Vụ khủng bố tại Ankara Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng

14-10-2015 07:00 | Quốc tế
google news

SKĐS - Vụ tấn công hôm 10/10 tại Thủ đô Ankara khiến gần 100 người chết, hơn 500 người bị thương là một âm mưu lớn nhằm đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình trạng bất ổn ...

“Vụ tấn công hôm 10/10 tại Thủ đô Ankara khiến gần 100 người chết, hơn 500 người bị thương là một âm mưu lớn nhằm đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào tình trạng bất ổn trước thềm cuộc bầu cử Quốc hội dự kiến diễn ra vào ngày 1/11 tới”, Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu nhấn mạnh.

Hãng tin BBC dẫn lời Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu cho biết như vậy hôm 12/10 vừa qua. BBC cũng cho biết, ông Ahmet Davutoglu đã tỏ rõ quyết tâm điều tra thủ phạm và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không lùi bước tiêu diệt Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) tại Syria. Ông Ahmet Davutoglu nhấn mạnh: “Nhà chức trách đang điều tra các dấu vết, tìm kiếm các mẫu AND để xác định xem kẻ nào đứng sau các âm mưu khủng bố này”.  Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết, ông nghi ngờ ISIS và đảng Công nhân người Kurd (PKK) đứng sau các vụ tấn công trên.

Vụ khủng bố tại Ankara Thổ Nhĩ Kỳ thêm căng thẳng

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ bên quan tài người thân sau vụ khủng bố hôm 12/10.

Vụ đánh bom khủng bố xảy ra lúc 10 giờ (giờ địa phương) ngày 10/10 khi diễn ra một cuộc biểu tình của các nhà hoạt động cánh tả và những người ủng hộ người Kurd tại Thủ đô Ankara. Thống kê mới nhất cho biết, ít nhất 97 người thiệt mạng, 507 người khác bị thương, 65 người đang được chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện. Ngay sau khi vụ khủng bố xảy ra, Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã tuyên bố quốc tang trong 3 ngày để tưởng nhớ các nạn nhân. Điểm đáng chú ý là cuộc tấn công đẫm máu trên xảy ra chỉ 3 tuần trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 1/11 trong bối cảnh uy tín và sự ủng hộ đối với đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền đang giảm sút nghiêm trọng.

4 ngày sau vụ đánh bom, tình hình Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục có những diễn biến căng thẳng mới. Chỉ một ngày sau khi vụ đánh bom xảy ra, hàng nghìn người đổ ra các đường phố của Thủ đô Ankara biểu tình phản đối Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Người biểu tình cho rằng, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã không thể đảm bảo an toàn cho người dân. Trong khi đó, đảng Dân chủ nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd cho rằng số người thiệt mạng thậm chí đã lên tới hơn 120 người chứ không phải 97 người như Chính phủ đưa ra. Dù Chính phủ cam kết sẽ sớm tìm ra thủ phạm song người dân vẫn cho rằng Thủ tướng Ahmet Davutoglu đã không làm tròn trách nhiệm của mình. Cũng có ý kiến cho rằng người đứng đầu đất nước nên từ chức.

Ở thời điểm hiện nay, giới phân tích lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ phải đối mặt với những kịch bản xấu nếu Chính phủ không kiểm soát được tình hình căng thẳng hiện nay. Người phát ngôn HDP Ayhan Bilgen cho biết, đảng này đang cân nhắc hủy tất cả các cuộc tuần hành trước thềm cuộc bầu cử do những lo ngại về an ninh sau vụ đánh bom ở Ankara. Sự thoái lui của HDP có thể tác động xấu đến đời sống chính trị tại Thổ Nhĩ Kỳ bởi đảng trên có liên quan mật thiết tới sự hiện diện của người Kurd. Các chính sách tiêu diệt PKK của Thủ tướng Ahmet Davutoglu vốn đã hứng chịu nhiều chỉ trích từ người dân và tiếp tục khơi lên những chia rẽ chính trị tại Thổ Nhĩ  Kỳ. Việc Bộ trưởng phụ trách Các vấn đề Liên minh châu Âu (EU) Ali Haydar Konca và Bộ trưởng Phát triển Muslum Dogan ngày 22/9/2015 đã từ chức để phản đối Chính phủ nước này tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các tay súng thuộc PKK là một ví dụ phản ánh tình hình thực tế ở Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay.“Một cuộc chiến tranh thực sự đang hình thành và tình hình đất nước hiện còn tồi tệ hơn so với thời kỳ cao trào xung đột giữa Chính phủ và PKK trong những năm 90 của thế kỷ trước”, ông Konca - nghị sĩ thuộc HDP nhấn mạnh. Ngoài ra, việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Mỹ tiến hành chiến dịch quân sự chung chống ISIS tại Syria đã và đang khiến nước này đối mặt thêm nhiều nguy cơ an ninh mới.

Trong bối cảnh chỉ còn 3 tuần nữa Thổ Nhĩ Kỳ bước vào cuộc tổng tuyển cử (1/11), vụ khủng bố ngày 10/10 khiến gần 100 người chết và hơn 500 người khác bị thương tại Thủ đô Ankara được ví như một mồi lửa đẩy căng thẳng tới cao trào.

Dường như Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đang phải đối mặt với hai gọng kìm.Một bên là PKK, một bên là sức ép gia tăng trong cuộc chiến tiêu diệt ISIS ở Syria. Chính quyền của Thủ tướng Ahmet Davutoglu sẽ xử lý ra sao? - Câu hỏi mà đáp án sẽ còn là một ẩn số.

(Theo AP, NHK, BBC)

N.Quang

 


Ý kiến của bạn