Hà Nội

Vụ ngộ độc ở Lai Châu: Nhiều phụ nữ, trẻ em không uống rượu cũng bị ngộ độc

17-02-2017 15:24 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Đây là thông tin được ông Đồng Xuân Linh - Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết liên quan đến vụ ngộ độc khiến 8 người tử vong và nhiều người phải nhập viện tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu

Liên quan đến vụ ngộ độc tại bản Tả Chải- xã Ma Ly Chải, Phong Thổ, Lai Châu, ông Đỗ Văn Giang, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu cho biết, kết quả xét nghiệm chất Methanol trong máu của 10 bệnh nhân trong vụ ngộ độc rượu tại bản Tả Chải do Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) thực hiện cho thấy, có 8 mẫu có nồng độ Methanol trong máu cao hơn cho phép.

“Nồng độ Methanol trong máu >20 mg/dL là ngộ độc, nếu >40 mg/dL là tình trạng ngộ độc rất nặng, nhưng trong 8 mẫu trên, có trường hợp nồng độ Methanol lên tới 326 mg/dL. Chỉ có 1 trường hợp là nữ được xét nghiệm âm tính với methanol và 1 ca có mức nồng độ thấp hơn 20mg/dL”- BS Giang nói

GS.TS Mai Trọng Khoa- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho nạn nhân của vụ ngộ độc          Ảnh Thế Anh

Ông Đồng Xuân Linh, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Phong Thổ cho biết, các bệnh nhân đang được cấp cứu bị ngộ độc thực phẩm thì chắc chắn. Tuy nhiên, chưa thể khẳng định được tất cả các bệnh nhân trên đều bị ngộ độc Methanol. Lý giải điều này, ông Linh cho rằng, trong số những bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm, hầu hết nam giới đều uống rượu, nhưng có 6 phụ nữ và 1 trẻ em không uống rượu nhưng vẫn bị ngộ độc. Khi trao đổi với đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai, một số nữ bệnh nhân như chị Giàng Tả Mẩy (53 tuổi); chị Tô Si Son (25 tuổi); chị Phu A Gồ (27 tuổi); chị Nù Tả Mẩy (58 tuổi) và bệnh nhi Hờ Ơ Seo (7 tuổi) cũng khẳng định chưa từng uống rượu.

Về phía Đoàn Công tác của Bệnh viện Bạch Mai, trong ngày 16/2, Đoàn công tác đã tiến hành thăm khám cho các bệnh nhân trong vụ ngộ độc đang được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Lào Cai, Bệnh viện Đa khoa Lai Châu và Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ. Kết quả cho thấy, những bệnh nhân nặng đã qua cơn nguy kịch. Những bệnh nhân nhẹ vẫn tiếp tục được theo dõi đề phòng xuất hiện những biến chứng và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

Đoàn bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho các nạn nhân của vụ ngộ độc                                 Ảnh: Thế Anh

Nói về công tác cấp cứu của bác sĩ tuyến dưới của Lai Châu, GS.TS Mai Trọng Khoa- Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai đánh giá: Các bác sĩ tuyến dưới đã có phác đồ điều trị đúng. Sự phối hợp chặt chẽ và cập nhật về thời gian đã là yếu tố quyết định đến việc cứu sống bệnh nhân. Không một bệnh nhân nào phải chuyển về Hà Nội là thành công lớn trong việc điều trị bệnh nhân của các cơ sở y tế tuyến dưới.

Được biết, đến nay, 13 bệnh nhân nặng của vụ ngộ độc này đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lai Châu và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai đều đã qua cơn nguy kịch và đang được tiếp tục chạy thận, truyền dịch giải độc, không còn bệnh nhân nào phải thở ô xy.

Liên quan đến vụ ngộ độc này, theo thông tin phát đi chiều ngày 16/2 của UBND tỉnh Lai Châu, tính đến chiều ngày 16/2, tổng số ca nghi ngộ độc thực phẩm 49 ca, trong đó có 8 ca tử vong, gồm 7 ca tử vong đã được báo cáo, và 1 ca tử vong trưa ngày 15/02/2017. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, ca tử vong thứ 8 tại bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ không phải là một trong 4 trường hợp nặng đang cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh mà chết tại nhà. Trường hợp này có ăn uống tại đám tang ông Phu Vần Lẻng trong các ngày từ 11-13/2, được cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động khi có biểu hiện bệnh phải đến cơ sở y tế để được cứu chữa. Tuy nhiên gia đình chủ quan, khi đi làm nương về thì phát hiện bệnh nhân đã tử vong tại nhà.

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và tuyến dưới cùng trao đổi chuyên môn khi thăm, khám cho nạn nhân của vụ ngộ độc                   Ảnh: Thế Anh

Trước đó, ngày 10/2, gia đình ông Phu Vần Lèng, sinh năm 1957, dân tộc Hà Nhì, ở xã Ma Ly Chải, Phong Thổ, Lai Châu tổ chức ăn cơm, uống rượu. Đến 22h tối cùng ngày ông Lèng có triệu chứng đau đầu, buồn nôn và tử vong. Sau đó, gia đình tổ chức hậu sự của ông Lèng trong 3 ngày 11-13/2; theo phong tục, đồng bào trong bản đến ăn cơm, uống rượu. Đến chiều ngày 13/2 xảy ra hiện tượng nhiều người cùng bị đau đầu, buồn nôn giãn đồng tử và tử vong. Các nạn nhân đều uống rượu, ăn một số thực phẩm khác.

Được biết trong bữa ăn tại đám ma các ngày 11,12,13/2 tại nhà ông Lèng, các nạn nhân đã ăn cơm, thịt, đậu phụ, rau cải, một số người có uống rượu và ăn kẹo do Trung Quốc sản xuất. Theo các bác sỹ, nạn nhân cho biết họ uống rượu theo bát, mỗi người uống từ 1 đến vài bát.


Thái Bình
Ý kiến của bạn