Chủ đầu tư nợ tiền nhà thầu
Thượng tá Trần Văn Giản, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Lũng Lô 2 - đơn vị từng thi công hầm thủy điện Đạ Dâng cho biết: Khi thi công hầm thủy điện Đạ Dâng, Cty mới biết thiết kế kỹ thuật và địa chất do Viện Thiết kế Thủy điện - Thủy lợi Nam Ninh (Trung Quốc) thực hiện không giống với thực tế địa chất công trình nên phải dừng thi công. “Giờ có công ăn việc làm cho anh em là tốt rồi, nhưng công trình không an toàn chúng tôi không dám làm tiếp. Chẳng cớ gì tự nhiên chúng tôi bỏ tiền đưa người và máy móc lên Tây Nguyên rồi lại rút ra”, Thượng tá Giản nói.
Theo Thượng tá Giản, do thiết kế khác thực tế nên quá trình thi công phát sinh nhiều vấn đề nhưng không tìm được tiếng nói chung với chủ đầu tư (Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng điện Long Hội). “Chúng tôi kiến nghị thay đổi thiết kế, nhưng chủ đầu tư nói mất thời gian và công sức của đơn vị tư vấn thiết kế nên không thay đổi”, Thượng tá Giản cho biết.
Trao đổi qua điện thoại, Thượng tá Nguyễn Minh Đức, nguyên Tổng Giám đốc Cty Cổ phần Lũng Lô 2 (Giám đốc thời kỳ thi công thủy điện Đạ Dâng - PV) cho biết: Năm 2010, Cty Cổ phần Lũng Lô 2 nhận làm tổng thầu xây dựng thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo. Khi đơn vị đã thi công xong phần bờ đập và khoảng 300m hầm thủy điện Đạ Dâng thì xảy ra vấn đề nên dừng. “Giá trị phần đơn vị đã thi công khoảng 40 tỷ đồng nhưng tới nay chủ đầu tư vẫn chưa nghiệm thu và thanh toán”, Thượng tá Đức nói.
Sập hầm thủy điện Đạ Dâng là điều đã được cảnh báo trước. Ảnh: L.H.V.
Sợ mất an toàn nên... rút
Thượng tá Nguyễn Minh Đức cho biết, theo thiết kế thi công của nhà thầu Trung Quốc, địa chất lòng đồi đào đường hầm là đá cấp 2 (đá cứng toàn bộ). Do đó, đơn vị thi công chỉ cần cho máy khoan đá và phun bê tông vào những khe đá nứt để chống thấm nước, không phải đổ vòm bê tông cốt thép để gia cố, nên đơn giá thi công thấp. Tuy nhiên, thực tế chỉ có đá cấp 3-4 và đất cát, đơn vị thi công phải làm vòm bê tông gia cố tạm, nên giá thành cao, đẩy vốn đầu tư lên.
“Quá trình thi công xảy ra sụt lún nhiều, chúng tôi đã họp với chủ đầu tư và tư vấn thiết kế bàn giải pháp. Nhưng cả chủ đầu tư và tư vấn đều nói thiết kế thế nào đơn vị thi công cứ thế làm. Thậm chí, khi chúng tôi đề xuất phương án xử lý và thêm kinh phí thực hiện, chủ đầu tư nói cái đó là nhà thầu đã nhận phải tự xử lý. Chúng tôi thấy như vậy không ổn và không an toàn với anh em nên đơn phương chấm dứt hợp đồng và kéo quân về, không phải chúng tôi không làm được”, Thượng tá Đức nói.
“Khi khoan thăm dò đã phải có đánh giá cấu tạo địa chất, từ đó thiết kế thi công. Tuy nhiên, giữa khảo sát thiết kế và thực tế khác nhau 100% nên chúng tôi cho anh em rút”.
Thượng tá Nguyễn Minh Đức, nguyên Tổng Giám đốc Cty CP Lũng Lô 2
Về việc dùng cốp-pha bằng gỗ để gia cố, khi trả lời lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vào chiều 22/12, ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Tổng Cty Cổ phần Thương mại Xây dựng (Vietracimex) - Cty mẹ của Cty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội (chủ dự án thủy điện Đạ Dâng) nói: “Hầm sụt không phải do gãy vòm gia cố tạm bằng bê tông mà đất cát bị nước cuốn thẳng xuống theo các kẽ hở do cốp-pha bằng gỗ dùng làm khuôn đổ kè từ cách đây hơn 10 tháng đã bị mục nát. Từ đó, gây sạt hầm”.
Tuy nhiên, theo Thượng tá Đức, việc dùng cốp - pha gỗ chỉ là tạm thời trong lúc thi công, khi đào được khoảng 3-5m phải đưa cốp-pha sắt thép vào và phun bê tông để cố định vách hầm. Nhưng nếu thi công vậy giá thành sẽ rất đắt.
Cũng theo ông Thăng, vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng là bất khả kháng, do địa chất yếu không lường trước… Tuy nhiên, theo Thượng tá Đức, khi thi công đã xảy ra sụt lún, ông đã dự báo và cảnh báo chủ đầu tư. “Thấy không an toàn cho thi công nên chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư thay đổi thết kế, khoan lại địa chất mới làm tiếp. Nhưng họ không làm nên chúng tôi cho anh em rút”, Thượng tá Đức nói.