Vụ thuê người chặt tay, chân để nhận tiền bảo hiểm: Có thể bị phạt tù đến 7 năm

26-08-2016 14:01 | Pháp luật

SKĐS - Vụ việc một phụ nữ thuê người chặt chân, chặt tay mình để giả bị tai nạn giao thông nhằm trục lợi bảo hiểm 3,5 tỷ đồng đã gây rúng động dư luận tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Vụ việc một phụ nữ thuê người chặt chân, chặt tay mình để giả bị tai nạn giao thông nhằm trục lợi bảo hiểm 3,5 tỷ đồng đã gây rúng động dư luận tại địa bàn quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Có thể thấy đây là hành vi mới trong trục lợi bảo hiểm, đáng lo ngại hơn, những hành vi tương tự, thậm chí tự sát để hưởng bảo hiểm thì không hiếm và đang có xu hướng gia tăng.

Góc nhìn pháp lý

Vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường sắt xảy ra vào 0h ngày 5/5 tại địa phận phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, được làm rõ là do nạn nhân tự thuê người chặt tay, chân của mình, nhằm thanh toán quyền lợi của 3 gói bảo hiểm nhân thọ đã mua trước đó. Liên quan đến vụ việc này, luật sư Hoàng Tùng - Văn phòng Luật sư Trung Hòa - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, về lý luận pháp lý, tuy hành vi của chị N. và anh D. thực hiện nêu trên là thủ đoạn gian dối, nhằm mục đích chiếm đoạt tiền bảo hiểm của công ty bảo hiểm trái pháp luật, có dấu hiệu phạm vào tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tuy nhiên, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 BLHS hiện hành là tội phạm cấu thành vật chất. Theo đó, “người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500.000 đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500.000 nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”. Trong vụ việc này, do họ chưa chiếm đoạt được tiền bảo hiểm, nên hành vi của họ sẽ không bị xử lý trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 mà chỉ bị xử lý hành chính theo quy định.

Lý Thị N. tại cơ quan công an.

Về hành vi của D. chặt tay, chân của chị N. là có dấu hiệu phạm vào tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 104 BLHS. Bởi lẽ, trong mọi trường hợp, ngay cả khi được sự đồng ý của người bị tổn hại sức khỏe, pháp luật không cho phép bất kỳ cá nhân nào được gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trái pháp luật. Với thương tật mất 1/3 bàn chân trái và 1/3 bàn tay trái và với hành vi “dùng hung khí nguy hiểm”, “gây cố tật nhẹ cho nạn nhân”, “gây thương tích thuê”, thì dù chị N. không có đơn đề nghị xử lý hình sự anh D. về hành vi này, thì anh D. vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo quy định tại Khoản 2, Điều 104 BLHS với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Động cơ trục lợi quỹ bảo hiểm là cực lớn

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đây là vụ việc tinh vi, phức tạp, có tính tổ chức, số tiền bảo hiểm mà đối tượng dự định chiếm đoạt rất lớn. So với các hành vi trục lợi bảo hiểm (cả bảo hiểm nhân thọ, phi nhân thọ) đã xảy ra và được khám phá tại nước ta trước đó thì hành vi của người phụ nữ kể trên là hành vi mới, lần đầu xuất hiện. Ông Phùng Đắc Lộc phân tích, theo quy định pháp luật, từ khi nhận hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm (liên quan đến tính mạng, sức khỏe) thì trong vòng 15 ngày doanh nghiệp bảo hiểm phải giải quyết, nếu có dấu hiệu nghi vấn về nguyên nhân tai nạn, mức độ thiệt hại, hóa đơn chứng từ để nói lên mức độ thiệt hại thì doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đi điều tra. Thời gian điều tra trong vòng 30 ngày, cuối cùng là trả lời cho khách hàng. Nếu điều tra không ra kết quả hoặc bằng chứng “yếu” thì đều phải giải quyết bồi thường cho khách hàng theo đúng quy định của luật. Nhiều kẻ đã lợi dụng kẽ hở này để trục lợi quỹ bảo hiểm. Động cơ của một số đối tượng mua bảo hiểm để trục lợi là rất cao vì lợi nhuận từ khoản trục lợi này nếu thành công rất lớn, họ bỏ vốn ra 1 thì có thể thu lợi đến hàng trăm, hàng nghìn lần. Cũng vì lợi nhuận nếu trục lợi thành công siêu lớn như vậy nên sức hấp dẫn, động cơ của các đối tượng trục lợi là rất lớn.

Cơ quan công an điều tra vụ việc tại hiện trường.

Qua thống kê, chỉ tính những vụ trục lợi bảo hiểm nhân thọ đã được phát hiện tại nước ta trong khoảng 10 năm qua đã lên tới hàng chục trường hợp và đang có xu hướng gia tăng. Hành vi trục lợi của các đối tượng cũng khá đa dạng. Có trường hợp nhờ người ký khống giấy tờ, lập hồ sơ tham gia bảo hiểm khống; có người biết bị ung thư hay HIV rồi mới đi mua bảo hiểm của 3, 4

doanh nghiệp bảo hiểm khác nhau nhằm khi chết đi (thậm chí sau đó tự tử) để người nhà sẽ được thụ hưởng bảo hiểm;... Từ vụ việc thuê người chặt tay, chân nêu trên, để tránh trục lợi bảo hiểm và bảo vệ quyền lợi cho những người tham gia bảo hiểm chân chính, một mặt phải tăng cường tuyên truyền vận động ý thức chấp hành pháp luật; một mặt các cơ quan liên quan phải vào cuộc nghiêm túc và cuối cùng là các doanh nghiệp bảo hiểm phải tự nâng cao ý thức phòng vệ.


H. Linh - Thế Vinh
Ý kiến của bạn