Cách đây gần 8 năm, câu chuyện chị Tạ Thị Thu Trang (50 tuổi, quận Ba Đình) đi tìm bố mẹ ruột sau 42 năm bị trao nhầm gây xôn xao dư luận. Khi đó, bà Nguyễn Thị Mai Hạnh (hiện 72 tuổi) sinh con gái tại nhà hộ sinh Hàng Bún (quận Ba Đình) vào ngày 10/10/1974 nhưng sau đó bị trao nhầm.
Khi nhân viên y tế trao con, bà Hạnh mang số 33 nhưng nhận được đứa trẻ số 32. Lúc này bà Hạnh thắc mắc thì được nữ hộ sinh giải thích trong lúc tắm rửa, số bị mờ. Bà đi tìm những đứa trẻ đánh số gần cạnh thì đều đã được gia đình đưa về. Tay ôm con về nhưng trong lòng bà Hạnh chất chứa bao canh cánh trong lòng. Mặc dù vậy, vợ chồng bà rất yêu thương con. Đứa trẻ đó chính là chị Trang.
Càng lớn chị Trang càng không giống bất cứ ai trong gia đình. Năm 2016, bà Hạnh lén lấy sợi tóc của con gái mang đi xét nghiệm thì cho kết quả chị Trang không phải con mình. Bà Hạnh nói ra sự thật cho con gái biết và mong muốn tìm đứa con bị thất lạc và tìm bố mẹ ruột cho chị Trang.
Ba tháng sau, bà Hạnh đã tìm được người con bị trao nhầm, chị Trang cũng biết (người có thể là bố mẹ ruột mình) là ai. Những tưởng câu chuyện đi tới đoạn kết có hậu nhưng đến hiện tại, nhiều vấn đề xảy ra khiến chị Trang cũng như bà Hạnh không khỏi hụt hẫng khi cả hai gia đình đều cắt đứt liên lạc.
Ngày 2/3/2024, chị Trang đã gọi điện thoại cho người mẹ đã nhận mình trước đó với mong muốn cuối cùng là được xét nghiệm ADN để biết thực sự cha mẹ đẻ của mình là ai. Chị không muốn phải sống trong sự hoài nghi nhưng nhận được lời từ chối vì lý do "không muốn cuộc sống bị xáo trộn"…
Trước sự việc này, nhiều người cho rằng, chị Trang có thể yêu cầu hoặc thậm chí cưỡng chế ông H. và bà D. (người được cho là bố mẹ đẻ, đã nhận nhau 8 năm trước) đi xét nghiệm ADN để làm rõ sự việc. Vậy dưới góc độ pháp lý chị Trang có thể hành động như vậy hay không?
Pháp luật không có quy định cụ thể về thủ tục cưỡng chế để xét nghiệm ADN
Theo TS. LS Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), nhìn nhận dưới góc độ pháp lý thì đây là quan hệ nhân thân, là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực dân sự. Bởi vậy nguyên tắc giải quyết vấn đề này là 'việc dân sự cốt ở đôi bên' - Tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận giữa các bên.
Những người cha, mẹ và những người con có thể bàn bạc thỏa thuận về phương án thực hiện các thủ tục để nhận cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật. Việc nhận cha mẹ cho con, con cho cha mẹ là việc dân sự, thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án. Nếu có tranh chấp về xác định cha mẹ cho con, con cho cha mẹ thì cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của pháp luật.
"Bởi vậy, trong trường hợp các bên tự nguyện xét nghiệm ADN, tự nguyện thực hiện các thủ tục để nhận con thì có thể đề nghị tòa án ghi nhận. Nếu có tranh chấp xảy ra, việc thực hiện thủ tục có sự cản trở thì một trong các bên có quyền khởi kiện để tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Tuy nhiên, một nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự là tòa án chỉ giải quyết khi các đương sự có yêu cầu và chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Bởi vậy nếu không có ai gửi đơn đến tòa án thì vụ việc mãi mãi không được giải quyết bằng pháp luật", luật sư Cường thông tin.
Cũng theo TS. LS Đặng Văn Cường, trong vụ việc này, đơn thư gửi đến Thanh tra Sở Y tế hay Bộ Y tế sẽ không giải quyết được triệt để vấn đề. Thanh tra sở y tế không có thẩm quyền xác nhận cha mẹ cho con, con cho cha mẹ, cũng không có thẩm quyền giám định ADN.
"Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về thủ tục cưỡng chế để xét nghiệm ADN. Với các quốc gia khoa học công nghệ phát triển thì đều có dữ liệu quốc gia về đặc điểm sinh trắc học của công dân, trong đó mỗi công dân lại có đặc điểm ADN trong hệ thống dữ liệu dân cư, có sự quản lý của nhà nước.
Bởi vậy để xác định ADN khi đã có ngân hàng ADN quốc gia thì thủ tục là rất dễ dàng. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, việc xác định ADN của một người tương đối khó khăn nếu người đó không tự nguyện thực hiện. Việc lấy mẫu tóc, máu, màu da của cá nhân chủ yếu trên cơ sở tự nguyện.
Nếu trường hợp người con bị thất lạc trong trường hợp này đề nghị tòa án giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự thì người này vẫn có trách nhiệm phải cung cấp chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình, trong đó có chứng cứ là kết quả giám định ADN để xác định cha mẹ cho con, con cho cha mẹ", luật sư Cường lý giải.
Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp cũng cho biết, một nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự là các đương sự có quyền đưa ra yêu cầu đề nghị nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và đúng pháp luật. Bởi vậy trong trường hợp chị Tạ Thị Thu Trang gửi đơn đến tòa án để được xem xét giải quyết thì chị Trang có nghĩa vụ phải thu thập chứng cứ để cung cấp cho tòa án. Nếu không thể tự mình thu thập được thì có thể đề nghị tòa án thu thập theo quy định của pháp luật.
"Việc thu thập chứng cứ là các văn bản tài liệu đang lưu giữ ở cơ quan tổ chức cá nhân thì không khó, tuy nhiên việc thu thập chứng cứ của đương sự và của tòa án về việc giám định ADN thì đó là vấn đề khá khó khăn nếu như các đương sự có liên quan không hợp tác, không cung cấp mẫu", luật sư Cường cho hay.
Ngoài ra, đương sự có quyền yêu cầu tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc tòa án có quyền tự mình áp dụng. Khi đã áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì cơ quan thi hành án có quyền căn cứ vào đó để cưỡng chế tổ chức thực hiện, trong đó có biện pháp "cấm hoặc buộc thực hiện hành vi nhất định".
"Như vậy nếu trong trường hợp các đương sự có khởi kiện và thủ tục giám định ADN gặp khó khăn, đương sự có thể đề nghị tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là buộc thực hiện hành vi giám định AND. Căn cứ vào đó, cơ quan thi hành án sẽ tiến hành cưỡng chế tổ chức thi hành giám định ADN theo quy định của pháp luật", TS.LS Đặng Văn Cường nói.
Chuyên gia về luật cũng cho rằng, trong vụ việc này có rất nhiều cách để giải quyết. Trường hợp chị Trang không muốn kiện tụng và không thể lấy được mẫu giám định của người mẹ đẻ thì cũng có thể nhờ người đã nhầm lẫn với mình giám định với người mẹ nuôi của mình. Đó cũng là chứng cứ gián tiếp để chứng minh quan hệ cha mẹ con của chị Trang với mẹ đẻ.
Ngoài ra, có thể bỏ qua mọi suy nghĩ, hoài nghi để gần gũi với mẹ đẻ rồi thuyết phục bà đồng ý hoặc chăm sóc phụng dưỡng… Có rất nhiều cơ hội để lấy tóc của bà đi giám định ADN khi có thời cơ thuận lợi.
Liên quan đến sự việc, ngày 1/3, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã mời chị Tạ Thị Thu Trang đến làm việc sau đơn kiến nghị "hỗ trợ xét nghiệm ADN, tìm bố mẹ đẻ".
Đại diện Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, đơn vị sẽ làm việc với Trung tâm Y tế quận Ba Đình (đơn vị quản lý Nhà hộ sinh Hàng Bún) để rà soát, xác minh các thông tin.
Theo quy định, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội không có chức năng yêu cầu công dân đi xét nghiệm ADN. Đơn vị này đề nghị chị Trang gửi đơn đến các cơ quan chức năng khác có đủ thẩm quyền để được giải đáp các thắc mắc.
Thanh tra Sở Y tế Hà nội cho biết, sẽ đồng hành, nỗ lực và cố gắng hỗ trợ chị Trang, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng khi có yêu cầu.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Tin Nóng: Phẫn nộ nữ sinh bị nhóm bạn giái tấn công nhập viện cấp cứu rồi quay clip tung lên mạng.