Hà Nội

Vụ xét xử tai biến y khoa Hoà Bình: “Yêu cầu đặt ra để tranh tụng tại phiên tòa không đạt được yêu cầu”.

23-05-2018 10:23 | Pháp luật
google news

SKĐS - Phiên tòa xét xử vụ án sự cố chạy thận khiến nhiều người tử vong tại BVĐK Hòa Bình thu hút được sự quan tâm rất lớn của dư luận, bên lề Kỳ họp thứ 5, ĐB Nguyễn Văn Chiến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ĐBQH đoàn TP. Hà Nội đã có những trao đổi xung quanh phiên tòa này.

PV: Thưa ông, phiên tòa đã diễn ra được một tuần, vừa với tư cách của một ĐBQH, đồng thời là người trực tiếp có mặt tại các phiên tòa trước đó để tham gia xét xử, ông có những nhận định như thế nào?

ĐB Nguyễn Văn Chiến: Vụ án liên quan tới BS. Hoàng Công Lương được dư luận và xã hội đặc biệt quan tâm. Ở góc độ luật sư bào chữa, chúng tôi tham gia nghiên cứu toàn bộ hồ sơ và tham dự tất cả các cuộc thẩm vấn tại phiên tòa cũng như xem xét các chứng cứ được đưa ra tại tòa án, chúng tôi thấy đây là vụ án để thực hiện cải cách tư pháp. Trong quá trình vừa qua thì tòa án triệu tập nhưng người làm chứng vắng mặt, thậm chí đã mời họ đến tòa để thực hiện trách nhiệm của mình rồi nhưng lại tiếp tục có đơn xin vắng mặt. Do vậy, yêu cầu đặt ra để tranh tụng tại phiên tòa thông qua quá trình hỏi, tranh tụng không đạt được yêu cầu. Vì vậy, vấn đề làm rõ sự thật, bản chất của vụ án được xác định vẫn chưa đáp ứng được.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, ĐBQH đoàn TP. Hà Nội

PV: Một phiên tòa thiếu rất nhiều người quan trọng thì có khách quan không, thưa ông?

ĐB Nguyễn Văn Chiến: Việc kiểm tra các tài liệu chứng cứ thông qua các quá trình tranh tụng, xét hỏi ở phiên tòa phải được công khai và được xem xét một cách toàn diện, đầy đủ. Tuy nhiên, phiên tòa diễn ra trong mấy ngày qua mà vắng quá nhiều người làm chứng. Rõ ràng, nếu như một phiên tòa bảo đảm thẩm vấn kiểm tra tất cả lời khai của nguời làm chứng ở cơ quan điều tra được xác định lại ở phiên tòa thì mới bảo đảm tính khách quan. Những lời khai nào mâu thuẫn, không phù hợp với tài liệu chứng cứ khác thì không được sử dụng làm chứng cứ.

Qua diễn biến phiên tòa mấy ngày qua, qua các phần xét hỏi các luật sư cũng đã thẩm vấn, làm rõ nhiều tài liệu chứng cứ người ta khai ở tại phiên tòa đã xác định sự thật lời khai ở cơ quan điều tra không phù hợp với tài liệu chứng cứ khác. Như vậy, những tài liệu chứng cứ đó rất khó để tin, hơn nữa nếu qua trình bày của người có liên quan về hoạt động thu thập tài liệu chứng cứ rõ ràng chưa phù hợp với quy định của pháp luật, hay nói cách khác là có vi phạm tố tụng. Vì vậy, nó sẽ không có giá trị để chứng minh, do đó, đối với cả một phiên tòa khi chứng cứ buộc tội đã bị triệt tiêu, đã xác định là vi phạm, không còn có ý nghĩa để làm căn cứ buộc tội mà vẫn cứ buộc tội thì đó là xử ép

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

A.T (thực hiện)


A.T (thực hiện)
Ý kiến của bạn