Tập gym sai cách có thể nguy hiểm như thế nào?
Theo BS Trần Văn Phúc (Khoa Chẩn đoán hình ảnh– Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn), cột sống là nơi chịu trọng lực lớn từ cơ thể nếu sai tư thế ban đầu sẽ gây gù, vẹo ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Sau đó, sự đè nén sai tư thế có thể dẫn tới một loạt những chấn thương.
Sự việc nam thanh niên bị suýt liệt 2 chân vì tập gym sai cách là một trong những tổn thương tủy sống điển hình do tập luyện sai tư thế. Theo BS Phúc, các môn thể thao đều có khả năng gây ra tổn thương tủy sống. Tuy nhiên có một số bộ môn thể thao có nguy cơ cao hơn như võ thuật (taekwondo, karatedo) với tư thế đánh xoay vặn, cúi gập cột sống nhiều lần, đua thuyền, thể dục dụng cụ…
Vậy tại sao tập gym sai cách lại bị chấn thương? Ngoài 40 tuổi, nhiều người có xu hướng muốn giảm cân và lựa chọn các bộ môn như yoga, gym. Tập gym sai cách hay yoga không đúng tư thế đều có thể gây ra những chấn thương cột sống khi cúi gập, vặn cột sống không đúng, gánh/mang vác vật nặng (gánh, đẩy tạ quá mức).
BS Phúc đặc biệt lưu ý động tác tập gym sai cách thường gặp nhất là cúi người hết cỡ (hay còn gọi là lưng mu rùa) rất dễ gây thoát vị đĩa đệm, chấn thương đốt sống, tủy sống. Ngoài ra còn có động tác gánh tạ (squat) đứng không đúng trọng tâm, trọng tâm lệch sang hai bên dễ gây chấn thương cột sống để lại hậu quả nặng nề. Mặc dù các phòng tập thể hình đều có những huấn luyện viên theo sát các bài tập tuy nhiên không phải huấn luyện viên nào cũng có những kiến thức đầy đủ về các loại chấn thương. Vì vậy có những trường hợp tập gym sai cách gây chấn thương đáng tiếc đã xảy ra.
Làm sao để không bị tập gym sai cách, chấn thương
Người lớn tuổi có được tập gym hay không? Theo BS Phúc không phải cứ cao tuổi là không được tập gym. Gym phù hợp với mọi lứa tuổi từ 15-16 tuổi cho tới những người cao tuổi. Tuy nhiên, người tập nên có những bài tập phù hợp với từng độ tuổi. Làm sao để biết bài tập nào phù hợp lứa tuổi để không tập gym sai cách? Người tập cần có sự hướng dẫn từ các huấn luyện viên có trình độ và hiểu biết về những chấn thương cột sống nói riêng và hệ vận động nói chung (cơ xương khớp). Một đối tượng cần phải chú ý đó là những phụ nữ từng sinh con. Đây là đối tượng dễ gặp tình trạng loãng xương, cần được tư vấn và giám sát kỹ lưỡng.
Nếu tập gym sai cách hay lạm dụng những bài tập không chuẩn sẽ gây hậu quả nguy hiểm. Ví dụ như bài tập gánh tạ với những người ngoài 50 có tình trạng loãng xương khi tập luyện không đúng có thể gây xẹp đốt sống. Thậm chí việc gánh tạ sai tư thế dồn trọng tâm không đúng hay cột sống lưng không thẳng rất dễ bị gãy cột sống lưng vô cùng nguy hiểm.
Khi tập gym và yoga, người tập thực hiện các động tác cúi gập người một cách đột ngột cũng có thể dẫn tới những chấn thương. Đối với những người mới tập bộ môn gym và yoga rất cần chú ý phần cột sống lưng. Bởi nếu cơ lưng không được khỏe, khi gánh tạ quá sức (kể cả đúng tư thế) cũng có thể gây ra chấn thương cột sống lưng.
Ở tư thế cúi hơi gập bụng hoặc gánh tạ, cơ bụng bị trùng xuống không tham gia giữ cột sống cũng là một tác nhân dẫn tới chấn thương. Người tập luyện bộ môn gym, yoga nên tập từ từ, từng bước một, không nên quá nóng vội hoặc cố gắng quá sức dễ dẫn đến chấn thương.
Vì sao bị tổn thương cột sống?
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới những tổn thương cột sống như:
- Sai tư thế.
- Thường xuyên mang vác vật nặng.
- Có những hoạt động bất thường ảnh hưởng tới cột sống. Ví dụ như các động tác vặn cột sống không đúng cách, tư thế cúi không đúng cách dẫn tới chấn thương cột sống.
Những hình thức chấn thương hay gặp nhất về cột sống bao gồm:
- Thoát vị đĩa đệm cấp tính hoặc mãn tính. Những người bị thoát vị đĩa đệm do sai tư thế trong sinh hoạt hàng ngày, bê vác vật nặng, trong lúc tập luyện thể dục thể thao gây ra chấn thương cột sống chiếm tỷ lệ cao.
- Chấn thương đốt sống. Đốt sống có thể bị lún, xẹp và thậm chí là gãy thân đốt sống, khung đốt sống. Tổn thương lún, xẹp đốt sống hay gặp nhất là những chị em phụ nữ đã từng sinh con. Những người sau 40 tuổi có xu hướng bị loãng xương nếu như tập các bộ môn không đúng cách gây quá tải cho lưng dẫn tới hiện tượng lún xẹp các thân đốt sống cấp tính. Điều này dẫn tới những cơn đau đốt sống mức độ cao nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn tới tình trạng đau mạn tính ảnh hướng nặng nề tới chất lượng cuộc sống.
- Tổn thương của tủy sống do chấn thương tập luyện sai tư thế gây ra.
- Thoái hóa cột sống do sai tư thế hoặc do mang vác vật nặng. Nếu vận động sai tư thế sẽ dẫn tới thoái hóa các mấu khớp cột sống tạo nên các gai, vi chấn thương của cột sống lâu ngày dẫn tới hiện tượng thoái hóa gây cảm giác đau đớn kéo dài.
Xem thêm video được quan tâm:
4 sai lầm 'kinh điển' khi ăn trái cây nhiều người mắc phải