Hà Nội

Vụ phụ huynh mang dao vào trường đe dọa: Cách hành xử của nhà trường 'không chuẩn mực, sai quy định'

05-11-2022 09:49 | Thời sự
google news

SKĐS - Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, việc học sinh chưa nộp tiền bảo hiểm, bị nhà trường phát loa gọi tên có thể làm tổn thương danh dự học sinh. Cách làm này của nhà trường chưa đúng, không chuẩn mực, không phù hợp và sai quy định của Bộ GD&ĐT.

Vụ mang dao vào trường đe dọa: Yêu cầu xử lý công bằng cả phụ huynh, nhà trườngVụ mang dao vào trường đe dọa: Yêu cầu xử lý công bằng cả phụ huynh, nhà trường

SKĐS - Bực tức vì nhà trường gọi tên con mình nhắc nhở trong giờ chào cờ, Võ Văn Điệp đã mang dao vào trường đe dọa giáo viên, bắt hiệu trưởng quỳ xin lỗi.

Vụ việc một phụ huynh ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) bức xúc về việc 2 con của mình học tại Trường Tiểu học Sơn Lâm bị nhắc nhở trước cờ nên đã vác dao xông vào trường tiểu học đe dọa nhiều giáo viên, bắt hiệu trưởng phải quỳ gối xin lỗi khiến nhiều người bất bình. Nguyên nhân dẫn đến vụ việc xuất phát từ việc nhà trường thu Bảo hiểm Y tế bắt buộc chưa đạt chỉ tiêu nên đã phát loa ở trường nêu tên các học sinh chưa nộp tiền.

Nhiều ý kiến cho rằng không phải chỉ vụ việc học sinh chưa đóng bảo hiểm bị bêu tên là không đúng, cần chấm dứt mà hành vi bêu tên, phê bình học sinh dưới cờ, trước tập thể cần phải dừng lại ngay cho dù học sinh có vi phạm lỗi gì chăng nữa.

Phóng viên báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam xung quanh vấn đề này.

Thưa TS. Nguyễn Tùng Lâm, lâu nay việc bêu tên, phê bình học sinh trước cờ, trước tập thể vẫn thường xảy ra ở nhiều trường học. Theo ông, hành vi này tác động thế nào tới tâm lý của trẻ?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Theo Khoản 2 Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Tại Khoản 2 Điều 42 Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT quy định học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức là: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.

Vụ phụ huynh vác dao vào trường đe dọa: Báo động an ninh nhà trường chưa tốt - Ảnh 2.

Theo quy định tại Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT, giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh Ảnh minh họa.

Như vậy, với Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT thay thế cho Thông tư 12/2011/TT-BGDĐT thì các hình thức giáo dục, xử lý kỷ luật học sinh có sự thay đổi đáng kể. Đáng chú ý nhất là nhà trường không được phê bình học sinh trước lớp, trước trường, không bêu tên học sinh nơi tập thể có đông bạn bè, giáo viên, phụ huynh. Thay vào đó, việc nhà trường cần làm nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.

Cũng theo Thông tư số 28/2020/TT-BGDĐT Điều lệ trường tiểu học, tại Khoản 3, Điều 38 ghi: Học sinh có khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện và các phong trào thi đua, tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỉ luật sau: nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm. Giáo viên không được phê bình học sinh trước cả lớp, trước toàn trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh.

Trong sự việc này là học sinh chưa nộp tiền bảo hiểm, bị nhà trường phát loa gọi tên có thể làm tổn thương danh dự học sinh. Cách làm này của nhà trường theo tôi là chưa đúng, không chuẩn mực, không phù hợp và sai quy định của Bộ GD&ĐT nên đã để xảy ra sự việc đáng tiếc như trên.

Để tránh những vụ việc đáng tiếc tương tự xảy ra, theo ông cần giải pháp gì?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Nhà trường cần rút kinh nghiệm trong cách ứng xử phù hợp với văn hóa, môi trường sư phạm, phải hết sức tế nhị, thể hiện sự tôn trọng học sinh. Không vì một sự việc nào đó, dù có bị áp lực về chỉ tiêu, nhiệm vụ cấp trên giao cũng không nên bất chấp để có ứng xử chưa phù hợp với học sinh và phụ huynh.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng phải rút kinh nghiệm về vấn đề bảo vệ giáo viên, đảm bảo an ninh, an toàn trong nhà trường. Đồng thời, qua việc này cũng báo động an ninh nhà trường chưa tốt và trách nhiệm thuộc về địa phương. Địa phương phải giúp đỡ nhà trường để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên cũng như cán bộ nhân viên nhà trường. Không thể để một sự việc phụ huynh mang vũ khí có thể ra vào tự do trong trường học như vậy được, nó gây ảnh hưởng sức khỏe và tính mạng của cả học sinh và giáo viên.

Theo tôi, Bộ GD&ĐT nên có kiến nghị với các địa phương đưa vấn đề này trở thành quy chế trường học và thực hiện ở tất cả các trường học trên cả nước.

- Theo ông, với hành vi phụ huynh vác dao xông vào trường đe dọa giáo viên, bắt hiệu trưởng phải quỳ gối xin lỗi, cần bị xử lý thế nào?

TS. Nguyễn Tùng Lâm: Người cầm hung khí vào trường học đe dọa hiệu trưởng trong trường hợp này cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, không thể xuê xoa bằng vài lời xin lỗi và cho qua để răn dạy những trường hợp khác rằng, trường học không phải là nơi có thể hành xử tùy tiện.

Học sinh sẽ nghĩ gì khi chứng kiến hoặc được biết người thầy, đặc biệt là hiệu trưởng phải quỳ gối trước một phụ huynh bặm trợn, hung hăng cầm dao đến đe dọa? Phụ huynh phải tôn trọng thầy cô giáo dạy con em mình, phải làm gương thì mới giáo dục học sinh được.

PV: Xin cảm ơn TS. Nguyễn Tùng Lâm!

Ngày 4/11, ông Nguyễn Trường Giang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, đơn vị đang phối hợp với Phòng Nội vụ huyện kiểm tra lại toàn bộ hành vi, trách nhiệm với ông Phan Đình Thống, Hiệu trưởng trường Tiểu học Sơn Lâm (xã Sơn Lâm, huyện Hương Sơn).

Trên cơ sở quy tắc ứng xử trong trường học, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm, đảm bảo theo đúng quy định. Trước mắt, đơn vị đã yêu cầu ông Thống làm tường trình, kiểm điểm sự việc. Việc xử lý trách nhiệm viên chức do UBND huyện quyết định.

Học sinh đánh nhau liên tiếp: Hoạt động của các phòng Tư vấn tâm lý học đường có bị bỏ quên?Học sinh đánh nhau liên tiếp: Hoạt động của các phòng Tư vấn tâm lý học đường có bị bỏ quên?

SKĐS - Bạo lực học đường không phải là hiện tượng mới nhưng chưa bao giờ lại xảy ra dồn dập với tính chất ngày càng nghiêm trọng như hiện nay. Đặc biệt số vụ bạo lực mà đối tượng tham gia là nữ sinh có chiều hướng gia tăng, để lại hậu quả nghiêm trọng, làm tổn thương cả về thể chất và tinh thần của các em.


Đỗ Vi (thực hiện)
Ý kiến của bạn