Hà Nội

Vụ ngộ độc tại bản Tả Chải- Lai Châu: Tăng lên 8 người tử vong

16-02-2017 19:48 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tính đến 14h30 phút, ngày 16/2, tổng số ca nghi ngộ độc thực phẩm tại bản Tả Chải- Lai Châu đã tăng lên 49 ca, trong đó có 8 ca tử vong, gồm 7 ca tử vong đã được báo cáo, và 1 ca tử vong trưa ngày 15/2/2017.

Chiều ngày 16/2, UBND tỉnh Lai Châu đã phát đi bản cập nhật thông tin liên quan đến vụ ngộ độc ở bản Tả Chải- xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ khiến nhiều người chết và nhập viện. Tại bản thông tin do ông Tống Thanh Hải – Phó Chủ tịch UBND tỉnh ký, cho biết, tính đến 14h30 phút, ngày 16/2, tổng số ca nghi ngộ độc thực phẩm 49 ca, trong đó có 8 ca tử vong, gồm 7 ca tử vong đã được báo cáo, và 1 ca tử vong trưa ngày 15/02/2017.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, ca tử vong thứ 8 tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ không phải là một trong 4 trường hợp nặng đang cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh mà chết tại nhà.

Trường hợp này có ăn uống tại đám tang ông Phu Vần Lẻng trong các ngày từ 11-13/2, được cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động khi có biểu hiện bệnh phải đến cơ sở y tế để được cứu chữa. Tuy nhiên gia đình chủ quan, khi đi làm nương về thì phát hiện bệnh nhân đã tử vong tại nhà.

Các bác sỹ Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai kiểm tra phản ứng của bệnh nhân được chuyển từ BVĐK Lai Châu đến BVĐK Lào Cai

Tính đến chiều ngày 16/2, hiện còn 10 ca đang nằm điều trị tại BVĐK tỉnh Lai Châu đều đang chạy thận, lọc máu. Các bệnh nhên có biểu hiện mờ mắt, 6 bệnh nhân giãn thị lực do ảnh hưởng methanol trong rượu công nghiệp. Tuy nhiên theo các bác sĩ cho biết nhìn chung thị lực của các trường hợp này đều có dấu hiệu cải thiện sau điều trị

11 ca đang điều trị tại Trung tâm y tế huyện Phong Thổ; 3 ca đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai; 3 ca đang được chăm sóc, theo dõi tại trạm y tế xã.

Một số ca còn lại có biểu hiện triệu chứng nghi ngộ độc thực phẩm nhưng ở mức độ nhẹ đã được khám sàng lọc tại trạm y tế xã, tình hình sức khoẻ ổn định được cho về gia đình và tiếp tục theo dõi.

Trong số 21 ca đang điều trị tại BVĐK tỉnh và Trung tâm y tế huyện, kết quả xét nghiệm chất methanol trong máu của do Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho thấy có 1 ca âm tính, 1 ca nồng độ thấp (<20 mg/dL), 8 ca có nồng độ methanol trong máu rất cao. Trường cao nhất lên tới 326 mg/dL.

Về phía đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai lên hỗ trợ ngành y tế Lai Châu ngày 16/2, tại đây, GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đã trực tiếp đến thăm, khám và có kết luận về tình trạng ngộ độc tại tỉnh Lai Châu. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân tại 3 điểm điều trị đã có dấu hiệu phục hồi, chặn được nguy cơ tử vong. GS,TS Mai Trọng Khoa nhận định, tất cả các bệnh nhân đều có dấu hiệu ngộ độc methanol. Các bác sĩ tuyến dưới đã có phác đồ điều trị đúng. Sự phối hợp chặt chẽ và cập nhật về thời gian đã là yếu tố quyết định đến việc cứu sống bệnh nhân. Không một bệnh nhân nào phải chuyển về Hà Nội là thành công lớn trong việc điều trị bệnh nhân của các cơ sở y tế tuyến dưới.

Nạn nhân của vụ ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu

Báo cáo của tỉnh Lai Châu cũng cho biết, tỉnh Lai Châu tiếp tục tập trung chỉ đạo chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng huy động tối đa nhân lực, vật lực cho công tác cứu, chữa, khắc phục hậu quả vụ việc. Từ ngày 14/02/2017 đến ngày 16/02/2017 đồng chí Phó Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cùng đoàn công tác của tỉnh trực tiếp xuống địa bàn nắm tình hình, chỉ đạo khắc phục hậu quả để sớm ổn định vụ việc và định hướng dư luận. UBND tỉnh đã chỉ đạo huyện Phong Thổ phối hợp với lực lượng Công an, Biên phòng, các lực lượng chức năng kịp thời hỗ trợ các gia đình có người tử vong và hoàn thành việc chôn cất trong ngày 16/02/2017.

Báo cáo cũng cho biết, hiện huyện Phong Thổ đã tổ chức 4 đoàn công tác cùng với các lực lượng chức năng khác rà soát từng hộ gia đình người dân tại bản Tả Chải và khu vực lân cận để xác minh những người tham gia tại đám tang và tuyên truyền, vận động nhân dân khi có biểu hiện nghi ngờ ngộ độc thực phẩm thì sớm ra cơ sở y tế để được cứu, chữa kịp thời.

Để hỗ trợ các nạn nhân của vụ ngộ độc, tỉnh Lai Châu đã trích quỹ hỗ trợ mỗi gia đình có người chết 24 triệu/hộ, đối với người nằm viện 2 triệu/người.

Được biết, trong ngày 16/2, có 5 trường hợp  mua rượu tại nơi có bán rượu gây ngộ độc đến khám tại cơ sở y tế, nhưng chưa có thêm ai phải nhập viện.

GS. TS Mai Trọng Khoa, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai  cùng các đồng nghiệp tuyến dưới thăm khám cho bệnh nhân tại BVĐK tỉnh Lai Châu.

Trước đó, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lèng, sinh năm 1957, dân tộc Hà Nhì, ở xã Ma Ly Chải, Phong Thổ, Lai Châu tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến 22h tối cùng ngày ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau đó, gia đình tổ chức hậu sự của ông Lèng trong 3 ngày 11-13/2; theo phong tục, đồng bào trong bản đến ăn cơm, uống rượu. Đến chiều ngày 13/2 xảy ra hiện tượng nhiều người cùng bị đau đầu, buồn nôn giãn đồng tử và tử vong. Các nạn nhân đều uống rượu, ăn một số thực phẩm khác.

Cỗ cưới nhiễm vi sinh vật khiến 95 người ở Hà Giang nhập viện

Sau đám cưới 25 mâm ở xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang tính đến ngày 16/2 đã có 95 người đã phải nhập viện vì buồn nôn, đi ngoài, sốt. PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết, các mẫu thực phẩm kiểm nghiệm bước đầu cho thấy thực phẩm làm cỗ chứa vi sinh vật, bị ôi thiu là căn nguyên dẫn đến vụ ngộ độc thực phẩm hàng tram người mắc này. Hiện nay, tình trạng sức khoẻ của các bệnh nhân dần ổn định, không có ca tử vong. Trước đó, trưa 13/2, nhiều người sau bữa ăn cỗ cứoi tại gia đình một người dân ở xã Đản Ván, huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang có biểu hiện nôn, buồn nôn, đi ngoài, hoa mắt…và đã đến trạm y tế gần nhất. Đến chiều ngày 16/2, thì số bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm đã tăng lên con số 95 người.


Thái Bình
Ý kiến của bạn