TS.BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, bệnh nhân Sùng Diu Hồng, sinh năm 1966, ở Hà Giang được BVĐK Hà Giang chuyển đến Trung tâm Chống độc lúc 19h ngày 2/4 trong tình trạng tỉnh táo, bệnh nhân có đau bụng nhẹ, mắt vàng.
Tuy nhiên các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân đang có dấu hiệu bị suy gan, tổ chức gan không còn được như bình thường nữa.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân Hồng.
Ông Hồng là nạn nhân cuối cùng trong gia đình 4 người (gồm 2 vợ chồng ông Hồng và 2 vợ chồng người con trai cả - như báo SKĐS đã đưa tin) ăn phải nấm độc hái ở đồi về ăn sáng ngày 28/3. Sau khi ăn khoảng 9-10 giờ đồng hồ thì cả 4 người có biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng và được đưa đến BVĐK tỉnh Hà Giang. Tại đây, các bệnh nhân được điều trị tích cực truyền dịch, lọc máu, thay huyết tương.
Tuy nhiên vợ ông Hồng và 2 vợ chồng người con trai cả đã lần lượt tử vong các ngày sau đó vì suy gan tối cấp. Ông Hồng sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai điều trị.
Bên cạnh việc điều trị tích cực cho bệnh nhân, Trung tâm Chống độc cũng phối hợp với Khoa Thăm dò chức năng của BV làm thủ thuật “Dẫn lưu mật mũi” với mục tiêu để thải trừ trực tiếp chất độc từ gan qua ống mật chủ ra ngoài. Đây làm một thủ thuật rất mới có nhiều ý nghĩa trong điều trị thải độc được các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai ứng dụng - hy vọng góp phần cứu sống bệnh nhân.
TS. Dũng cho biết, đến nay, bệnh nhân Hồng ở ngày thứ 7 sau ăn nhầm nấm độc tuy vẫn tỉnh táo, tiếp xúc tốt, hết đau bụng, đi ngoài nhưng có dấu hiệu suy gan, men gan tăng gấp 32 lần so với bình thường. Các bác sĩ vẫn đang theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân trong vài tuần tiếp theo mới có thể khẳng định được cơ hội sống sót.
Sau mùa mưa, các loại nấm hoang dại phát triển mạnh nguy cơ ngộ độc cao nếu ăn phải. Ảnh minh hoạ.
Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, dựa vào các triệu chứng ngộ độc mà bệnh nhân mắc phải có thể nghĩ đến loại nấm mà gia đình ông Hồng ăn phải chứa độc tố amatoxin kịch độc. Theo nghiên cứu, chỉ cần người dân ăn một cái nấm chứa độc tố amatoxin là đã bị ngộ độc. Tỷ lệ tử vong của các trường hợp ăn phải loại nấm này lên đến 50%. Các ca cấp cứu ngộ độc nấm có chi phí rất lớn, lên đến vài trăm triệu đồng/ca.
"Amatoxin là loại độc tố nguy hiểm vì chúng gây ngộ độc chậm sau 6 giờ khi ăn nấm mới có các biểu hiện tiêu hoá, và một khi đã có các triệu chứng nôn ói, đi ngoài... thì chất độc đã qua dạ dày xuống ruột. Lúc này bệnh nhân đã trong tình trạng nguy kịch nếu không được cứu chữa kịp thời thì nguy cơ tử vong cao. Độc tố amatoxin cũng rất bền vững trong nhiệt độ nên dù đun nấu cách nào cũng không loại trừ được độc tố"- BS. Nguyên nói.