Vụ việc xả thải ra môi trường của Công ty TNHH dệt Pacific Crystal: Tổng cục Môi trường nói gì?

01-03-2017 12:20 | Xã hội
google news

SKĐS - Sau khi báo Sức khỏe&Đời sống đã có thông tin về vụ việc Công ty TNHH dệt Pacific Crystal xả thải ra môi trường, Cục Kiểm soát hoạt động Bảo vệ Môi trường - Tổng cục Môi trường...

Sau khi báo Sức khỏe&Đời sống đã có thông tin về vụ việc Công ty TNHH dệt Pacific Crystal xả thải ra môi trường, Cục Kiểm soát hoạt động Bảo vệ Môi trường - Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã phối hợp với các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương và đại diện một số người dân xã Lai Vu thành lập đoàn kiểm tra làm rõ việc xả thải của công ty này. Theo đó, ông Lương Duy Hanh - Cục trưởng đã yêu cầu công ty này phải hoàn thành việc rà soát toàn bộ quy trình xả thải và thực hiện đúng các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Thời hạn cuối cùng là 31/3 buộc tạm dừng hoạt động nếu không hoàn thành.

Phải giám sát chặt chẽ việc xả thải ra môi trường

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Cheung King Leung Thomas - Phó Tổng giám đốc Phụ trách tài chính và Hành chính Tổng hợp đã thay mặt công ty nói lời xin lỗi đối với người dân Việt Nam nói chung và nhân dân Lai Vu nói riêng về sự cố ngày 24/12 vừa qua, đồng thời cho rằng đây là sự việc đáng tiếc, không mong muốn. Nguyên nhân là do máy bơm hóa chất PAC bị hỏng, dẫn đến hiệu quả xử lý của hệ thống không bảo đảm nên công ty đã chủ động bơm toàn bộ nước thải sau điểm cấp PAC trở lại bể điều hòa để tuần hoàn xử lý lại. Trong khoảng thời gian hệ thống xử lý nước thải tập trung xử lý lại nước thải, nước thải sản xuất vẫn phát sinh dẫn đến nước thải lưu trong hệ thống xử lý và trong hệ thống thu gom nước thải sản xuất dâng cao và tràn ngược sang hệ thống gom nước mưa, chảy tràn vào mương thoát nước của Khu công nghệp Lai Vu gây bức xúc cho người dân khu vực này.Đoàn kiểm tra đoạn mương bị xả tràn trong khu công nghiệp.

Đoàn kiểm tra đoạn mương bị xả tràn trong khu công nghiệp.

Ngay sau đó, thực hiện yêu cầu của cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương, công ty đã dùng các biện pháp chặn, bịt kín các đường ống dẫn nước thải thoát vào hệ thống nước mưa chảy tràn. Tiến hành đào, tháo dỡ đường ống dẫn nước thải, khắc phục sự cố, nộp phạt theo quy định và ổn định hoạt động.

Sau khi kiểm tra toàn bộ hệ thống sản xuất, vận hành xử lý nước thải, tại buổi làm việc với công ty, ông Lương Duy Hanh cho biết, thời gian gần đây, làn sóng đầu tư của các công ty dệt may nước ngoài vào Việt Nam cho nên nhiều tỉnh thành có xây dựng nhà máy dệt may, dệt nhuộm. Hơn bao giờ hết, công tác môi trường đảm bảo phải đặt lên hàng đầu. Do đó, các cơ quan bảo vệ môi trường cần nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giám sát chặt chẽ việc xả thải, xử lý nước thải của các đơn vị này.

Đối với Công ty Pacific, theo tính toán, công ty mới đi vào hoạt động hơn 1 năm với số lượng hoá chất khoảng 100.000 tấn/năm, nếu nhà máy hoàn thiện hoạt động hết công suất thì việc kiểm soát nước thải sẽ phải được giám sát chặt chẽ, nhất là khi doanh nghiệp này theo dự kiến nếu hoạt động hết công suất thì sẽ sử dụng lượng hóa chất gấp 3 lần Formosa. Dự án dệt Pacific Crystal được chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 sử dụng trên 67.000 tấn hoá chất/năm; giai đoạn 2 là trên 200.000 tấn; khi hoàn thiện cả 3 giai đoạn, Công ty Pacific Crystal sẽ sử dụng gần 600.000 tấn hoá chất. Công ty này còn phải sử dụng hàng trăm nghìn tấn than/năm. Cụ thể, giai đoạn 1 sử dụng khoảng 216.000 tấn than và hàng chục nghìn tấn dầu DO/năm. Nên việc giám sát chặt chẽ việc xả thải từ các nhà máy dệt may, đặc biệt là trong khâu nhuộm, dệt nhuộm đối với môi trường là hết sức cần thiết và quan trọng hơn bao giờ hết là phải tránh bức xúc đối với nhân dân, ông Hanh nói.

Buộc dừng hoạt động nếu không hoàn thành báo cáo đánh giá tác động môi trường

Cũng tại buổi làm việc, ông Lương Duy Hanh cho rằng: Qua kiểm tra, sự việc xả tràn ra môi trường vừa qua công ty không thể nói là không biết. Xét về mặt pháp lý, về cơ bản, công ty đã thực hiện đầy đủ các yêu cầu theo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, theo các quy định mới, Đoàn kiểm tra yêu cầu công ty thực hiện một số điều kiện để cải thiện môi trường tốt hơn nhằm đảm bảo ứng phó đối với sự cố môi trường có thể xảy ra, đề nghị Công ty Pacific phối hợp với Công ty TNHH MTV KCN Lai Vu rà soát toàn bộ hệ thống xả thải cũ của Công ty Công nghiệp tàu thủy trước đây. Rà soát lại toàn bộ hệ thống một cách toàn diện hệ thống thoát nước thải và nước mưa, hệ thống xả bùn thải từ bể rửa lọc bảo đảm thu gom triệt để nước thải vào khu tập trung để xử lý.

Về kỹ thuật, yêu cầu công ty đánh giá lại hiệu quả, để giảm mùi phát ra từ các bể thủy phân. Rà soát lại hệ thống thu bùn và ép bùn trong công trình thu gom và trạm xử lý nước thải. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các trạm xử lý nước thải phải xây dựng hệ thống bể ứng phó sự cố đối với trạm xử lý nước thải.

Rà soát và chuẩn hóa chủng loại và khối lượng hóa chất sử dụng cũng như quy trình vận hành của trạm xử lý nước thải tập trung, nghiên cứu lắp đặt hệ thống thiết bị tự động tối ưu hóa quy trình vận hành tự động liên tục, thay thế sự vận hành của con người. Lưu ý phải thiết kế đường ống chạy theo một chiều.

Trong thời gian tới, nên thiết lập nhật ký theo dõi, xây dựng phần mềm theo dõi. Phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng hệ thống thiết bị tự động, lắp camera quan sát, thực hiện theo Thông tư 31 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Hoàn thành hệ thống quan trắc theo Nghị định 38/NĐ-CP, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hạng mục hồ sơ xin cấp giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường hết ngày 31/3/2017, không có sẽ buộc cho dừng hoạt động.


An Biên
Ý kiến của bạn