Là người đầu tiên đưa cá sấu về nuôi ở Đan Phượng (Hà Nội), đến nay anh Hiển đã trở thành một tỉ phú và được nhiều người gọi với cái tên “Vua cá sấu” Hà Thành.
Về xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng, Hà Nội hỏi thăm nhà anh Nguyễn Quang Hiển chẳng ai là không biết. Anh Hiển được mọi người gọi với cái tên khá thú vị “Vua cá sấu”. Sở dĩ có cái tên như vậy vì anh là người đầu tiên đưa cá sấu về nuôi và trở thành tỉ phú, là tấm gương làm kinh tế cho nhiều người dân noi theo.
Vừa dẫn đi thăm trang trại cá sấu, anh Hiển vừa kể về “cơ duyên”đưa anh đến với nghề, ngày trước, anh Hiển làm nghề sửa chữa điện tử, điện dân dụng trong TPHCM. Trong một lần làm việc tại Đồng Tháp, tình cờ biết đến con cá sấu.
Quan sát, tìm hiểu từ những chủ nuôi, anh Hiển thấy loài cá này khá dễ nuôi, dễ thích nghi với các điều kiện khí hậu, môi trường lại cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều lần, anh Hiển cất công từ Sài Gòn về tham quan các cơ sở nuôi cá ở miền Tây để nghe họ chia sẻ kinh nghiệm. Sau những ngày "nằm vùng" đằng đẵng, anh tiếp thu được kha khá kiến thức về nuôi cá sấu. Đến cuối năm 2003, anh Hiển quyết định thôi nghề sửa chữa điện để về quê lập nghiệp.
Khoảng thời gian đầu khi mua cá sấu về nuôi, do còn thiếu kinh nghiệm nên được dăm ba bữa là cá sấu lăn ra chết, anh Hiển cũng không biết lý do. Không chịu thua cuộc, anh Hiển lại cất công vào tận miền tây xa xôi để nhờ các “cao nhân” nuôi cá sấu chỉ giáo. “Sau khi nghe nhiều chủ cá sấu phân tích, tôi mới nhận ra nguyên nhân cá sấu chết là do mình dập khuôn mô hình trang trại của miền tây vào miền bắc. Sau khi về, cho thợ thiết kế lại chuồng trại phù hợp với môi trường, khí hậu miền bắc thì đàn cá sấu khỏe re, chẳng con nào chết nữa”, anh Hiển chia sẻ.
Theo “Vua cá sấu”, con cá sấu sống ở vùng sông nước khác, trên cạn khác. Làm trang trại cho cá sấu cũng vậy, phải bố trí mô hình nuôi thả sao cho hợp lý. Tính đến năm 2007, khi mới 29 tuổi, anh Hiển đã đạt doanh thu hằng năm hơn 10 tỷ đồng. Trừ chi phí, thu lãi hơn một tỷ đồng/năm.
Năm 2008 lợi nhuận từ nuôi cá sấu tiếp tục mang lại cho anh gần 2 tỷ đồng. Chỉ tính 4 tháng đầu năm 2009, trang trại của anh Hiển đã xuất trại trên 4.000 con cá sấu giống, thịt. Mục tiêu của cả năm xuất trại 10.000 con, ước đạt lãi trên dưới 5 tỷ đồng.
Cùng với việc xây dựng quy mô trang trại lớn cung cấp giống cho người chăn nuôi, năm 2007, anh Hiển đầu tư xây dựng xưởng sản xuất đồ mỹ nghệ làm từ sản phẩm của cá sấu. Và cũng từ đó, trang trại nuôi cá sấu của anh Nguyễn Quang Hiển đổi tên thành Công ty TNHH thương mại và xuất nhập khẩu Thịnh Phát. Công ty của anh cũng mở rộng mô hình nuôi cá sấu cho các hộ dân chung quanh.
Ai có nhu cầu nuôi đều được nhân viên công ty tư vấn xây dựng chuồng trại và kỹ thuật chăm sóc, chuyển giống đến địa điểm nuôi, đồng thời bao tiêu sản phẩm.
Với phương châm cùng tồn tại, cùng phát triển, hiện giống cá sấu của trang trại anh Hiển thường xuyên cung cấp cho gần 70 trang trại từ Phú Thọ, Vĩnh Phúc cho tới miền trung. Riêng ở Hà Nội có 20 trang trại mua giống ở trang trại gia đình ông Hiển. Hiện tại, trang trại cá sấu của anh Hiển rộng trên 6ha và nuôi khoảng 7000 con cá sấu.