Vụ việc ô nhiễm môi trường xung quanh Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất: Thông tin mới nhất

06-12-2019 08:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Trao đổi với báo chí, bà Trần Thị Hà Vũ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi) xác nhận: Đơn vị đã phối hợp với địa phương và cơ quan chức năng để lấy mẫu kiểm tra nhưng chưa có kết quả.

Việc này chúng tôi cũng đã báo cáo Bộ TN&MT và Tổng cục Môi trường. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế ghi nhận có hiện tượng cây chết xung quanh Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất (thuộc Công ty CP Thép Hòa Phát, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), nhưng nguyên nhân phản đối biểu tình của người dân ngoài ô nhiễm môi trường còn có vấn đề bức xúc khác?

Trước đó, người dân quanh khu vực Nhà máy Thép Hòa Phát đã nhiều lần biểu tình phản ánh hoạt động nhà máy. Từ tháng 8/2019 đến tháng 11/2019, có 5 lần người dân tập trung trước cổng Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Trong đó, ngày 28/11, sau khi người dân phát hiện cây cối xung quanh khô héo, vàng úa, lá rụng nên tập trung trước cổng nhà máy biểu tình, yêu cầu cơ quan chức năng vào cuộc. Theo đó, UBND huyện Bình Sơn đã tổ chức đoàn công tác xuống hiện trường cùng với các cơ quan chức năng ghi nhận ý kiến người dân và lấy mẫu kiểm tra.

Vụ việc ô nhiễm môi trường xung quanh Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất: Thông tin mới nhấtÔng Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Thép Hòa Phát Tập đoàn Hòa Phát cho rằng: Nếu do khí thải từ nhà máy ra làm cây cối chết thì khu vực nhà máy chắc cũng không có gì sống nổi.

Trao đổi với báo chí xung quanh nhiều thông tin về việc Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất gây ô nhiễm môi trường. Ông Hồ Đức Thọ, Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát (Tập đoàn Hòa Phát) thừa nhận từ khi khởi công nhà máy đến nay, rất nhiều lần người dân chặn cổng để phản đối. Tuy nhiên có những khiếu nại không liên quan đến Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất mà về vấn đề khiếu nại đất đai, đền bù GPMB tái định cư tại khu vực này từ năm 2007 thuộc dự án khác. Sau này, khi chúng tôi về làm thì người dân tiếp tục chặn vì họ muốn đòi bằng được quyền lợi từ ngày xưa, ông Thọ nói.

Tuy nhiên, ông Thọ cũng nhìn nhận trong bức xúc chung của người dân về ảnh hưởng từ hoạt động chạy thử vừa qua của nhà máy trước khi đi vào hoạt động chính thức là không tránh khỏi. Bởi công ty về đây hoạt động cũng xác định nhà máy là công nghiệp nặng, khó tránh khỏi tác động đến đời sống người dân. Trong quá trình chạy thử nhà máy, khối lượng công việc khổng lồ và chúng tôi đã triển khai nhiều biện pháp khắc phục, giảm thiểu tác động ra bên ngoài, ông Thọ cho biết thêm.

Liên quan đến câu chuyện có hay không việc khí thải từ nhà máy khiến nhiều cây cối tại xã Bình Thuận héo úa và chết. Ông Thọ cho rằng: Nếu do khí thải từ nhà máy ra làm cây cối chết thì khu vực nhà máy chắc cũng không có gì sống nổi. Còn nguyên nhân vì sao cây chết thì nhà máy cũng không biết. Về việc này, theo ông Thọ, khi nhận phản ánh về cây cối chết, đơn vị đã mời ngành TN&MT địa phương và cảnh sát môi trường của tỉnh Quảng Ngãi xuống kiểm tra để trả lời cho người dân.

Về thông tin cho rằng Hòa Phát chôn ống ngầm xả thải ra biển, theo ông Thọ, công an địa phương và Ban quản lý Khu kinh tế Dung Quất cũng đã về kiểm tra nhưng không phát hiện ống ngầm nào như thông tin đồn đại. Hơn nữa, dự án Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất được đặt dưới sự giám sát đặc biệt của Bộ TN&MT và Tổng cục Môi trường. Trong năm 2019, không dưới 10 lần đoàn giám sát của Bộ TN&MT cùng Sở TN&MT tỉnh về nhà máy kiểm tra, lấy mẫu quan trắc đều không thấy gì bất thường. Toàn bộ hệ thống quan trắc tự động của nhà máy cũng được đấu nối dữ liệu về Sở TN&MT Quảng Ngãi để theo dõi thường xuyên” - ông Thọ nói.

Ngày 4/12, Cục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên (thuộc Tổng cục Môi trường - Bộ TN&MT) đã đi khảo sát thực tế và làm việc với UBND huyện Bình Sơn để xác minh thông tin ô nhiễm môi trường do hoạt động của Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Tường Chuẩn, Phó phòng TN&MT huyện Bình Sơn cho biết, người dân khu vực dự án phản ánh hoạt động nhà máy gây ra bụi, tiếng ồn là có.

Sau khi làm việc với huyện Bình Sơn, Đoàn công tác đã đi kiểm tra thực tế. Ông Nguyễn Gia Cường, Phó Cục trưởng cho biết, sẽ nhờ các chuyên gia môi trường trưng cầu giám định sau khi có kết quả sẽ thông tin cho người dân và báo chí biết. Còn việc hỗ trợ đền bù thiệt hại GPMB, tái định cư sau khi lấy đất thực hiện dự án nhà máy không thuộc thẩm quyền của ngành TN&MT, ông Cường nói.

Theo tìm hiểu của phóng viên,  việc phản ánh của người dân ngoài việc phản đối vận hành dự án Thép Hòa Phát Dung Quất đã gây ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư về tiếng ồn, bụi, mùi hôi. Đồng thời, trong khi khu tái định cư chưa xây dựng, người dân còn chưa được bố trí chỗ ở mới, tại khu vực đang triển khai dự án 115ha mở rộng, chủ đầu tư đã cho thi công, san ủi quanh một số phần mộ thân nhân, nhà cửa, vật kiến trúc của người dân... Có khoảng 335 hộ sẽ phải di chuyển chỗ nhường đất cho dự án.

Vụ việc ô nhiễm môi trường xung quanh Nhà máy Thép Hòa Phát Dung Quất: Thông tin mới nhấtCục Bảo vệ môi trường miền Trung và Tây Nguyên cho biết, sẽ nhờ các chuyên gia môi trường trưng cầu giám định sau khi có kết quả sẽ thông tin cho người dân và báo chí biết.

Theo thống kê, dự kiến phải di dời khoảng hơn 3.800 ngôi mộ (khu 115ha có khoảng 600, dự án Bến cảng tổng hợp khoảng 173 và còn lại là dự án Khu hậu cần cảng). Trong đó, cấp bách hơn cả, BQL và huyện Bình Sơn giải quyết ngay là bố trí mặt bằng nghĩa trang để di dời khoảng 600 ngôi mộ (khu 115ha) trước mùa mưa theo yêu cầu của người dân, tiến độ dự án và đề nghị của xã Bình Thuận.

Trong thẩm quyền của mình, UBND xã Bình Thuận đã kiến nghị BQL Khu kinh tế Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi, huyện Bình Sơn và Công ty Thép Hòa Phát giải quyết các yêu cầu của người dân, khi nào các yêu cầu của người dân chưa được giải quyết triệt để thì việc biểu tình, phản ánh của người dân quanh khu vực này vẫn còn tiếp diễn.


Vĩnh Thuận
Ý kiến của bạn