BS Nguyễn Dư Dậu đã không kìm được cảm xúc khi chia sẻ các thông tin về quá trình khám chữa bệnh cho sản phụ
TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, BS Nguyễn Dư Dậu hiện là Phó Trưởng Khoa Sản- Bệnh viện Bạch Mai, đã có kinh nghiệm 34 năm trong nghề. Ca mổ đẻ, triệt sản cho sản phụ Lê Thị Nguyên S. ở Hà Nội diễn ra vào đêm ngày 18/2/2016.
Theo TS Hùng, hiện nay ít người lựa chọn cách triệt sản vì có nhiều phương pháp tránh thai khác. Vì thế, việc triệt sản thường làm trong quá trình mổ đẻ, trong trường hợp sản phụ có kèm bệnh lý như bệnh tim mạch... Triệt sản có thể bằng cách cắt hoặc cặp 2 vòi trứng theo kiểu buộc lại thì không thể có thai. Vì thế, TS Hùng khẳng định trong trường hợp trên nếu bệnh nhân có thai thì chắc chắn là chưa được triệt sản.
Cũng theo TS Hùng, ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh, lãnh đạo Bệnh viện Bạch Mai đã yêu cầu BS Dậu và các đơn vị liên quan kiểm tra lại hồ sơ/giấy tờ lưu trữ thông tin quá trình khám chữa bệnh của sản phụ S. Theo giấy tờ lưu tại bệnh viện, sản phụ trên chỉ được mổ lấy thai, chưa được bác sĩ triệt sản.
Tại buổi gặp mặt báo chí, BS Nguyễn Dư Dậu cũng cho biết: "Thường tôi không mổ đêm hay sáng sớm, nhưng trường hợp này là đồng nghiệp nhờ nên tôi đã vào bệnh viện sáng sớm để mổ cho bệnh nhân"- BS Dậu kể lại.
BS Dậu cho hay, khi biết sản phụ đã mổ đẻ 2 lần trước, bản thân ông đã tư vấn cho sản phụ nên triệt sản vì đã có thai 3 lần, 2 lần mổ đẻ, có sẹo tử cung. Bệnh nhân và gia đình cũng đã đồng ý. Tuy nhiên, trong quá trình mổ đẻ cho bệnh nhân, nhận thấy toàn bộ tử cung của bệnh nhân dính vào thành bụng nên tôi đã không triệt sản cho sản phụ.
"Nếu cứ cố triệt sản sẽ nguy hiểm đến tính mạng của sản phụ.Do đó vì sự an toàn và tính mạng của người bệnh nên tôi đã không triệt sản"- BS Dậu nói. Theo BS Dậu, mọi giấy tờ ra viện của sản phụ đều không ghi triệt sản.
BS Dậu cũng chia sẻ, bản thân ông đã đỡ đẻ hàng nghìn sản phụ và cứu nhiều bệnh nhân, lâu nay không hề điều tiếng gì.
Trước thông tin của phóng viên cho hay, người bệnh bức xúc về việc BS Dậu từ chối trao đổi, giải quyết vấn đề tại phòng khám, BS Dậu cho biết thời điểm bệnh nhân đến phòng khám rất bức xúc, thiếu bình tĩnh, thiếu thiện chí, làm loạn lên.
“Tôi có nói, vấn đề tôi làm tại BV, cần phải vào BV, có lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa cùng giải quyết. Tôi làm bệnh viện tôi có trách nhiệm trong bệnh viện, còn việc này tôi không giải quyết phòng khám. Tôi thấy chị bệnh nhân bức xúc nhiều, bệnh nhân cũng bức xúc, tôi bỏ tôi về”, BS Dậu chia sẻ và không kìm được nước mắt.
Trả lời câu hỏi của báo chí về vệc cấp giấy ra viện cho bệnh nhân như thế nào? TS Hùng cho hay, theo quy chế khi bệnh nhân ra viện được cấp giấy ra viện, cách thức phẫu thuật- giống hồ sơ bệnh lý, để bệnh nhân làm chế độ, tiêu chuẩn... và cũng để bệnh nhân biết bác sĩ đã làm gì trên cơ thể họ, cũng như các lần đi khám lần sau, bệnh nhân lưu lại...
Cũng tại buổi gặp gỡ báo chí, BS Dậu cho hay, mỗi năm bản thân ông mổ 500-600 bệnh nhân nên khi bệnh nhân gọi hỏi về việc "sao đã triệt sản mà vẫn có thai đột ngột quá, nên tôi không thể nào nhớ ra nên tôi buột miệng nói triệt sản rồi. Tuy nhiên sau đó bệnh nhân gửi giấy cách thức phẫu thuật đến tôi có cả cam kết triệt sản,tôi đi xem lai hồ sơ bệnh án, thì thấy trong đó không ghi triệt sản".
Cũng theo BS Dậu, thường quá trình mổ nếu thấy bệnh nhân bị dính, chúng tôi sẽ giải thích tư vấn, có thể bệnh nhân quên, thực sự trong quá trình nếu có dính chúng tôi đều tư vấn.
Bổ sung thông tin, TS Hùng nói, việc giải thích cho bệnh nhân là bắt buộc phải làm, nhất là với người phải phẫu thuật. Trong trường hợp của bệnh nhân S. là người quen của đồng nghiệp thì bác sĩ Dậu đương nhiên sẽ giải thích tận tình.
Nhưng rõ ràng vấn đề của BS Dậu ở đây là kỹ năng giao tiếp, ứng xử khi bệnh nhân hỏi lại về vấn đề triệt sản, còn về chuyên môn bác sĩ đã xử lý đúng. "Khi chưa rõ được thông tin, chưa nhớ được bệnh nhân, chưa chắc chắn vấn đề đi giải thích cho bệnh nhân là không đúng. Bác sĩ cần rút kinh nghiệm, tìm hiểu thông tin lại trước khi trả lời vấn đề cho bệnh nhân", TS Hùng nói.
Cũng theo TS Hùng, qua sự việc này, các bác sĩ của bệnh viện có thêm kinh nghiệm về quy trình khám chữa bệnh, đặc biệt là ghi thông tin về bệnh của bệnh nhân trên giấy tờ, hồ sơ bệnh án.
"Để giúp bệnh nhân lưu trữ được một số thông tin cá nhân về tình trạng sức khỏe của mình, đặc biệt cho lần khám sau, hơn một năm nay, đơn vị tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai đã cải cách thủ tục hành chính thông qua việc thí điểm triển khai thẻ cứng thay bằng một tờ giấy ghi thông tin như trước đây rất dễ rách nát"- TS Hùng nói