Vụ sát hại Đại sứ Nga tại Ankara: Báo hiệu một tín hiệu xấu mới tại Trung Đông

20-12-2016 15:38 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngay sau khi Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Andrei Karlov bị ám sát, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng vụ sát hại Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ là một hành động khiêu khích nhằm phá hoại nỗ bình thường hóa quan hệ giữa Moskva và Ankara, cũng như phá hoại tiến trình hòa bình tại Syria. Còn giới phân tích cho rằng động thái trên đang báo hiệu những tín hiệu xấu mới tại Trung Đông.

Phát biểu tại Điện Kremlin, Tổng thống Putin cam kết sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường bảo vệ các cơ quan đại diện ngoại giao của Nga ở nước ngoài. Nhà lãnh đạo Nga cũng nhấn mạnh sự cần thiết "nhận được cam kết từ phía Thổ Nhĩ Kỳ bảo đảm an ninh cho các cơ quan đại diện ngoại giao của Nga phù hợp với công ước Vienna về quan hệ ngoại giao". Tổng thống Nga Putin cho biết Ủy ban điều tra liên bang Nga đã khởi tố vụ án hình sự về tội giết người và thành lập nhóm làm việc liên chính phủ lên đường sang Thổ Nhĩ Kỳ để điều tra tìm ra kẻ đứng đằng sau vụ việc này.

Đại sứ Andrei Karlov đã qua đời sau một vụ tấn công xảy ra tại triển lãm nghệ thuật ở thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ chiều tối 19/12. Tay súng Mevlut Mert Aydintas, 22 tuổi, từng là cảnh sát chống bạo động ở Ankara là kẻ đã tiến hành vụ tấn công. Tên này mới bị sa thải do bị cáo buộc dính líu tới tổ chức khủng bố và vụ đảo chính bất thành hồi tháng 7 vừa qua. Bất chấp những diễn biến bất thường vừa nêu, Bộ Ngoại giao Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều xác nhận, hai nước cùng với Iran sẽ vẫn tiến hành cuộc họp ba bên cấp ngoại để bàn về tình hình Syria diễn ra hôm qua (20/12) tại thủ đô Moskva của Nga.

Khơi mào những bất ổn mới

Dư luận quốc tế đã có những phản ứng khác nhau về vụ việc trên. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố "Tôi sẵn sẵng trợ giúp Nga và Thổ Nhĩ Kỳ điều tra các vụ tấn công khủng bố". Bộ trưởng Nội vụ Đức Thomas de Maiziere nói ông chia sẻ với Thổ Nhĩ Kỳ và Nga và Đức sẽ cùng sát cánh với 2 quốc gia trong cuộc chiến chống khủng bố.

đại sứ ngaĐại sứ Andrei Karlov bị ám sát chiều tối 19/12 tại Ankara gây chấn động khu vực và quốc tế.

Trong một động thái trước mắt, Tổng thống Nga Putin tuyên bố Nga sẽ đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố. Các nhà lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kì cho rằng vụ sát hại đại sứ Nga tại thủ đô Ankara hôm 19/12 là âm mưu nhằm phá hoại các nỗ lực cải thiện quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kì, 2 quốc gia ủng hộ các bên đối lập trong cuộc nội chiến Syria. Trước đây, mối quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kì đã xấu đi sau vụ máy bay chiến đấu của Nga bị Thổ Nhĩ Kì bắn hạ ở biên giới Syria hồi tháng 11 năm 2015. Tuy nhiên, đầu năm nay quan hệ Nga-Thổ đã ấm lại khi Thổ Nhĩ Kỳ lên tiếng xin lỗi Nga. Khi đó, Tổng thống Putin đã ủng hộ người đồng cấp Erdogan sau khi một số thành viên quân đội định lật đổ chính phủ. Tháng 8 vừa qua, hai nhà lãnh đạo đã gặp nhau ở St. Petersburg, Nga, để cải thiện quan hệ song phương. Ngoài ra, việc Nga- Thổ Nhĩ Kỳ có chung sự lạnh nhạt trong mối quan hệ với EU đã khiến Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kì Erdogan buộc phải xích lại gần nhau trên cùng một chuyến tuyến. Do đó, việc một tay súng cực đoan Thổ Nhĩ Kỳ sát hại Đại sứ Nga Andrei Karlov ngay tại chốn đông người chắc chắn sẽ lại gây tổn hại không ít đến mối quan hệ Nga-Thổ, ít nhất trong khía cạnh an ninh.

Ở một khía cạnh khác, vụ ám sát nhằm vào đại sứ Andrey Karlov chắc chắn sẽ gây tổn hại danh tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ ở tầm quốc tế. 1 năm trở lại đây, Thổ Nhĩ Kỳ là điểm đến hấp dẫn của các tổ chức khủng bố khi các vụ tấn công liên tục xảy ra ở Ankara, Istabul và nhiều thành phố khác ở Thổ Nhì Kỳ. Trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang mâu thuẫn với EU trong hồ sơ nhập cư và gia nhập khối này; trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kì đang xích lại gần EU trong vấn đề Syria, một lần nữa vụ ám sát xảy ra đã "gắn" cho Thổ Nhĩ Kỳ một tiếng xấu với những chỉ trích về năng lực an ninh; đồng thời đe dọa vị trí địa chính trị khu vực của quốc gia này. Hơn nữa, nếu không giải quyết được những khúc mắc mới phát sinh trong quan hệ với Nga, rất có thể Ankara sẽ gánh thêm nhiều hệ quả xấu, trong đó có khả năng Nga sẽ hậu thuẫn "giấu mặt" cho phiến quân người Kurd để gây ra nhiều vụ tấn công đẫm máu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Một nguy cơ lớn hơn là mâu thuẫn Nga-Thổ có thể sẽ dẫn tới những tác động trực tiếp đối với chiến trường Aleppo. Trước khi bị bắn hạ, tay súng cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ ám sát đại sứ Nga đã hét to "Đừng quên Syria! Đừng quên Aleppo". Tất cả những yếu tố này có thể sẽ khiến Thổ Nhì Kỳ càng tụt xa hơn trong cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng tại khu vực.


N.Minh
Ý kiến của bạn