Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh được thành lập theo Quyết định số 123/QĐ-Ttg ngày 23-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc UBND tỉnh Bắc Ninh có chức năng giúp UBND tỉnh tổ chức thực thi pháp luật và thực hiện thẩm quyền thanh tra chuyên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Sau 1 năm chính thức đi vào hoạt động, ông Trần Ngọc Thực- Trưởng ban Ban Quản lý an toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh có cuộc trao đổi cởi mở với phóng viên Báo SK&ĐS.
Phóng viên: Mới đây, tại một trường mầm non tỉnh Bắc Ninh xảy ra vụ việc liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, gây xôn xao dư luận. Theo ông, nhằm quản lý tốt về an toàn thực phẩm, nhất là đối với các bếp ăn tập thể ở trường học, khu công nghiệp thì yếu tố cần và đủ là gì?
Ông Trần Ngọc Thực: Việc để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm nguyên nhân chính vẫn là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa cao, chạy theo lợi nhuận và cố tình vi phạm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, niềm tin của người tiêu dùng.
Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ người dân, đứng ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước chúng tôi đã thành lập Đoàn kiểm tra phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành kiểm tra bếp ăn và cả đơn vị cung cấp thực phẩm. Tại thời điểm kiểm tra do mẫu thịt lợn không còn vì sự việc (miếng thịt có nghi nhiễm sán) đã xảy ra từ vài ngày trước đó. Khi thực hiện truy suất nguồn gốc, thực phẩm đều có nguồn gốc, địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Tiếp đó, thông tin về lô thịt gà cũng tại đơn vị này lại khiến dư luận dậy sóng khi nghi ngờ kém chất lượng. Các cơ quan chức năng đã tiến hành niêm phong, Ban quản lý An toàn thực phẩm Bắc Ninh đã lấy mẫu gửi Viện kiểm nghiệm quốc gia để phân tích, đánh giá, các các chỉ tiêu an toàn. Kết quả các chỉ tiêu đều trong giới hạn an toàn thực phẩm.
Ông Trần Ngọc Thực, Trưởng ban Ban Quản lý An toàn thực phẩm Bắc Ninh.
Nhằm chủ động phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các sự cố về an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng các bếp ăn tập thể, Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh yêu cầu các trường học, cơ sở giáo dục tiến hành rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào (nhất là đối với thực phẩm tươi sống) và tiến hành giám sát chặt chẽ trong suốt quá trình sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo quản, lấy mẫu và lưu mẫu thực phẩm. Cán bộ quản lý các nhà trường tiếp tục duy trì bếp ăn tập thể, bảo đảm cho các cháu học sinh có bữa ăn đủ dinh dưỡng, an toàn, tránh gây hoang mang, lo lắng trong phụ huynh và cộng đồng dân cư.
Mỗi người dân cần biết cách nhận diện thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân khi chế biến thực phẩm, ăn chin uống sôi, không ăn đồ tái sống, không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm phòng tránh triệt để các bệnh lây truyền qua thực phẩm.
Ban Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở, kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với các đơn vị cung cấp thực phẩm không bảo đảm, không đủ năng lực, có hành vi gian dối nhằm bảo đảm cho mọi người dân Bắc Ninh được sử dụng thực phẩm an toàn, chất lượng.
Phóng viên: Nếu xảy ra vụ việc tương tự như ở trường mầm non hay bất kỳ bếp ăn tập thể nào trong tỉnh, theo ông trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Trần Ngọc Thực: Đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm chung của cả cộng đồng, trong đó có trách nhiệm riêng của từng cấp, từng ngành theo quy định của pháp luật. Để xảy ra mất an toàn thực phẩm tại cơ sở nào, trách nhiệm trước hết của người đứng đầu quản lý trực tiếp tại cơ sở đó, ví dụ: Trong các trường học thì trách nhiệm trước hết của Hiệu trưởng, Ban giám hiệu nhà trường, tiếp đến là của cấp ủy chính quyền địa phương. Các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm trong tuyên truyền hướng dẫn các cơ sở thực hiện các quy định của pháp luật về ATTP, thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát, thẩm định cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định. Căn cứ vào từng sự việc cụ thể, sẽ xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể có liên quan.
Về phía Ban Quản lý ATTP tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi xác định rõ trách nhiệm của đơn vị và thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào của các bếp ăn tập thể, các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp (nhất là nguyên liệu thực phẩm cho các trường học, nhà máy). Kiên quyết xử lý rút giấy chứng nhận và đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Phóng viên: Năm 2019 tỉnh Bắc Ninh triển khai đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, trong đó tháng hành động cao điểm (từ 15-4 đến 15-5) chủ đề: “Nói không với thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Là cơ quan chủ trì thực hiện, ông đánh giá như thế nào về đề án này?
Ông Trần Ngọc Thực: Thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ Ngành Trung ương, Tỉnh ủy- HĐND-UBND tỉnh cùng sự vào cuộc của toàn xã hội, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm của tỉnh Bắc Ninh có bước chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm an toàn, chất lượng cao phát huy hiệu quả, được người tiêu dùng tin tưởng. Mặt khác, các cơ sở, cá nhân có hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm không an toàn cũng được cảnh báo, xử lý nghiêm.
Thực hiện Đề án “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”, nhất là chủ đề “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2019, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh công tác truyền thông, đề cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn vệ sinh thực phẩm trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ động phòng ngừa ô nhiễm thực phẩm, giảm thiểu tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm (nhất là các vụ ngộ độc tập thể và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm) do tiêu dùng thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng.
Thông qua thực hiện đề án và chủ đề tháng hành động, UBND các cấp, các ngành, đoàn thể tăng cường trong công tác chỉ đạo và phối hợp đồng bộ nhằm phát huy ý thức trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh, người tiêu dùng đối với công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Phóng viên: Khó khăn, trở ngại nhất trong công tác quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay là gì, thưa ông?
Ông Trần Ngọc Thực: Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là một lĩnh vực rộng, hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm đa dạng với nhiều hình thức, quy mô khác nhau, phủ khắp từ nông thôn đến thành thị và có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người. Nhận thức, xác định ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm và kiến thức của người dân về đảm bảo an toàn thực phẩm còn hạn chế. Quy mô sản xuất nhỏ, tập quán sản xuất không an toàn dẫn đến khó kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm. Quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, nhà hàng ăn uống, thức ăn đường phố (chiếm tỷ trọng lớn trong cung ứng thực phẩm) còn gặp nhiều khó khăn. Chưa quản lý được thực phẩm tại các chợ truyền thống, chợ cóc, hàng rong… là những nguyên nhân chủ yếu tác động đến việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Lâu nay, tình trạng ở vùng nông thôn “Lợn 2 chuồng, rau 2 luống” vẫn còn khá phổ biến, nó không chỉ phản ánh tập quán mà chính là nhận thức của người dân về an toàn thực phẩm. Việc sử dụng chất cấm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; quy trình sản xuất, chế biến không đảm bảo vệ sinh; môi trường sản xuất, chăn nuôi chưa bảo đảm dẫn tới mất an toàn thực phẩm…Việc thay đổi tập quán canh tác, nâng cao ý thức trách nhiệm không thể dừng lại ở hô khẩu hiệu chung chung mà phải bằng hành động thực tiễn vì mục tiêu “Bắc Ninh phấn đấu không còn thực phẩm bẩn”.
Phóng viên: Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.