để hạ sốt thực chất là sự lo ngại về tình trạng cho trẻ dùng thuốc quá liều quy định. Paracetamol khá an toàn ở liều dùng thông thường, nhưng với liều cao gây độc, thuốc sẽ gây những tác hại đáng kể, nhất là với gan (gây hại gan).
Khi trẻ sốt cao, cần đi khám và điều trị, không tự ý dùng thuốc để tránh biến chứng nguy hiểm.
Cụ thể ở đây, con bạn nặng 12kg mà bạn cho con dùng tổng cộng cả liều uống và đặt là 400mg/lần là quá nhiều so với quy định. Ở trẻ em, liều paracetamol là 10mg/kg trọng lượng cơ thể và có thể lặp lại liều như trên sau mỗi 4-6 giờ. Không được dùng quá liều 60mg/kg cân nặng trong một ngày và kéo dài quá 5 ngày. Thuốc uống hay thuốc đặt hậu môn có tác dụng như nhau và liều lượng dùng như nhau. Việc lạm dụng và cho con dùng thuốc quá liều như bạn không phải là hiếm và không ít trẻ gặp nguy vì các tác dụng phụ ở liều cao do paracetamol gây ra như: sau khi trẻ uống paracetamol quá liều khoảng vài giờ, thường là dưới 24 giờ, trẻ sẽ xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, buồn nôn, nôn, đau bụng, chán ăn. Nếu tiếp tục cho trẻ dùng liều cao vài lần, các biểu hiện ngộ độc của trẻ đã tăng lên nhiều và mức độ nguy hiểm cũng cao hơn. Từ 24 giờ - 48 giờ, các triệu chứng về gan ở trẻ nặng lên. Nếu sờ bên mạng sườn phải thấy gan sưng to, sờ vào đó thấy gan đau. Thêm vào đó, trẻ bị ngộ độc paracetamol đến giai đoạn này có thể xuất hiện triệu chứng của vàng da... có thể bài niệu ít. Trường hợp nặng, trẻ có thể bị suy thận, bệnh cơ tim với suy tim và rối loạn nhịp tim, thậm chí tử vong.
Trong thư không thấy bạn đề cập đến các phản ứng phụ của con sau hai liều dùng thuốc đồng thời cả uống và đặt, đó là điều may mắn cho bạn. Tuy nhiên bạn không được lặp lại sai lầm này nữa. Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ, cần cho trẻ đi khám bệnh để được chẩn đoán và dùng thuốc, không nên tự ý dùng thuốc hạ sốt cho con. Trường hợp uống thuốc hạ sốt mà thấy nhiệt độ hạ chậm thì cần lau người cho trẻ bằng nước mát để trẻ hạ sốt. Ngay cả khi trẻ sốt cao giữa đêm mà uống thuốc không hạ nhiệt, cần đưa trẻ tới viện ngay để điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm do sốt cao.