Vụ việc cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung: Dân đỏ mắt chờ... nguyên nhân

25-04-2016 07:25 | Thời sự
google news

SKĐS - Những ngày qua, người dân ven biển dọc các tỉnh từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế hoang mang trước việc cá chết hàng loạt. Thủy hải sản ế ẩm không tiêu thụ được.

Liên quan đến vụ việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Bộ TN&MT phối hợp với Bộ NN&PTNT và các cơ quan liên quan khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân.

Bước đầu xác định cá chết do nhiễm độc tố

Tại buổi họp báo tổ chức chiều 23/4 tại Hà Tĩnh, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, bước đầu xác định nguyên nhân cá chết hàng loạt không liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm hay hiện tượng suy giảm nồng độ ôxy trong nước, do tảo xâm lấn, thủy triều đỏ hay do tăng nhiệt độ trong nước gây ra mà do độc tố. Tuy nhiên, nguyên nhân vẫn chưa xác định được, việc này cần phải có thời gian lấy mẫu để xét nghiệm ở những phòng thí nghiệm đủ tiêu chuẩn.

Cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung, các Bộ, ngành vẫn đang khẩn trương truy tìm nguyên nhân.

Trước sự việc có tính chất nghiêm trọng như vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TN&MT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng như Tổng cục Môi trường, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Bộ NN&PTNT và Sở TN&MT các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế, hiện các chuyên gia, cán bộ quản lý về môi trường cũng đang khẩn trương gấp rút truy tìm nguyên nhân.

Trước những thông tin về đường ống xả thải ở Khu công nghiệp Formosa (Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) xả thải là nguyên nhân gây nên cá chết hàng loạt tại Hà Tĩnh, tại buổi họp báo ông Võ Tuấn Nhân, Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết, đây là đường ống công khai và được cho phép của cơ quan chức năng, nước thải trước khi xả đều được xử lý theo tiêu chuẩn. Tuy nhiên, Bộ TN&MT đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan có liên quan tiến hành lấy mẫu kiểm tra xác định nguyên nhân cá chết, điều tra làm rõ độc tố xuất phát từ đâu.

Hiện tượng cá chết trên diện rộng ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Về việc này, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng cũng đã có văn bản giao Bộ NN&PTNT hướng dẫn UBND các tỉnh trong việc phối hợp với các cơ quan trung ương, xác định nguyên nhân, đồng thời tập trung thu gom số lượng cá chết không để ô nhiễm môi trường, thống kê thiệt hại hỗ trợ khôi phục sản xuất, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tiếp theo ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã giao cho Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Hà Tĩnh và các cơ quan liên quan kiểm tra, làm rõ thông tin nghi vấn ống xả thải khổng lồ dưới biển Vũng Áng, Hà Tĩnh, đồng thời xử lý nghiêm nếu có vi phạm theo quy định của pháp luật.

Chưa có câu trả lời chính xác

Trước sự việc cá chết hàng loạt thuộc các tỉnh miền Trung trong thời gian qua có thể nói là rất nghiêm trọng. Hiện tượng cá chết này lúc đầu chỉ ghi nhận ở những lồng bè nuôi trên biển gần khu kinh tế Vũng Áng, Kỳ Anh, Hà Tĩnh vào đầu tháng 4/2016. Sau đó cá biển tự nhiên, cá ven biển, đáng lo ngại hơn là cá sống ở tầng đáy cũng chết diễn ra trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.

Trao đổi với phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết: Chúng tôi đã kiểm tra tìm hiểu các thông tin cá chết từ Hà Tĩnh trôi vào hay do cá chết tại địa phương, thông tin cho rằng nguyên nhân cá chết tại chỗ. Nghĩa là yếu tố để dẫn đến nhiễm độc cá chết đi vào đến tận Thừa Thiên Huế, đây là việc rất nghiêm trọng, cần phải có cách thức tìm hiểu nguyên nhân, đồng thời cần có biện pháp ứng phó kịp thời, nhất là tránh hậu quả liên quan đến môi trường sống của con người. Nhiều ý kiến cho rằng, dưới tác động của dòng hải lưu nên nguồn nước bị ô nhiễm ở Hà Tĩnh bị đẩy dọc vào ven bờ biển phía Nam gây nên hiện tượng cá chết từ Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, tuy nhiên tại buổi họp báo, lãnh đạo các Bộ chuyên môn chưa thừa nhận thông tin này, cần phải có thời gian nghiên cứu thêm.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, Chính phủ cũng đã chỉ đạo quyết liệt và giao cho Bộ TN&MT chủ trì phối hợp cùng Bộ NN&PTNT và Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường (C49) Bộ Công an, cùng các đơn vị chức năng có liên quan thành lập một nhóm chuyên gia để phân tích báo cáo đánh giá tác động môi trường của những dự án tại các địa phương trên, những nơi có tiềm năng và nguy cơ gây ra sự việc trên, để từ đó đưa ra những nhận định chính xác nhất. Theo đó, cơ quan chức năng đã lấy 42 mẫu cá, 7 mẫu trầm tích, hàng chục mẫu nước đưa đi xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả kiểm tra tại hiện trường cho thấy cá không bị nhiễm ký sinh trùng. Phân tích 18 mẫu vi khuẩn, 18 mẫu virut cũng thể hiện đây không phải tác nhân gây hiện tượng cá chết. Cục Thú y, Bộ NN&PTNT khẳng định, không có mầm bệnh truyền nhiễm khiến cá chết, mà do một yếu tố độc tố rất mạnh từ môi trường. Độc tố đó có thể là yếu tố về sinh học, hóa học, kim loại từ bên trong một cơ sở nào đó xả ra. Để xác định xem nó là yếu tố gì cần thời gian nghiên cứu, sớm nhất cũng phải 10 ngày từ khi lấy mẫu.

Cũng theo ông Vũ Văn Tám đánh giá, đây là hiện tượng bất thường, lần đầu tiên xuất hiện tại nhiều tỉnh thành, các địa phương cần xem đây là một bài học chung để khắc phục và rút kinh nghiệm, sớm đưa ra những phương án, hỗ trợ bà con an tâm sản xuất trở lại. Bộ TN&MT đã có văn bản gửi các tỉnh trên, trước mắt là kịp thời thông báo, tuyên truyền cho người dân biết được cá chết do nhiễm độc. Ngoài ra, khuyến cáo người dân không sử dụng cá chết làm thực phẩm và thức ăn gia súc, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi chưa tìm ra nguyên nhân.


Trần Lâm
Ý kiến của bạn