Chủ quán lòng se điếu có 2 hành vi vi phạm?
Liên quan đến vụ lòng se điếu dài 40m được chủ hệ thống "Lòng Chát quán" đăng tải trên mạng xã hội, ngày 11/5, trao đổi với phóng viên Chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức khỏe và Đời sống), luật sư Chu Quỳnh Vương - Văn phòng Luật Trung hòa (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhận định: "Vụ việc chủ quán Lòng Chát có 2 hành vi là quảng cáo sản phẩm hàng hóa dịch vụ trên các nền tảng số và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, hóa đơn chứng từ các sản phẩm hàng hóa dịch vụ kinh doanh".
"Đến nay, vụ việc chưa có kết luận chính thức nên hiện trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chức năng hoặc các đơn vị, cá nhân liên quan vẫn đang ở giai đoạn thanh tra, kiểm tra, rà soát… khi có kết luận thì sẽ xem xét đến trách nhiệm từng đơn vị. Đặc biệt là UBND quận, UBND phường…", luật sư Vương cho hay.

Theo luật sư, chủ quán Lòng Chát đã công khai xác nhận về việc quảng cáo không đúng về độ dài của bộ lòng se điếu. Hành vi này có thể bị xử phạt từ 60 - 80 triệu đồng đối với cá nhân hoặc từ 120 - 160 triệu đồng đối với tổ chức.
Theo luật sư, chủ quán lòng đã công khai thừa nhận về việc đã quảng cáo không đúng về độ dài của bộ lòng se điếu tại quán để thu hút thực khách. "Chiếu" theo khoản 9 điều 8 Luật Quảng cáo 2012, đây là thì hành vi quảng cáo không đúng về số lượng, chất lượng của sản phẩm là hành vi bị cấm.
Cũng theo luật sư Chu Quỳnh Vương, sau khi sự việc xảy ra, dù chủ quán lòng đã công khai xin lỗi người tiêu dùng nhưng chủ quán Lòng Chát vẫn phải chịu trách nhiệm trước những hành vi đã thực hiện. Hiện cơ quan chức năng đang tiến hành thanh tra, điều tra để làm rõ khi có kết luận chính thức, tùy theo mức độ tính chất phải bị xử lý theo quy định pháp luật.
Tuy nhiên, đối với hành vi quảng cáo không đúng, quảng cáo sai sự thật thì người thực hiện hành vi này sẽ bị phạt theo quy định tại khoản 5 Điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Mức phạt đã quy định sẽ từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng (đối với cá nhân); hoặc từ 120 triệu đến 160 triệu đồng (đối với tổ chức).

Theo luật sư Chu Quỳnh Vương, sau khi sự việc xảy ra, dù chủ quán lòng đã công khai xin lỗi người tiêu dùng nhưng chủ quán Lòng Chát vẫn phải chịu trách nhiệm trước những hành vi đã thực hiện.
Bên cạnh đó, TikToker "Thế Lòng Se Điếu" còn phải tiến hành gỡ bỏ nội dung quảng cáo sai và cải chính công khai. Những hàng hóa, sản phẩm không có nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ bị tịch thu và tiêu hủy.
Theo luật sư Vương, thực tế hiện nay, việc quảng cáo sai sự thật về số lượng, chất lượng của sản phẩm xảy ra tràn lan, đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội dẫn đến nhiều hệ lụy không tốt, thậm chí là ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Theo Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì sau khi bị xử phạt hoặc kết án chưa được xóa án tích về hành vi quảng cáo gian dối mà vẫn tái phạm thì người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội quảng cáo gian dối, mức hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm.
Bên cạnh đó, tùy từng trường hợp cụ thể, người vi phạm mà có thể bị xử lý thêm về các hành vi sản xuất, mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng.
Trong đó, đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức hình phạt cao nhất lên đến tù chung thân theo điều 193 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Cần tái 'định vị' hoạt động thanh tra
Cùng quan điểm trên, luật sư Mai Thảo - Phó Giám Đốc TAT Law Firm cho rằng, công tác thanh tra cần đột xuất, cần được xác lập lại như một công cụ chính thức trong quản lý nhà nước, không thể biến thành chuyến viếng thăm có lịch hẹn.
Trong bối cảnh Luật Thanh tra (sửa đổi) đang đề xuất bỏ thanh tra sở, quận/huyện, luật sư Thảo nêu quan điểm rằng, có một nghịch lý là thanh tra theo kế hoạch thường "vở sạch chữ đẹp", trong khi đó, những vụ việc như đánh tráo hàng hóa, phụ gia độc hại… lại thường chỉ bị phát hiện khi thanh tra đột xuất, được triển khai quyết liệt.

Chủ cơ sở "Lòng Chát quán" đăng hình ảnh khoe lòng se điếu.
"Phát biểu của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đã đánh đúng tâm huyết của những người thực sự hiểu nghề: "Thanh tra đột xuất mới thể hiện nghề". Điều này đòi hỏi chức năng thanh tra phải được tái định vị: chủ động, linh hoạt, có đủ nghiệp vụ và được trao quyền để vẫn hành. Tuy nhiên, không thể phủ nhận, trao quyền mà không kiểm soát sẽ tạo rào cản mới.
Việc thanh tra đột xuất phải được làm rõ bằng quy trình pháp lý, quy định rõ điều kiện triển khai, biên bản, báo cáo, xử lý vi phạm và có hệ thống kiểm tra chéo để tránh lạm quyền. Bỏ thanh tra cấp sở, quận/huyện sẽ khiến các lỗi nhỏ trong ngành, địa bàn không ai nối đầu. Đây chính là chỗ hở trong thể chế thanh tra mà Luật Thanh tra sửa đổi cần không được bỏ qua", luật sư Thảo nhấn mạnh.