Như Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, ngày 7/8, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Mỹ (Hưng Yên) vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với Tạ Minh Khuê (SN 2004, trú tại xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) để điều tra về hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng; Khởi tố bị can đối với Nguyễn Duy Thành (SN 1993, thường trú tại quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội) là chủ của phương tiện trên về tội giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.
Trước đó, khoảng 14h30 ngày 30/7, Tạ Minh Khuê dù không có giấy phép lái xe theo quy định nhưng đã lái xe ô tô BS 89A - 197.18 đi trên tỉnh lộ 376, từ thị trấn Ân Thi đi huyện Yên Mỹ. Khi đến Km11+900 thuộc địa phận thôn Yến Đô, xã Tân Việt (huyện Yên Mỹ), xe ô tô do Khuê điều khiển lao sang trái đường, va chạm với 2 xe đạp do 2 cháu Phạm Quang T. (10 tuổi) và cháu Phạm Minh H. (11 tuổi), đều trú tại xã Vân Du (huyện Ân Thi) điều khiển, đang trên đường cùng nhau đi cắt tóc. Vụ va chạm khiến 2 bé trai tử vong. Sau khi gây tai nạn, Khuê bỏ trốn khỏi hiện trường cho đến khi bị bắt giữ.
Nhiều độc giả đặt câu hỏi, việc nam thanh niên điều khiển ô tô không GPLX gây tai nạn khiến 2 người tử vong sẽ chịu mức hình phạt như thế nào? Và việc giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông dẫn tới tai nạn chết người thì chủ xe sẽ bị xử lý thế nào?
Giải đáp băn khoăn của độc giả, luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống luật sư X) cho biết, ô tô là nguồn nguy hiểm cao độ khi tham gia giao thông. Để được cấp giấy phép lái phương tiện như ô tô, yêu cầu cá nhân phải trải qua một kì thi sát hạch và đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Hành vi điều khiển phương tiện giao thông nói chung và ô tô nói riêng khi không có giấy phép lái xe là vi phạm pháp luật, cần phải xử lý nghiêm.
Bên cạnh đó, việc chủ phương tiện giao xe cho người khác tham gia giao thông khi chưa đủ điều kiện là thiếu trách nhiệm. Chính sự chủ quan và thiếu trách nhiệm khi không tuân thủ pháp luật là nguyên nhân dẫn đến những hậu quả vô cùng nặng nề.
Theo quy định mới nhất năm 2023, mức xử phạt đối với trường hợp lái xe ô tô không có bằng được quy định tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Căn cứ quy định tại điểm b khoản 9 Điều 21 Nghị định trên, lái xe ô tô không có bằng lái xe thì người điều khiển phương tiện sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng.
Hành vi của Khuê trong vụ việc này còn gây tai nạn nghiêm trọng khiến hai người tử vong. Căn cứ điểm a, c và điểm đ Khoản 2 Điều 260 Bộ luật hình sự 2015 được sửa đổi bởi Khoản 72 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định thì Khuê có thể bị phạt tù từ 3 năm đến 10 năm theo quy định của pháp luật. Mức án cụ thể sẽ do quyết định của Tòa án.
Ngoài ra, người giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp, người giao xe (Nguyễn Duy Thành) biết rõ Khuê không có GPLX mà vẫn giao xe cho Khuê điều khiển gây tai nạn giao thông làm 2 người tử vong thì có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (căn cứ vào Điều 264 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 76 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).