Theo nhận định của tờ Thời báo Tài chính (Anh) ngày 9/1, vụ khủng bố tại Paris đã thể hiện điều mà người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nội địa Anh (MI5) cảnh báo. Đó là mối đe dọa từ chủ nghĩa khủng bố đang ngày càng phức tạp.
Ông Patrick Skinner, một cựu chuyên gia chống khủng bố của Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) hiện làm việc cho Tập đoàn Soufan nói: "Nhìn từ lăng kính chống khủng bố, vụ Charlie Hebdo đã đặt ra những vấn đề lớn. Nó cho thấy những học thuyết và chiến thuật chống khủng bố mà chúng ta đang dựa vào là chưa đủ."
Với sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, các nhà phân tích đã định ra một công thức phổ quát cho các vụ tấn công có thể xảy ra trong tương lai: trong khi mạng lưới khủng bố al-Qaeda vẫn tập trung vào những âm mưu "hay" nhưng khó thực hiện (như nhằm vào các hãng hàng không), IS nhiều khả năng sẽ chọn lối tấn công quy mô nhỏ hơn và nghiệp dư hơn: sử dụng mạng xã hội và tin nhắn để liên hệ với những cá nhân cấp tiến đã cư trú sẵn tại phương Tây và không nhất thiết phải có quan hệ rõ ràng với tổ chức này trước đó.
Vụ thảm sát tại Pháp vừa qua phần nào đã làm "đảo lộn" công thức trên. Những kẻ giết người trong vụ xả súng này đã thực hiện cuộc tấn công mang dấu ấn của cả al-Qaeda lẫn IS. Đó là sự chuẩn bị bài bản, hành động chuyên nghiệp và ngoạn mục nhưng đồng thời cũng chỉ đòi hỏi một nguồn lực khiêm tốn và được thực hiện bởi một nhóm ít người.
Dư luận hiện vẫn chưa rõ liệu vụ tấn công nói trên chỉ là trường hợp cá biệt do anh em nhà Kouachi tự lên kế hoạch thực hiện hay là dấu hiệu của một xu hướng mới?
Các quan chức tình báo phương Tây không nghi ngờ rằng cặp anh em này có mối quan hệ lâu dài với al-Qaeda như chính chúng đã thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình BFMTV chiều 9/1. Một điều khác nữa là cách lựa chọn nạn nhân: sát hại những họa sỹ biếm họa mà chúng buộc tội là báng bổ và cảnh sát. Chúng không giết người ngẫu nhiên như cách mà IS thực hiện.
Một quan chức tình báo tin chắc rằng Said Kouachi có quan hệ với nhánh tàn bạo nhất của al-Qaeda là tổ chức al-Qaeda trên Bán đảo Arab (AQAP).
Bất cứ ai từng được AQAP huấn luyện sẽ khó mà cắt đứt liên lạc với tổ chức này. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng AQAP đã đóng vai trò chủ mưu trong vụ tấn công Charlie Hebdo.
Theo một cựu quan chức chống khủng bố của Mỹ, việc những kẻ này dính líu tới những nhóm thánh chiến khác nhau trong một thời gian dài nhưng không hoạt động nhân danh nhóm nào là điều bình thường.
Giới chức tình báo Mỹ từng cảnh báo AQAP đang hoạt động tại Syria và ráo riết phát triển quan hệ với nhiều tay súng ở phương Tây.
Theo các nhà phân tích, những nỗ lực này nhằm giúp AQAP có được khả năng tấn công giống như trong vụ khủng bố vào tòa báo Charlie Hebdo.
Nigel Inkster, cựu Phó Tổng Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Anh (MI6) và hiện đứng đầu bộ phận theo dõi các mối đe dọa xuyên quốc gia thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), lưu ý rằng cho dù trực tiếp chỉ đạo hay đơn giản là nguồn cảm hứng cho vụ khủng bố gây rúng động nhất tại châu Âu trong gần một thập kỷ qua thì al-Qaeda cũng có mọi lý do để cố gắng và tiến hành thêm các vụ tương tự.