Hà Nội

Vụ võ sư đánh vợ trước mặt con: Chứng kiến bạo lực, trẻ có xu hướng học theo

27-08-2019 21:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Cha mẹ dùng bạo lực trước mặt con dễ làm con trẻ nhận thức thông điệp “muốn điều khiển người khác thì phải có sức mạnh”. Các trẻ có môi trường giáo dục bạo lực thường có nguy cơ kết bè, kết bảng với nhau để đi bắt nạt các bạn khác tạo nên hiện tượng bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên.

Dư luận đang xôn xao clip ghi lại hình ảnh người đàn ông đánh tát tới tấp vào vợ khi đang bế con nhỏ. Thậm chí người vợ nhiều lần ôm con ngã khụy xuống đất sau cú đánh trời giáng của ông chồng được cho là võ sư.

Theo thông tin cập nhật, sau khi cấp cứu tại BV Đại học Y, chị Vũ Thị Thu L. (SN 1992) đã được đón về nhà mẹ đẻ. Trong khi đó, khi trả lời một số báo, người chồng thản nhiên cho rằng, đây là chuyện gia đình, vợ chồng xô xát bình thường và mình "chỉ tát vợ mấy phát"(!).

Đáng chú ý, người chồng vũ phu đã thẳng tay đánh đập vợ trước mặt đứa con trai lớn. Điều này khiến nhiều người lo ngại tâm lý trẻ bị ảnh hưởng xấu, trẻ dễ có xu hướng học theo hành vi mà người lớn thực hiện trước mặt trẻ.

Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia tâm lý, kỹ năng sống TS. Vũ Việt Anh cho biết, khi cha mẹ sử dụng bạo lực trước mặt con cái, trẻ sẽ nhận được những thông điệp như: Để dành được cái con muốn từ người khác, hãy dùng đến sức mạnh và bạo lực; Muốn điều khiển người khác thì phải có sức mạnh; Hãy bạo lực cả với những người yêu quý của con; Nếu không dành được cái con muốn hãy đánh nhau; Kẻ lớn mạnh luôn là người chiến thắng…

Với những bài học này trẻ con sẽ ghi hằn sâu vào trong tâm trí và sẽ hành xử theo những gì con học đươc.

Hình ảnh chồng bạo hành vợ dã man gây phẫn nộ dư luận. Ảnh từ clip.

TS. Vũ Việt Anh phân tích, như khi trẻ nhận được thông điệp “để dành được cái con muốn từ người khác, hãy dùng đến sức mạnh và bạo lực”, với nhận thức này trẻ sẽ luôn dùng bạo lực khi muốn đồ chơi của bạn, bạn không cho trẻ sẽ đánh bạn.

Hay như khi ở lớp, bạn nào làm không đúng yêu cầu không đúng ý của mình con cũng sẽ dùng bạo lực đối với bạn… Điều này lặp đi, lặp lại thành tính cách của con, con luôn hung hăng và dùng các biện pháp bạo lực trong các hành xử hàng ngày.

Cha mẹ dùng bạo lực trước mặt con dễ làm con trẻ nhận thức thông điệp “muốn điều khiển người khác thì phải có sức mạnh”. Các trẻ có môi trường giáo dục bạo lực thường có nguy cơ kết bè, kết bảng với nhau để đi bắt nạt các bạn khác tạo nên hiện tượng bạo lực học đường, tội phạm vị thành niên - TS. Việt Anh nói.

Chuyên gia tâm lý Vũ Việt Anh thông tin thêm, thống kê tại Cục cảnh sát hình sự Bộ Công an cho thấy, có 80% trong số 7.861 vụ phạm tội ở lứa tuổi chưa thành niên rơi vào hoàn cảnh gia đình khó khăn. Những trẻ này thường ở trong gia đình có bố, mẹ là đối tượng hình sự, rượu chè, cờ bạc, gia đình thường xảy ra bạo lực… thiếu sự quan tâm đến trẻ em, sự giáo dục chưa phù hợp.

Một điều nguy hại hơn nữa khi trẻ phải chứng kiến cảnh bố thẳng tay đánh mẹ là trẻ sẽ nhận thức thông điệp “Hãy bạo lực cả với những người yêu quý của con”. Chính điều này sẽ hình thành nên hiện tượng bạo lực gia đình.

 

TS. Vũ Việt Anh cho biết thêm, nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, những người bị đánh đập, trừng phạt thời niên thiếu thường đánh đập người yêu của mình cao gấp 4 lần so với những người không bị cha mẹ đánh đập.

Những người chồng sinh ra trong gia đình bạo lực đánh vợ nhiều hơn 600 lần so với đàn ông xuất thân trong gia đình không bạo lực.

Cứ 4 người xuất thân trong một gia đình bạo lực thì có 1 người hung hãn làm con mình bị chấn thương trầm trọng.

Và gần như 100% trẻ em bị trừng phạt về thể xác đều tấn công anh chị em mình, 20% đánh đập tàn nhẫn anh chị em mình.

 


Dương Hải
Ý kiến của bạn