Bệnh nhân nam, 42 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông vì vướng nghẹn ở cổ sau khi ăn thịt vịt. Bệnh nhân cho biết khoảng 7h30 sáng ngày 22/6, bệnh nhân có ăn vịt quay tại nhà, do sơ ý trong lúc ăn (vừa ăn vừa trông con), bệnh nhân đã nuốt phải mảnh xương vịt.
Ngay sau đó, bệnh nhân cảm thấy mắc nghẹn và vướng ở cổ. Lập tức bệnh nhận bảo người nhà đưa đến cấp cứu tại BVĐK Hà Đông. Tại đây, bệnh nhân được các bác sĩ Khoa Tai Mũi Họng nội soi khảo sát kĩ vùng hầu họng, sau đó chỉ định chụp X-quang vùng cổ phát hiện có hình ảnh cản quang vị trí bờ trước thân đốt sống cổ C5-C6 theo dõi dị vật trong thực quản.
Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Nội tiêu hóa, các thầy thuốc nhận định đây là trường hợp khó do dị vật là xương vịt có kích thước lớn, cạnh sắc, rắn, găm sâu vào thành thực quản, gây khó khăn cho quá trình thực hiện thủ thuật.
Để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và tránh các biến chứng, bệnh nhân đã được chỉ định nội soi thực quản dạ dày có dùng thuốc tiền mê dưới sự phối hợp của bác sĩ điều trị, bác sĩ nội soi Khoa Nội tiêu hóa và bác sĩ, kĩ thuật viên Khoa Gây mê hồi sức.
Khi nội soi, các bác sĩ phát hiện thực quản đoạn gần ngã ba hầu họng có dị vật là xương kích thước 3x0.5cm, cắm sâu vào lòng thực quản.
Hình ảnh dị vật được gắp ra trong cổ họng bệnh nhân.
Với nhiều năm kinh nghiệm xử lý các ca dị vật thực quản khó, sự thành thạo trong kĩ thuật nội soi can thiệp, các bác sĩ đã gắp thành công mảnh xương bằng kìm cá sấu cho bệnh nhân. Kết quả bệnh nhân không còn cảm giác vướng nghẹn ở cổ, không đau ngực, không sốt, có thể ăn cháo nguội ngay sau đó.
Hiện tại bệnh nhân đang được theo dõi và điều trị tại khoa Nội tiêu hóa để phát hiện và xử trí những biến chứng hay gặp như chảy máu, viêm, áp xe thực quản, trung thất.
Theo ThS.BSCKII Phạm Thị Đào Chinh - Trưởng khoa Nội tiêu hóa, người trực tiếp thực hiện thủ thuật thì đây là một trường hợp dị vật hiếm và khó, bởi thông thường dị vật thực quản hay gặp ở đối tượng người già, trẻ em, người có rối loạn tâm thần hoặc các bệnh lý liên quan đến rối loạn khả năng nuốt
Tuy nhiên đây lại là trường hợp bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, mắc dị vật là do sơ ý trong quá trình ăn uống. Hơn nữa, dị vật lại là mảnh xương kích thước lớn, rắn cạnh sắc đã găm sâu vào thành thực quản, đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn cao và kinh nghiệm nhiều năm mới gắp được thành công và hạn chế các biến chứng như chảy máu, thủng thực quản, áp xe thực quản, trung thất rất nguy hiểm và khó khăn trong điều trị.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân sau 1 ngày gắp dị vật tại khoa Nội tiêu hóa.
Bác sĩ Chinh cũng cho biết, trước kia gần như các ca dị vật đường tiêu hóa đều phải lấy dị vật bằng phương pháp phẫu thuật, nhưng ngày nay dưới sự phát triển khoa học kĩ thuật đặc biệt kĩ thuật nội soi tiêu hóa can thiệp.
Tại khoa Nội tiêu hóa đã triển khai kĩ thuật nội soi can thiệp gắp dị vật đường tiêu hóa từ nhiều năm và đã cấp cứu thành công nhiều ca bệnh dị vật khó, giúp bệnh nhân tránh được các cuộc phẫu thuật lớn ảnh hưởng đến sức khỏe.
Bác sĩ cũng khuyến cáo, người dân cần tập thói quen ăn chậm, nhai kĩ, không nói cười, đùa giỡn khi ăn, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao mắc dị vật thực quản như đã nói ở trên cần ăn các thức ăn mềm, dễ tiêu, và có sự giám sát của người khác.
Khi nuốt phải các dị vật cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và xử lý, tuyệt đối không dùng thức ăn hay nước hoặc cá phương pháp chữa mẹo để đẩy dị vật xuống, rất dễ làm dị vật găm sâu vào ống tiêu hóa gây các biến chứng nguy hiểm.