Liên quan đến vụ tham gia cấp cứu tai nạn giao thông tại Kon Tum khiến 24 người nghi bị phơi nhiễm HIV (những người này gồm cán bộ y tế và người dân đã tham gia cấp cứu, điều trị cấp cứu cho 1 nạn nhân hiện đã tử vong bị nhiễm HIV), thông tin từ Sở Y tế tỉnh Kon Tum tối ngày 3/7 cho biết, có thêm 13 người nghi bị phơi nhiễm HIV và ngành y tế địa phương đã quyết định điều trị dự phòng phơi nhiễm đối với những trường hợp này.
Theo đó, sau khi tiến hành rà soát lại toàn bộ quá trình cứu nạn, cấp cứu, điều trị các nạn nhân trong vụ tai nạn giao thông thông xảy ra ngày 30/6, trong 12 trường hợp nghi bị phơi nhiễm HIV mới được phát hiện có 7 người là cán bộ, nhân viên Trung tâm y tế huyện Đăk Hà, 3 người dân tham gia cứu nạn, 1 bệnh nhân đang nằm điều trị tại bệnh viện và 1 chiến sỹ công an làm nhiệm vụ khám nghiệm tử thi.
BS Đào Duy Khánh, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, tất cả 13 trường hợp này bắt đầu được điều trị dự phòng bằng thuốc chống phơi nhiễm HIV (ARV) từ ngày hôm qua đến sáng nay đảm bảo còn trong khoảng thời gian 72 giờ. Như vậy đến tối nay tổng cộng đã có 37 người gồm cán bộ nhân viên y tế và người dân địa phương, chiến sỹ công an trực tiếp tham gia cứu nạn, cấp cứu điều trị cho các nạn nhân bị HIV trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra ngày 30/6 tại Kon Tum bị nghi phơi nhiễm với HIV đã được điều trị dự phòng bằng thuốc chống phơi nhiễm HIV.
Việc xét nghiệm và cấp phát thuốc phơi nhiễm HIV đã được lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum chỉ đạo thực hiện miễn phí đối với những người trong đợt phát thuốc phơi nhiễm này. Theo đó, mỗi người được phát thuốc theo phác đồ điều trị và uống thuốc trong 30 ngày.
Các y, bác sĩ đang khẩn trương xử trí cho nạn nhân của vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng này
Trước đó, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum đã cấp phát thuốc điều trị phơi nhiễm HIV cho 24 người. Cả 24 người này đều trực tiếp tiếp xúc với nạn nhân bị nhiễm HIV tử vong trong vụ tai nạn là bà Tr.Th.M (SN 1966, trú thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum). BS Nguyễn Thị Diệu Thúy- giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho biết nạn nhân Trần Thị M. nằm trong danh sách điều trị do trung tâm quản lý. Lần lấy thuốc mới nhất là ngày 5/6 vừa qua. Theo nhận định, do được điều trị ARV thường xuyên nên tải lượng virus HIV trong máu sẽ thấp hơn những trường hợp không dùng, khả năng lây nhiễm sẽ thấp hơn.
Về thông tin đang được dư luận quan tâm này, TS Hoàng Đình Cảnh –Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/ AIDS (Bộ Y tế) phân tích, về mặt khoa học, khi người nhiễm HIV đã được điều trị ARV từ 6 tháng trở lên thì nồng độ vi rút HIV trong máu ở mức rất thấp (dưới ngưỡng ức chế) nên khả năng lây truyền sang những người khác rất thấp. Mặt khác 24 người này lại được điều trị dự phòng phơi nhiễm ngay, do vậy hy vọng những người tiếp xúc trực tiếp với máu nạn nhân này sẽ không ai nhiễm HIV.
"Tuy nhiên, mặc dù nguy cơ có thể thấp nhưng những người bị phơi nhiễm chưa loại trừ khả năng đã nhiễm HIV, do vậy họ không được cho máu, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục và nếu là phụ nữ đang nuôi con nhỏ thì không cho con bú cho đến khi loại trừ được tình trạng nhiễm HIV. Sau 3 tháng xét nghiệm lại nếu âm tính với HIV thì có thể khẳng định chắc chắn là họ không nhiễm HIV”- ông Cảnh lưu ý.
Trước đó như báo Sức khỏe & Đời sống đưa tin, trưa ngày 30/6, trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Đăk Hrinh, huyện Đăk Hà (tỉnh Kon Tum) đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ôtô khách biển kiểm soát 82B-002.45 lưu thông theo hướng Đà Nẵng-Kon Tum và xe ôtô khách biển kiểm soát 82B-002.23 lưu thông theo hướng ngược lại. Vụ tai nạn đã làm 16 người thương vong, trong đó tử vong 4 người. Trong số các nạn nhân tử vong có một người nhiễm HIV (nạn nhân Trần Thị M.) và tình trạng nhiễm HIV của nạn nhân này chỉ được biết sau khi cứu nạn và cấp cứu. Trước đó đã có 17 cán bộ y tế và 7 người dân tham gia có tiếp xúc trực tiếp với máu của nạn nhân.