Hà Nội

Vụ phụ huynh tố bị ép ký đơn không cho con thi tốt nghiệp: Cần có cách hiểu đúng về hướng nghiệp cho học sinh

24-04-2022 09:26 | Thời sự
google news

SKĐS - Những ngày qua, trên mạng xã hội xôn xao hình ảnh đoạn chat giữa các phụ huynh về việc con em họ bị nhà trường yêu cầu chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10 do học lực kém. Vậy gốc rễ của vấn đề do đâu và giải pháp nào để giúp các em tháo gỡ, giảm áp lực?

Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ ép học sinh yếu kém không được dự thi lớp 10Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ ép học sinh yếu kém không được dự thi lớp 10

SKĐS - UBND TP Hà Nội, Sở GD&ĐT Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu xác minh, làm rõ thông tin một số trường học vận động, yêu cầu học sinh có học lực kém không tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10.

Gốc rễ là do bệnh thành tích?

PGS.TS. Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa Các khoa học giáo dục, Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: Chúng ta vẫn đang đánh giá "giỏi - dốt" theo những tiêu chuẩn áp đặt của người lớn với các em. Việc phân loại, dán nhãn học sinh giỏi, khá, trung bình để làm tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục hay thành tích dạy giỏi của giáo viên có lẽ không còn phù hợp.

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam: Trong nhiều năm, một cách chính thức hay phi chính thức thì ngành giáo dục vẫn lấy kết quả thi vào lớp 10 THPT để đánh giá thi đua các trường, cân nhắc tiêu chí cho việc ưu tiên đầu tư, cất nhắc lãnh đạo. Chính vì vậy, những trường trong top đầu cũng sẽ luôn cố gắng giành lấy những học sinh giỏi nhất và loại trừ những học sinh không phù hợp với tiêu chí của trường.

Vụ phụ huynh bị tố ép ký đơn không cho con thi tốt nghiệp: Cần có cách hiểu đúng về hướng nghiệp cho học sinh - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022 tại một hội đồng thi của huyện Đông Anh.

Có thể thấy rằng, đằng sau điểm số của đứa trẻ có cả thể diện của cha mẹ, có cả uy tín của giáo viên và thành tích của nhà trường. Vậy làm sao mà không thành tích cho được. Và chúng ta dẫu có tuyên chiến với bệnh thành tích mạnh mẽ thế nào đi nữa thì cũng không thể triệt để được nếu vẫn giữ những quan niệm đánh giá như thế này.

Cần sớm loại bỏ "căn bệnh" này

PGS.TS. Trần Thành Nam cho biết: "Vấn đề rộng hơn và chung hơn là chúng ta cần hạn chế và tiến tới loại bỏ bệnh thành tích trong giáo dục phổ thông.

Có lẽ trước tiên cần phải có những cơ chế chính sách phù hợp hơn để đánh giá hiệu quả giáo dục của nhà trường cũng như năng lực giáo dục của giáo viên cho học sinh. Thay vì chúng ta vẫn sử dụng điểm thành tích của học sinh để đánh giá các trường và đánh giá giáo viên dạy giỏi thì có thể đo hiệu quả giáo dục của các nhà trường thể hiện qua sự tiến bộ của đứa trẻ trên các phương diện kiến thức, kĩ năng và đạo đức qua từng học kỳ và qua các năm học.

Tương tự, đánh giá giáo viên không chỉ ở việc luyện ra được bao nhiêu học sinh giỏi trong số các em chăm ngoan, có ý thức. Mà các thầy cô cần được đánh giá ở khía cạnh một giáo viên đã chuyển hóa được bao nhiêu học sinh mất động lực, mất hứng thú học tập, bao nhiêu học sinh gặp khó khăn trong phương pháp học tập bộ môn có lại niềm tin, có lại động lực, sự tự tin, qua đó các em xác định lại được con đường tương lai của mình.

Vụ phụ huynh bị tố ép ký đơn không cho con thi tốt nghiệp: Cần có cách hiểu đúng về hướng nghiệp cho học sinh - Ảnh 3.

Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các đơn vị chức năng xác minh làm rõ và sẽ yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm nếu có tình trạng trên. Ảnh chụp màn hình thông tin trên fanpage chính thức của Bộ GD&ĐT.

Chúng ta cũng cần truyền thông để cộng đồng thay đổi nhận thức về trường tốt. Trường tốt không phải chỉ là những trường "luyện" ra những học sinh thành tích cao mà là những học sinh được khai phá đam mê và phát triển toàn diện. Để các bậc phụ huynh ngay từ đầu không phải "thức từ nửa đêm" để chạy mua hồ sơ cho con vào trường tốt nữa.

Nếu đã tuyên chiến với thực trạng ép phụ huynh không cho con thi vào lớp 10 hiện nay, ngành đã và cần tiếp xây dựng các cổng tiếp nhận thông tin phản ánh về hiện trạng này. Và tất cả những bằng chứng sơ cấp (như tin nhắn, file ghi âm) và thứ cấp (như các bản cam kết của phụ huynh xác nhận không cho con thi vào lớp 10...) cần phải được thụ lý và những bên liên quan đến vụ việc phải được xử lý nghiêm".

Cách nào để giúp các em tiếp cận sớm hơn về định hướng nghề nghiệp?

Theo PGS.TS. Trần Thành Nam, chúng ta cần có cách hiểu đúng về hướng nghiệp cho học sinh. Hướng nghiệp ở đây không chỉ là chọn nghề mà là định hướng cho cả sự nghiệp mai sau của một con người.

"Giáo viên cần hiểu rõ hướng nghiệp không phải là một công việc đơn giản và chỉ cần làm vào thời điểm cuối lớp 9 khi các em phải lựa chọn con đường học cấp 3 hay học nghề, mà nó phải được tiến hành trong cả quá trình khi học sinh vào trường THCS để học tập.

Để hướng nghiệp chính xác, giáo viên và phụ huynh cần phải kết hợp với nhau và dựa trên bằng chứng thực tế qua quan sát, đánh giá kết quả học tập, hiểu rõ tố chất của các em thông qua các hoạt động sở thích hằng ngày và sử dụng các công cụ và trắc nghiệm đánh giá có độ tin cậy để có thể khẳng định lại về mặt năng lực, phẩm chất, thiên hướng nghề nghiệp... từ đó sẽ đưa ra cho các em những gợi ý. Khi đưa ra gợi ý thì phải tôn trọng quyền tự chủ và tự quyết của các em".

Trước nhiều áp lực của nhà trường, gia đình và xã hội đang ảnh hưởng đến học sinh, PGS.TS. Trần Thành Nam cho rằng, mỗi chúng ta trước khi làm gì nên tâm niệm mình đã thực hiện được đúng nguyên tắc là từ tâm và không gây hại hay chưa để mỗi quyết định đưa ra không gây bất cứ nguy cơ tổn hại nào về mặt thể chất và tinh thần cũng như cơ hội cho học sinh ở hiện tại và tương lai.

Ngoài ra, để giảm bớt áp lực học tập, chúng ta cần nâng cao nhật thức về sức khỏe tâm thần cho phụ huynh, giáo viên, học sinh để có thể nhận diện sớm, hỗ trợ đúng cách và kịp thời các vấn đề tổn thương về sức khỏe tinh thần.

Các trường học cần phải đưa vào hệ thống phân loại và sàng lọc các nguy cơ tổn thương sức khỏe tinh thần đồng thời kích hoạt hệ thống tư vấn hỗ trợ trong trường học để vừa tư vấn hướng nghiệp, vừa tư vấn các vấn đề sức khỏe tinh thần cho các em.

Bộ GD&ĐT xác minh tin "học sinh lớp 9 học kém phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10"Bộ GD&ĐT xác minh tin 'học sinh lớp 9 học kém phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10'

SKĐS - Trên mạng xã hội đang xôn xao thông tin nhiều trường THCS ở Hà Nội yêu cầu học sinh lớp 9 có học lực kém phải chuyển trường hoặc cam kết không thi vào lớp 10, tránh ảnh hưởng đến thành tích nhà trường.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn