Vũ Quần Phương với thơ và cả chuyện ngoài thơ

05-02-2014 07:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngày Tết, có lẽ không gì vui bằng đàm đạo về văn chương với những người làm văn chương. Thế nhưng hầu chuyện nhà thơ Vũ Quần Phương còn hơn cả niềm vui bởi không chỉ là nhà thơ, ông xuất thân là bác sĩ, từng là đại biểu Quốc hội.

Ngày Tết, có lẽ không gì vui bằng đàm đạo về văn chương với những người làm văn chương. Thế nhưng hầu chuyện nhà thơ Vũ Quần Phương còn hơn cả niềm vui bởi không chỉ là nhà thơ, ông xuất thân là bác sĩ, từng là đại biểu Quốc hội. Với một kho kiến thức khổng lồ, sự từng trải và cách nói chuyện hấp dẫn khiến câu chuyện kéo dài như bất tận.

Lời bình hay hơn bài thơ

Lần đầu tôi được gặp nhà thơ Vũ Quần Phương là dịp khoảng năm 1989. Khi đó, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Bình mở trại hè có mời các nhà văn Tô Hoài, Vũ Bão và các nhà thơ Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn về giao lưu, nói chuyện văn chương. Đêm ấy, trên bãi biển Đồng Châu, Vũ Quần Phương đọc và bình bài thơ viết về người chăn vịt. Điều gây ấn tượng với tôi là chất lượng bài thơ đó rất vừa phải nhưng qua lời bình của anh, nó bỗng trở nên... tuyệt vời. Nó hay đến mức nghe anh bình xong, về đọc lại thì thấy hình như anh nói về... một bài thơ nào đó chứ không phải bài về người chăn vịt. Song bù lại từ sau bữa ấy, mỗi lần ăn trứng vịt lộn, tôi đều thấy hình như chúng ngon lên một cách lạ thường.

Bẵng đi 9 năm, đến cuối năm 1997, tôi lọ mọ lên Hà Nội với quyết tâm làm một nhà báo chuyên nghiệp thì mới năng đến thăm anh. Mà cái động cơ cũng đầy vụ lợi bởi một gã nhà quê như tôi rất khó tìm đề tài để viết bài cho trang văn hoá văn nghệ do tôi phụ trách của báo Nhà báo & Công luận. Vì vậy, mỗi lần ngồi tào lao với anh, thế nào tôi cũng phải chộp được một ý tưởng gì đó. Khi thì chém gió về tình hình văn học, lúc thì chuyện tào lao giai thoại văn chương. Có lúc cao hứng cũng bàn về chính em, chính “chị”.

Có lần tôi bảo: “Em có mời bác đi uống bia thì vẫn lãi vì bác uống thì ít, ăn đạm bạc, lại thể nào cũng kiếm được cái tứ để kiếm vài ba bài báo”. Nói thế thôi chứ anh rất hay “chủ chi”. Có lần anh bảo thẳng: “Tớ giàu hơn cậu vì cậu mới lên, nhà cửa chưa có lại còn phải nuôi các cháu”.

Cũng vì thương tôi lên Hà Nội chưa có công ăn việc làm ổn định nên anh xui tôi vào Hội Nhà văn Hà Nội: “Cậu về làm cái đơn, mình giới thiệu vào tiện bề xin việc”. Tôi nghe lời viết đơn đưa cho anh rồi quên béng vì bận việc. Mấy tháng sau, tôi nhận được thông báo đã kết nạp. Thì ra nhận đơn của tôi xong, anh chủ động nhờ thêm một người nữa ký (theo quy định phải có ít nhất 2 hội viên giới thiệu) rồi tự mình đi “vận động hành lang”. Sau này, khi tôi vào Hội Nhà văn Việt Nam, anh cũng là người nhiệt tình ủng hộ.

Để tăng thêm tính thuyết phục trong “sự nghiệp” kiếm công ăn việc làm, tôi phô tô Thẻ hội viên Hội Nhà văn Hà Nội cho vào các cặp hồ sơ. Thế nhưng kết quả vẫn chẳng đi đến đâu. Một lần nhà văn Tạ Duy Anh đến chơi thấy tôi đang nhét Thẻ hội viên vào cặp hồ sơ bèn phá lên cười: “Ngu, đại ngu. Thời bây giờ người ta sợ đám nhà văn, nhà thơ hơn sợ cọp. Giấu đi! Giấu ngay đi!”. Có lẽ lão nhà văn họ Tạ này đùa thôi vì sau đó, nhà văn Nguyễn Thị Vân Anh nhận tôi về báo Nhà báo & Công luận với lý do “em cũng là người viết”.

Ðừng bắt nàng thơ cạnh tranh với... báo chí

Không ít người cho rằng thơ Vũ Quần Phương cũ như... Thơ mới. Thật ra, Vũ Quần Phương quan niệm rất nhất quán về nghệ thuật, nhất là đối với thơ. Theo anh, dù đọc một bài thơ hay một truyện ngắn, xem một vở kịch bao giờ cũng phải đem đến cho độc giả 3 thông tin: Anh là ai? Thời anh sống như thế nào và thái độ của anh đối với thời đó.

- Điều xót xa và thiệt thòi nhất cho thơ là có một thời, người ta dùng nàng thơ xinh đẹp, kiêu sa vào cổ động cho những việc rất cụ thể như băm bèo, rửa bát, quét sân, rửa chuồng lợn. Đóng thuế cũng thành được thơ thì lạ thật (lắc đầu). Xưa nay, thiên hạ mất người yêu mới thành thi sĩ chứ mấy ai mất tiền (dù đóng thuế) mà thành nhà thơ bao giờ. Đến phong trào xây dựng hố xí hai ngăn rồi sinh đẻ kế hoạch cũng thành thơ tuốt. “Trai khôn có vợ đặt vòng - Gái khôn có chồng thắt ống dẫn tinh”. Rồi việc thụ tinh lợn cũng thành thơ: “Quê em rất lắm lợn sề - Chỉ mong được các anh về thụ tinh”... Thật ra những việc đó không phải là xấu nhưng cũng không nên bắt thơ phải làm cái việc mà nó không nên làm và không làm được. Hiểu thơ ca như thế là thô thiển, dung tục, đẩy thơ đến cuộc cạnh tranh với... báo chí chuyên ngành.

- Nhưng ngay cả những nhà thơ nổi tiếng như Xuân Diệu cũng có thời làm thơ theo kiểu “thơ hóa những báo cáo khoa học”? - Tôi hỏi.

- Đúng là nhà thơ Xuân Diệu khi viết về công trình hồ Suối Hai kể tỉ mỉ như một báo cáo khoa học của ngành xây dựng. Nào đào đất lên như thế nào? Cho sỏi xuống như thế nào? Xuân Diệu đã có một thời làm thơ như thế và dù bác đã “thêm nếm những câu trang trí, đưa đẩy” như: “Hồ Suối Hai một sớm mai thức dậy - Chút sương tơ còn hãy mơ màng...”. thì nó vẫn là dạng “phổ thơ” cho báo cáo khoa học. Hay nói cách khác, đó là “thơ hóa” những báo cáo khoa học. Thơ đang đuổi theo một thứ không phải sức mạnh của thơ. Mục đích của thơ là nhằm tới sự hoàn thiện nhân cách con người. Nó làm người ta tốt lên, sâu sắc hơn và biết thương nhau hơn.

Hội đồng Thơ - Ưu điểm là... già!

Thời gian Vũ Quần Phương còn làm Chủ tịch Hội đồng Thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, có lần tôi hỏi:

- Em thấy Hội đồng Thơ lần này được cái ưu điểm cố hữu là... già. Trẻ thì cũng xấp xỉ ngũ tuần nên có người nói Hội đồng Thơ của ta là… hội đồng bô lão.

- Kể ra thì hội đồng nào cũng già vì đã là hội đồng thì cần những người lịch lãm, có kinh nghiệm. Thường Hội đồng chỉ tư vấn chứ không có quyền quyết định. Mà làm anh tư vấn thì không thể là những người trẻ quá được. Đúng là cũng nên có những người trẻ thật sự. Nhưng đây là việc bầu cử, bỏ phiếu nên phải chịu thôi, biết làm sao được.

- Lại chuyện vào Hội nữa. Có người nói con đường vào Hội Nhà văn Việt Nam còn khó hơn... đi Tây Trúc lấy kinh. Nhưng có người lại nói rằng chúng ta đang để ngỏ cửa quá rộng.

- Hội viên Hội Nhà văn đông quá. Đông thì cũng vui nhưng cần phải chất lượng nữa. Nhìn lại các tham luận và diễn biến của các Đại hội Nhà văn thì thấy khá rõ là chất lượng không ngang bằng với số lượng. Hình như giai đoạn đuổi theo về lượng đã đủ rồi, bây giờ cần phải nâng cao về chất.

Kín đáo hay hở hang cũng là một thái độ chính trị

-  Làm thơ là phải viển vông, lãng mạn. Làm chính trị thì phải thực tế, chính xác. Bác là nhà thơ rồi lại còn làm chính trị (nhà thơ Vũ Quần Phương từng là đại biểu Quốc hội) phải chăng là “lệch nhịp”?

- Tôi lại nghĩ người làm thơ nào cũng là làm chính trị, ai mà không đi làm chính trị thì không có thơ hay được. Tức là anh phải ủng hộ một khuynh hướng sống, tư tưởng, tình cảm... mà nghĩ đến cùng đó chính là chính trị. Ví dụ như một người chủ trương mặc quần áo kín đáo, một người chủ trương mặc hở hang. Chuyện đó nhìn qua tưởng đơn thuần là chuyện ăn mặc nhưng đi đến cùng thì nó là phù hợp với khuynh hướng chính trị này hay khuynh hướng chính trị kia. Mà thơ là đụng đến vấn đề xã hội, có nghĩa là đụng đến chính trị. Tôi đọc các nhận định về thơ của nhà văn Việt Nam sống ở Mỹ thì có một nhận định rất đáng lưu ý: “Một trong những nhược điểm thơ của lớp trẻ thời gian qua chưa gây được ấn tượng mạnh trong xã hội là vì họ muốn né tránh chính trị, mà né tránh chính trị thì không đụng đến được mối quan tâm của rất nhiều người ngày nay”. Do vậy, thơ - bản thân nó là chính trị chứ không phải là thơ phục vụ chính trị. Một nhà thơ là một nhà chính trị.

- Có một thời các nhà thơ cứ “mùa nào, thức ấy”. Mùa tuyển quân có thơ tuyển quân. Mùa thu hoạch có thơ thu hoạch. Em thấy hình như khi tham gia chính trị, thơ ca tự làm hỏng mình?

- Đúng là có một thời gian khá dài, không ít người coi chức năng của thơ là phục vụ chính trị mà chính trị được hiểu thô sơ là huyện ủy đang lãnh đạo dân chống hạn - thế là thơ phải viết về chống hạn. Mà ông nào viết thơ chống hạn chậm, mưa luôn mấy trận thì người ta đã đang chống úng rồi. Nếu lúc đó anh viết chống hạn thì có khi lại bị quy anh có vấn đề về quan điểm chính trị. Cái đó không thể nói là chính trị được mà chỉ là phục vụ những chủ trương ngắn hạn, cổ động ngắn hạn. Đó không phải là chức năng của thơ.

Gần đây, Vũ Quần Phương không được khỏe. Anh vừa phải phẫu thuật tuyến tiền liệt, nằm viện cả tháng trời. Thế nhưng nói đến văn chương, anh vẫn “hầu đồng” cả buổi. Hình như nhà thơ và các bà đồng giống nhau, khi đã “bốc” là quên trời đất.        

Bùi Hoàng Tám


Ý kiến của bạn