Vụ “Tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận: Tòa án lại... vi phạm luật

14-09-2014 08:00 | Thời sự

SKĐS - Ngày 25/8, báo Sức khỏe&Đời sống số 135 có bài: Vụ “Tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận - Án oan sai vẫn chưa được giải quyết, trong đó phản ánh việc bà Đặng Thị Linh,

Ngày 25/8, báo Sức khỏe&Đời sống số 135 có bài:  Vụ “Tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận - Án oan sai vẫn chưa được giải quyết, trong đó phản ánh việc bà Đặng Thị Linh, nguyên Giám đốc Trung tâm Mắt tỉnh Bình Thuận (thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Thuận) đề nghị giám đốc thẩm đối với bản án hình sự phúc thẩm số 83/2014/HSPT ngày 12 tháng 6 năm 2014 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận về việc bị oan, hoàn toàn không có hành vi tham ô, hoặc hành vi “Sử dụng trái phép tài sản” như bản án đã buộc tội. Mới đây, ngày 10/9, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Thuận đã có Công văn số 1063/HĐND-PCDN gửi Chánh án TAND Tối cao đề nghị giải quyết đơn kêu oan của bà Đặng Thị Linh.

Văn bản đề nghị giải quyết đơn kêu oan của bà Đặng Thị Linh của Ban Pháp chế HĐND tỉnh Bình Thuận, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận gửi Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Qua nghiên cứu nội dung kêu oan của bà Đặng Thị Linh, bản án hình sự phúc thẩm số 83/2014/HSPT ngày 12/6/2014 của TAND tỉnh Bình Thuận và các tài liệu có liên quan trong vụ án, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Thuận nhận thấy: TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm (lần 1) và bản án hình sự phúc thẩm số 143/2011/HSPT ngày 5 - 13/10/2011 tuyên bố: Bị cáo Đặng Thị Linh phạm tội “tham ô tài sản”. Xử phạt bị cáo Đặng Thị Linh 5 năm tù, bị cáo đã chấp hành hình phạt tù từ ngày 7/4/2012 đến 22/6/2013 (1 năm 2 tháng 16 ngày). Ngày 5/6/2013, TAND Tối cao có Quyết định giám đốc thẩm số 17/2013/HS-GĐT hủy bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận và đình chỉ thi hành án phạt tù với bà Đặng Thị Linh, giao cho Tòa phúc thẩm tỉnh Bình Thuận giải quyết lại. Tuy nhiên, bản án hình sự phúc thẩm số 83/2014/HSPT ngày 12/6/2014 của TAND tỉnh Bình Thuận căn cứ đơn kháng cáo của bị cáo Đặng Thị Linh, kháng nghị của Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Phan Thiết đối với bản án sơ thẩm số 95/2011/HSST ngày 24/6/2011 của TAND thành phố Phan Thiết để xét xử Đặng Thị Linh về tội “sử dụng trái phép tài sản” mà không căn cứ vào Quyết định giám đốc thẩm số 17/2013/HS-GĐT ngày 5/6/2013 Chánh án TAND Tối cao là không phù hợp với đường lối xét xử của TAND Tối cao và không phù hợp với quy định của pháp luật.

TAND tỉnh Bình Thuận trong quá trình xét xử phúc thẩm lần 2 đã chuyển tội danh của bị cáo Đặng Thị Linh từ tội danh “tham ô tài sản” sang tội danh “sử dụng trái phép tài sản”. Trong tội danh “sử dụng trái phép tài sản” chưa được các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, chứng minh được hành vi sử dụng trái phép tài sản của bị cáo gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào, thiệt hại bao nhiêu theo quy định tại Điều 142 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình xét xử, tòa cũng chưa chứng minh được bị cáo đã sử dụng số tiền 50 triệu đồng (do Công ty La Ngâu tài trợ cho Trung tâm Mắt Bình Thuận để mổ mắt cho người nghèo) làm việc gì để sinh lợi cho cá nhân bị cáo. Do đó, bản án hình sự phúc thẩm lần 2 tuyên buộc bị cáo Đặng Thị Linh phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “sử dụng trái phép tài sản” theo điểm b, khoản 2, Điều 142; các điểm g, s khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự là không thuyết phục, vi phạm quy định của Bộ luật Hình sự và Bộ luật tố tụng Hình sự, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của bị cáo Đặng Thị Linh.

Từ nghiên cứu, xem xét kỹ lưỡng nội dung kêu oan của bà Đặng Thị Linh và các tài liệu có liên quan trong vụ án, Ban Pháp chế, HĐND tỉnh Bình Thuận chuyển đơn kêu oan của bà Đặng Thị Linh đến Chánh án TAND Tối cao để xem xét lại Bản án phúc thẩm số 83/2014/HSPT ngày 12/6/2014 của TAND tỉnh Bình Thuận, trả lời cho bà Đặng Thị Linh biết kết quả giải quyết.

Cũng liên quan đến đơn kêu oan của bà Đặng Thị Linh gửi Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận, qua nghiên cứu đơn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đã chuyển đơn của bà Đặng Thị Linh đến TAND Tối cao để xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Cần phải nhắc lại rằng, trước vụ việc có dấu hiệu oan sai, từ năm 2011 đến nay, báo Sức khỏe&Đời sống đã có hàng loạt bài phản ánh vụ án xét xử “tham ô” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận đã gây bức xúc trong dư luận với nhiều ý kiến trái chiều. Báo SK&ĐS cũng đã có Công văn số 192/CV-SKĐS ngày 27/10/2011 của Tổng biên tập báo SK&ĐS gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị xem xét lại Bản án hình sự phúc thẩm của TAND tỉnh Bình Thuận về vụ án tại Trung tâm Mắt Bình Thuận, Ủy ban Tư pháp Quốc hội đã có Công văn số 215/UBTP13 gửi đồng chí Chánh án TAND Tối cao, đồng chí Viện trưởng Viện KSND Tối cao yêu cầu báo cáo về việc giải quyết vụ án nêu trên.

Cũng liên quan đến vụ án trên, Văn phòng Chủ tịch nước liên tiếp có Công văn số 1064/VPCTN-PL và 411/VPCTN-PL gửi Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao truyền đạt ý kiến của Chủ tịch nước giải quyết vụ việc sau khi có ý kiến của đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng và kiến nghị của GS.TS. Nguyễn Trọng Nhân - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Nhãn khoa Việt Nam về việc BS. Đặng Thị Linh (nguyên Giám đốc Trung tâm Mắt Bình Thuận) đang có đơn đề nghị xét xử lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm vì cho rằng bị oan sai.

Trước đó, TAND Tối cao đã có Văn bản số 06/KN-HS kháng nghị đối với bản án hình sự phúc thẩm số 143/2011/HSPT ngày 13/10/2011 của TAND tỉnh Bình Thuận và đề nghị Tòa hình sự TAND Tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm nêu trên về phần trách nhiệm đối với Đặng Thị Linh; giao hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Bình Thuận xét xử phúc thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Nhóm PVĐT

 


Ý kiến của bạn
Tags: