Phiên xử phúc thẩm vụ “tham ô tài sản” tại Trung tâm Mắt Bình Thuận sẽ nghị án vào chiều ngày 13/10 và dư luận đang chờ đợi xem Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ “ứng xử” thế nào trước những vi phạm tố tụng nghiêm trọng của toà sơ thẩm và đặc biệt sẽ đưa ra phán quyết thế nào với bị cáo Linh trước những chứng cứ chứng minh BS. Đặng Thị Linh không phạm tội tham ô…
Tại 3 ngày của phiên toà phúc thẩm, đã nhiều lần luật sư Trần Hải Đức, Đoàn luật sư TP.HCM đã nêu ra 6 vi phạm nghiêm trọng về mặt tố tụng của toà sơ thẩm TP. Phan Thiết. Đáng chú ý nhất, đó chính là vi phạm về quyết định ủy quyền công tố sai pháp luật dẫn đến một câu hỏi lớn về giá trị pháp lý của bản án sơ thẩm. Theo đó, quyết định ủy quyền thực hiện quyền công tố số 08/QĐ/KSĐT/VKS-P1 ngày 14/4/2011 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, ủy quyền cho Viện Kiểm sát nhân dân TP. Phan Thiết thực hành quyền công tố nhà nước tại phiên tòa sơ thẩm là không có giá trị pháp lý vì quyết định nói trên căn cứ vào Điểm 4, Mục II Thông tư số 02/TTLN ngày 12/01/1989 của TANDTC - VKSNDTC - Bộ Nội vụ đã hết hiệu lực thi hành từ năm 2007 (theo Quyết định số 241 của Bộ Tư pháp ngày 12/02/2007). Từ đó dẫn đến việc quyết định phân công KSV tham gia phiên tòa xét xử về hình sự của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Phan Thiết cũng sai vì đã căn cứ vào một nội dung thông tư đã hết hiệu lực thi hành.
Luật sư cho biết phiên tòa sơ thẩm đã vi phạm tố tụng. Ảnh: PV |
Không dừng lại ở đó, việc không thông báo và tống đạt kháng nghị phúc thẩm của Viện Kiểm sát TP. Phan Thiết cho các bị cáo và những người tham gia tố tụng (trong thời gian 7 ngày kể từ ngày nhận được kháng nghị) đã vô hình trung tước đoạt quyền lợi hợp pháp của các bị cáo trong vụ án hình sự (được quyền gửi văn bản nêu ý kiến về nội dung kháng nghị cho toà phúc thẩm và ý kiến này phải được đưa vào hồ sơ vụ án (theo Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự). Việc HĐXX giải quyết kháng nghị phúc thẩm mà không thông báo cho những người tham gia tố tụng và không đọc trước toà là hoàn toàn trái pháp luật.
Về mặt chứng cứ, số tiền 50 triệu đồng của Công ty La Ngâu, bản án hình sự sơ thẩm kết tội BS.Linh bỏ ngoài sổ sách để tham ô nhưng thực tế số tiền này đã được đem đặt cọc máy Laser Jag sau đó nộp vào ngân hàng. Luật sư bào chữa đã trình cho HĐXX giấy nộp số tiền 50 triệu đồng ghi ngày 8/9/2008 của Trung tâm Mắt Bình Thuận vào Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Phan Thiết, trước khi cơ quan này bị thanh tra. Người đi nộp tiền là bà Huỳnh Thị Dung - thủ quỹ - cũng được mời ra tòa và khai tự mình đi nộp, chữ ký đúng là của mình và khẳng định đây là tiền tài trợ mổ mắt. Số tiền này đến nay vẫn còn trong tài khoản của Trung tâm Mắt Bình Thuận tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Phan Thiết. BS Linh đã không chiếm đoạt hay làm thất thoát số tiền này của Nhà nước, vậy BS. Linh có phạm tội “tham ô tài sản” hay không? Câu trả lời xin dành cho HĐXX Tòa án nhân dân tỉnh Bình Thuận! Cũng cần lưu ý rằng: trong quá trình điều tra, điều tra viên đã từng lấy giấy nộp tiền 50 triệu đồng để lấy lời khai của bà Dung. Như vậy, chứng cứ này đã có trong hồ sơ vụ án ngay từ đầu và bà Dung cũng đã từng được mời lên xác nhận nhưng sau đó lại không đưa vào hồ sơ vụ án. Có hay không việc cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án ở đây cũng là một câu hỏi cần lời giải đáp?
Với các khoản tiền khác mà tòa đã buộc tội bị cáo Nguyễn Thị Thu Nguyệt tham ô cũng không có cơ sở nào để gán ghép BS. Linh vào tội “giúp sức”. Tại phiên tòa đã phân tích rất kỹ và đủ căn cứ để nói rằng BS. Linh hoàn toàn không có liên quan. Cụ thể số tiền 11.390.000 đồng chưa hề chi ra khỏi quỹ Trung tâm Mắt Bình Thuận.
Ngày 13/10, toà sẽ tuyên án. Trong tâm trạng mỏi mòn chờ công lý suốt 3 năm trời, trước “ngày phán quyết”, BS. Linh một lần nữa đã làm đơn kêu oan gửi tới Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Chủ tịch UBND, Ủy ban Kiểm tra Đảng, Chánh án Toà án nhân dân tỉnh Bình Thuận và HĐXX phúc thẩm với “tha thiết đề nghị Chánh án và HĐXX tuyên tôi không phạm tội tham ô và trả lại sự công bằng cho tôi”.
Tuân Nguyễn