Hà Nội

Vụ Mobifone mua cổ phần AVG: Khởi tố, bắt tạm giam hai bị can

13-07-2018 08:21 | Pháp luật
google news

SKĐS - Bộ Công an đã ra thông báo chính thức cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46) - Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can liên quan đến sai phạm trong việc Tổng Công ty Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).

Thông báo cho biết, thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và lãnh đạo Bộ Công an, C46 đang điều tra xác minh sai phạm trong việc Tổng Công ty (TCT) Viễn thông Mobifone mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG). Căn cứ kết quả điều tra đến nay và tài liệu, chứng cứ thu thập được, C46 đã ra các Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 26/C46-P13 về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 220 Bộ luật Hình sự 2015, xảy ra tại TCT Viễn thông Mobifone - Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và các đơn vị liên quan.

Đồng thời, C46 cũng ra quyết định Khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với 2 bị can: Lê Nam Trà, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên TCT Viễn thông Mobifone, hiện là cán bộ Văn phòng Bộ TT&TT; Phạm Đình Trọng, Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp - Bộ TT&TT, cùng về tội “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Khoản 3 Điều 220 Bộ luật Hình sự năm 2015. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (Vụ 3) đã phê chuẩn các quyết định và lệnh nêu trên. Hiện nay, C46 đang tập trung lực lượng làm rõ hành vi phạm tội của 2 bị can và mở rộng điều tra vụ án.

Vụ Mobifone mua cổ phần AVG: Khởi tố, bắt tạm giam hai bị canÔng Lê Nam Trà.

Trước đó, trong hai ngày 27 và 28/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 27 và thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Lê Nam Trà và ông Phạm Đình Trọng. Ngày 10/7, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật Ban Cán sự Đảng Bộ TT&TT nhiệm kỳ 2011-2016 bằng hình thức cảnh cáo.

Liên quan đến vụ việc này, theo một số đại biểu Quốc hội, việc mở rộng điều tra vụ án hình sự xảy ra tại TCT Mobifone là cần thiết để xem xét đầy đủ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị liên quan, xử lý đúng người, đúng tội theo quy định của pháp luật. Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho rằng, việc thực hiện thương vụ mua AVG của TCT Mobifone là một thương vụ liều lĩnh, bất chấp kỷ cương, pháp luật, coi thường dư luận và gây ra nhiều hệ lụy cho các doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng lớn tới niềm tin của nhân dân đến cả hệ thống chính trị. Do đó, việc cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Nam Trà và Phạm Đình Trọng càng làm nhân dân tin tưởng vào sự quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống tham nhũng. Tới thời điểm này, mong muốn lớn nhất của nhân dân là vụ án sớm được xét xử một cách nghiêm minh, để kịp thời ngăn chặn, răn đe các nhóm lợi ích, câu kết, bất chấp pháp luật, dùng mọi thủ đoạn để vơ vét tài nguyên, tài sản của Nhà nước, của nhân dân, làm giàu bất chính.

Vụ Mobifone mua cổ phần AVG: Khởi tố, bắt tạm giam hai bị canÔng Phạm Đình Trọng.

Đồng quan điểm, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) nhìn nhận cho tới thời điểm này, từ kết luận của Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, quyết định khởi tố, bắt tạm giam của cơ quan điều tra đều được thực hiện một cách chặt chẽ, đúng quy trình và quy định của pháp luật, đáp ứng được mong mỏi và kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Hiện nay, các kết luận của cơ quan chức năng đã rõ ràng, cử tri và nhân dân mong muốn và cũng yêu cầu vụ việc được xử một cách nghiêm minh, đúng theo quy định của pháp luật. Ai sai tới đâu thì phải xử lý tới đó, đúng người đúng tội.

Ở một khía cạnh khác, tại Phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 11-13/7, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ bí mật Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, Điều 2 dự thảo luật quy định: Bí mật Nhà nước là thông tin có nội dung quan trọng do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xác định theo quy định của luật này, chưa công khai, nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, quy định của dự thảo luật còn chung chung, thế nào là gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc? Nguy hại rất lớn, nhưng đơn vị đo lường như nào? Ví dụ vụ Mobifone mua 95% cổ phần của AVG, bây giờ đóng dấu mật, thế thì nếu bị lộ có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc không?

Bà Nga cũng nêu thực tế là các báo cáo về tư pháp hàng năm gửi tới cơ quan của Quốc hội đều đóng dấu mật, từ công tác phòng chống tội phạm, công tác xét xử đến thi hành án... dẫn đến báo cáo thẩm tra cũng phải đóng mật, điều này gây khó khăn trong việc lựa chọn nội dung mời báo chí dự và đưa tin trong các phiên làm việc. Trong khi đó, định nghĩa về bí mật Nhà nước chỉ là thông tin có nội dung quan trọng mà nếu bị lộ, bị mất có thể gây nguy hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. “Cần minh bạch phạm vi, phân loại, danh mục bí mật Nhà nước. Có danh mục kèm theo, như vậy mới tiến bộ, từ pháp lệnh chuyển qua luật hóa chứ không phải chuyển qua nghị định hóa hay thông tư” - bà Lê Thị Nga nêu quan điểm.


H. Phong
Ý kiến của bạn