Hà Nội

Vụ trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, chuyên gia nói gì?

ThS. BSCK II. Diêm Thị Thanh Thủy

ThS. BSCK II. Diêm Thị Thanh Thủy

Trưởng khoa khám Tự nguyện II, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội

12-07-2018 14:42 | Phòng mạch online
google news

SKĐS - Lâu nay, việc nhầm con trong bệnh viện vốn được xem là câu chuyện hy hữu, hiếm có. Tuy nhiên, trên thực tế trường hợp trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì, Hà Nội khiến nhiều người lo lắng và nghi vấn vẫn có nhiều gia đình bị trao nhầm con cho nhau. Có người may mắn phát hiện sự việc kịp thời nhưng cũng không ít trường hợp bị thất lạc con mà không thể tìm ra. Phóng viên Báo Sức Khỏe&Đời Sống đã có cuộc trao đổi với Ths.BSCK2 Diêm Thị Thanh Thủy -Trưởng khoa Khám Sản khoa Tự nguyện II- BV Phụ Sản Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thưa bác sĩ trên thực tế đã  từng xảy ra vụ trao nhầm con (vụ ở Tỉnh Bình Phước năm 2013, Tại Hà Nội sau 42 năm, và gần đây nhất là vụ trao nhầm ở Bệnh viện Đa khoa Ba Vì- Hà Nội)  khiến nhiều người lo lắng. Bác sĩ có thể cho biết ý kiến của mình dưới góc độ chuyên gia sản khoa về vấn đề này ?

Ths.BSCK2 Diêm Thị Thanh Thủy: Đây là vấn đề cực kỳ nhạy cảm đem lại hậu quả là sự đau buồn, day dứt cho các gia đình có con bị thất lạc, Khi nuôi 1 đứa trẻ không phải con mình gia đình nhạy cảm sẽ nhận ra ngay khi sinh, gia đình khác sẽ dần dần nhận ra  trong quá trình nuôi dạy. Sự ngờ vực cứ lớn lên mỗi ngày mà họ không sao lý giải nổi mà người gánh chịu hậu quả lớn nhất là người mẹ và đứa trẻ. Người mẹ phải chịu đựng sự nghi ngờ ngoại tình sống trong sự ghẻ lạnh và sự bạo hành của gia đình không ít gia đình tan vỡ còn đứa trẻ cũng tương tự như bà mẹ mặc dù đứa trẻ hoàn toàn vô tội.

Trước đây việc quản lý trẻ sơ sinh hoàn toàn thủ công chủ yếu dựa vào tính cẩn thận của bà đỡ nên hiện tượng này có thể xảy ra. Ngày nay việc quản lý trẻ sơ sinh rất chặt chẽ bằng công nghệ thông tin bằng mã vạch trên vòng đeo tay của em bé và bà mẹ nên việc này hầu như không xảy ra. Nếu có chuyện xảy ra ngày nay với kỹ thuật xét nghiệm AND có thể chẩn đoán ngay sau 2 ngày.


Ths.BSCK2 Diêm Thị Thanh Thủy -Trưởng khoa Khám Sản khoa Tự nguyện- BV Phụ Sản Hà Nội.

PV: Trên thế giới đã có vụ trao nhầm con tương tự như ở Việt Nam chưa thưa bác sĩ ?

Ths.BSCK2 Diêm Thị Thanh Thủy: Có chứ, mới đây nhất vào ngày 17/5/2018 ngay tại bang California Mỹ cũng xảy ra trường hợp trao nhầm con.

PV: Vậy tại Bv Phụ sản Hà Nội, áp dụng quy trình quản lý sau sinh hiện đại như thế nào để tránh nhầm lẫn trẻ sơ sinh ?

Ths.BSCK2 Diêm Thị Thanh Thủy: Bệnh viện Phụ sản Hà Nội là Bệnh viện chuyên khoa Sản tuyến cuối. Là bệnh viện có số lượng sinh lớn nhất miền Bắc, mỗi năm đón  khoảng trên dưới 40000 em bé sơ sinh ra đời. Vấn đề an toàn trẻ sơ sinh được đưa lên hàng đầu. Quy trình đón trẻ cực kỳ chặt chẽ trong mọi khâu với sự tham gia của bà mẹ để tránh sai sót.

Ngày nay, có một cặp vòng định danh dính liền nhau trên đó có ghi tên tuổi mã số, mã vạch của bà mẹ và em bé. Ngay khi em bé sinh ra ( kể cả bằng phương pháp sinh thường hay sinh mổ) bé được đưa lên ngực bà mẹ “ da kề da”, lúc này chưa cắt rốn.

Nữ hộ sinh tách đôi vòng nhận diện dưới sự chứng kiến của bà mẹ, xác minh tên tuổi, mã số bệnh nhân rồi đeo 1 cái vào tay cho mẹ 1 cái vào chân cho em bé. Vòng này không tháo ra và lắp lại được nó theo em bé suốt thời gian nằm viện. Khi em bé ra viện sẽ dùng kéo cắt rời ra và bỏ đi. Như vậy việc nhầm lẫn là rất khó xảy ra.

Vòng định danh dính liền nhau trên đó có ghi tên tuổi mã số, mã vạch của bà mẹ và em bé.

PV: Mặc dù hiện nay có nhiều phương pháp hiện đại để tránh nhầm lẫn trao trẻ sơ sinh tuy nhiên theo bác sĩ liệu có tình huống nào có thể dẫn đến trao nhầm con không?

Ths.BSCK2 Diêm Thị Thanh Thủy : Hiện nay việc trao nhầm con là việc rất khó xảy ra ở các bệnh viện lớn vì có vòng định danh, đôi khi có trường hợp hy hữu xảy ra:

-Khi đưa trẻ đi tắm: trước khi đi gia đình đối chiếu vòng định danh của mẹ và con khi trả cháu về với mẹ cũng đối chiếu lại nếu có đưa nhầm thì phát hiện ra ngay.

- Hoặc trường hợp bị tuột vòng định danh ra khỏi chân em bé do em bé sinh non quá nhỏ ( thường vòng định danh đeo vừa khít chân em bé) trường hợp này ở bệnh viện Phụ Sản Hà Nội, nữ hộ sinh thường dùng bút không xóa viết vào bàn chân em bé.

-Cha mẹ cháu làm đứt vòng định danh của em bé thì phải báo ngay với nữ hô sinh để thay cặp  vòng khác cho cả mẹ và con.

-Với các cơ sở y tế ở các vùng xa xôi hẻo lánh vẫn có thể xảy ra nếu bà đỡ không cẩn trọng và khi có 2 ca sinh cùng 1 lúc.

PV:  Cách đơn giản nhất để tránh xảy ra sai sót trên, bác sĩ khuyến cáo gì?

Ths.BSCK2 Diêm Thị Thanh Thủy: Không phải cơ sở y tế nào cũng có thể trang bị được vòng định danh cho mẹ và bé như bệnh viện Phụ sản Hà Nội,  vậy chúng ta cần tránh sai sót bằng cách: Ở những nơi không có điều kiện ngay khi đỡ em bé ra dùng 1 bút xóa đánh dấu bằng số hoặc tên của mẹ lên mông của em bé hoặc trả em bé nằm với mẹ ngay khi làm rốn xong. Không được đặt nhiều em bé nằm cùng một chỗ gần nhau khi chưa có đánh dấu vì tất cả em bé sơ sinh đều giống nhau sẽ rất dễ nhầm.

Trong trường hợp có nghi ngờ nên chuyển đi xét nghiệm AND sớm tránh hệ lụy.

Xin chân thành cảm ơn Ths.BSCK2 Diêm Thị Thanh Thủy!

Chị Vũ Thị Hương và cháu M ( trao nhầm con tại Bệnh viện Đa khoa Ba Vì - Hà Nội).

6 năm trước, ông bố trẻ Phùng Giang Sơn (SN 1990, ở Ba Vì, Hà Nội) vui mừng đón đứa con trai đầu lòng. Đó là bé Phùng Thanh H (SN 1/11/2012). Nhưng càng lớn, bé H càng không có nét giống các thành viên trong gia đình. Điều này khiến vợ chồng anh rất băn khoăn.Vô tình bố của anh Sơn xem ảnh trên điện thoại qua Facebook, nhìn thấy ảnh cháu Đoàn Nhật M (người con chị Vũ Thị Hương đang nuôi dưỡng ở cách nhà anh Sơn không xa) giống ông quá, nên đã bảo anh Sơn đưa bé H đi xét nghiệm ADN.
Đến khi có kết quả giám định ADN của Viện Khoa học hình sự cho thấy, bé H không phải là con đẻ của anh Sơn. Cậu bé M mà gia đình anh Sơn nghi ngờ là con đẻ của mình (thời điểm đó) cũng được đưa đi xét nghiệm ADN. Kết quả khiến hai gia đình rất bất ngờ. Vì đây chính là hai đứa trẻ bị trao nhầm.
Hồ sơ Bệnh viện Đa khoa Ba Vì cho thấy, hai bé H - M đều cùng chào đời vào sáng 1/11/2012, cách nhau 20 phút. Một bé nặng 3,1kg, còn bé kia nặng 3,8kg. Hồi đó, Bệnh viện chưa nhận diện sản phụ và trẻ sơ sinh có cặp mã số đeo tay như các viện làm hiện nay. Lúc trao 2 bé, hai nữ hộ sinh đã trao cho 2 bà của bé. Đại diện Bệnh viện này cho biết, để đảm bảo không xảy ra sai sót khi thực hiện chuyên môn, Bệnh viện đã quán triệt các khoa phòng thực hiện nghiêm quy chế chuyên môn; an toàn người bệnh.
Riêng với khoa sản, từ năm 2013 đến nay, Bệnh viện thực hiện theo đúng quy trình. Sau sinh trẻ được đeo vòng đánh số, cùng với số trên vòng tay của mẹ. Khi sản phụ sinh; bác sĩ thông báo với sản phụ là trẻ được đeo vòng tay số bao nhiêu, khi trao lại cho gia đình cũng sẽ thông báo lại con số này.

Khánh Mai
Ý kiến của bạn