Trao đổi với phóng viên bác sĩ Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Bệnh viện (BV) Tâm thần Trung ương 1, cho biết trong số 94 hồ sơ bệnh án tâm thần nghi ngờ làm giả mạo, cơ quan CSĐT yêu cầu BV rà soát và cung cấp các bản bệnh án photocopy để cơ quan công an nghiên cứu.
Đến thời điểm hiện tại BV đã rà soát, hồi cứu được 66 hồ sơ bệnh án. Những hồ sơ này của các bệnh nhân điều trị từ năm 2016 đến nay. Đa số là bệnh án của bệnh nhân đã nằm viện và đang nằm viện, trong đó có nhiều trường hợp là bệnh nhân cai nghiện ma tuý, ngáo đá, có chỉ định điều trị về sức khoẻ tâm thần. Có trường hợp từng xuất viện, nhập viện nhiều lần và đều có bệnh án lưu.
TS Chiến cho biết thêm, đến thời điểm này, chỉ 1 bệnh án cơ quan công an nêu là giả và liên quan đến bệnh án này đã bắt tạm giam hai cán bộ của bệnh viện. "Thực tế bản thân tôi chưa được tiếp cận bệnh án này vì khi cơ quan công an có lệnh bắt đã niêm phong, giữ bệnh án".TS.Chiến chia sẻ.
Sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt giam 2 bị can là bác sĩ Thân Thái Phong và ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên Khoa Dinh dưỡng của BV do tiếp tay lập bệnh án giả, giúp đối tượng vi phạm pháp luật trốn án, đã ít nhiều gây ra tâm lý lo lắng cho nhân viên y tế. Qua sự việc đáng tiếc này, BS Chiến cho rằng, "Không ít người lo ngại có thể chẳng may chính bản nhân viên y tế cũng là nạn nhân của những "chiêu trò" giả bệnh qua mặt bác sĩ, trong khi đó những thăm dò cận lâm sàng như chụp chiếu, điện não đồ không có ý nghĩa gì trong việc phát hiện bệnh tâm thần, nhất là khi đối tượng và gia đình cố tình cung cấp thông tin giả mạo" Và điều quan trọng, hiện BV chưa tiếp cận được hồ sơ bị làm giả bởi cơ quan công an đã thu giữ để phục vụ công tác điều tra, do đó BV không biết kẽ hở ở khâu nào mà hồ sơ có thể bị làm giả.- bác sĩ Chiến nói.
Lãnh đạo BV Tâm thần Trung ương 1 cho biết đang rà soát 94 hồ sơ cơ quan công an nghi ngờ.
Ông Chiến cũng nhìn nhận, quy trình khám chữa bệnh ở bệnh viện là khá chặt chẽ. "Tuy nhiên, chặt bao nhiêu chăng nữa cũng có thể có lỗ hổng, nhất là nếu có một vài cá nhân có ý đồ xấu, làm sai mục đích sẽ rất khó", ông Chiến nói.
Ông Chiến cũng chia sẻ khó khăn trong việc xác định trường hợp giả bệnh, tự bịa triệu chứng, phối hợp người thân để khai báo triệu chứng này, triệu chứng nọ. "Nếu trình độ bác sĩ non kém, chưa có kinh nghiệm có thể chẩn đoán sai. Vì thế chúng tôi hết sức thận trọng, nếu có dấu hiệu nghi ngờ hội chẩn kĩ. Nếu đối tượng phạm tội cố tình giả bệnh, có cơ quan viện giám định pháp y trung ương làm việc tiếp tục giám định xem họ bị bệnh hay giả bệnh", ông Chiến nói.
"Người đứng đầu BV có trách nhiệm ban hành văn bản, tăng cường kiểm tra giám sát định kỳ. Việc giám đốc kí vào bệnh án không phải để chịu trách nhiệm về bệnh nhân mà là để xác nhận bệnh án của bệnh viện, xác nhận bác sĩ này của bệnh viện, chứ không phải chịu nội dung bệnh án đó, vì lãnh đạo bệnh viện có trực tiếp điều trị bệnh nhân đâu mà chịu trách nhiệm về bệnh nhân"- ông Cương trần tình.
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt bị can tạm giam phục vụ điều tra với 2 viên chức của BV Tâm thần Trung ương 1 là bác sĩ Thân Thái Phong, Phó Trưởng Khoa tâm thần người cao tuổi; ông Nguyễn Tuấn Sơn, kỹ thuật viên trưởng, Khoa Dinh dưỡng. Cùng đó, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng đề nghị BV Tâm thần Trung ương 1 cung cấp thông tin, tài liệu kiểm tra lại 94 hồ sơ của bệnh nhân đã điều trị tại BV.