Vũ khí lợi hại của khủng bố

12-01-2015 08:00 | Quốc tế

SKĐS - Nếu như internet là một công cụ tuyệt vời giúp cho người với người trên khắp hành tinh có thể xích lại gần nhau hơn

Nếu như internet là một công cụ tuyệt vời giúp cho người với người trên khắp hành tinh có thể xích lại gần nhau hơn, thì giờ chúng đang trở thành một loại vũ khí cho các phe cực đoan sử dụng để tuyển dụng chiến binh, chuẩn bị các tội ác và khủng bố người dân.

Sau vụ thảm sát ở Charlie Hebdo, trên mạng xuất hiện sự hả hê của các đối tượng khủng bố.

Tờ Inspire, một tạp chí bằng Anh ngữ của Al-Qaida phổ biến trên mạng là một điển hình. Tạp chí được phát hành theo từng quý từ năm 2010. Mẫu mã không khác gì với các tạp chí chuyên nghiệp khác: phông chữ chăm chút và bài đăng được viết bằng tiếng Anh không chê vào đâu được. Có thể nói, tờ Inspire minh chứng đối tượng khủng bố đã làm chủ được công nghệ và các mật mã của nó đến chừng nào. Theo như giải thích của ông Romain Caillet thuộc Viện Nghiên cứu Cận Đông của Pháp, nếu như cách đây 10 năm, các đối tượng khủng bố cực đoan lui tới các diễn đàn một cách bí mật, thì ngày nay các giao tiếp trên mạng ngày càng ít kín đáo và hiệu quả cao hơn. Bởi vì, những đối tượng này đã biết đầu tư vào những cổng trang web nào dễ đăng nhập và có đông người tham gia, nhất là tại các quốc gia phương Tây. Theo ông, “Mục đích của chúng là khủng bố công luận, nhưng đồng thời để tuyển dụng và cung cấp thông tin cho những người ủng hộ chúng”.

Hiện tượng này chẳng có gì là mới, nhưng với sự xuất hiện các trang mạng xã hội như facebook, twitter... đã khiến chúng lan rộng mức độ chưa từng thấy. Nhờ vào internet, các lực lượng khủng bố đã được trang bị một sự hỗ trợ truyền thông rất hữu hiệu. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo ISIS thì có hẳn một cơ quan truyền thông “Trung tâm truyền thông al-Hayat” (al-Hayat Media Center). Các dòng tin nhỏ và video được phát nhiều lần bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, dưới sự trợ giúp của những người ủng hộ chúng. Ngoài ra, ISIS còn có cả tạp chí riêng là Dabiq, giờ cũng được phát hành bằng tiếng Pháp. Hình ảnh chiếm vị thế trội nhất. So với Al-Qaeda trước đây chỉ dùng băng hình video để gieo rắc kinh hoàng, chất lượng hình ảnh do ISIS đưa ra được cải thiện rất rõ. Các vụ sát hại con tin giờ được quay bằng các thiết bị chuyên nghiệp với chất lượng cao rồi sau đó được phát lên mạng như youtube. Bằng chứng cụ thể nhất là vụ sát hại nhà báo Mỹ James Foley. Không chỉ làm khiếp hãi người dân, ISIS còn dùng mạng để chiêu dụ những ai dễ bị cám dỗ. Để nhân đạo hóa cuộc chiến của chúng và thu hút các ứng viên, ISIS không ngần ngại xen kẽ những hình ảnh đẫm máu với những bức ảnh mèo con hay những bữa ăn thân thiện giữa các chiến binh.

Vụ thảm sát diễn ra tại trụ sở tuần báo Charlie Hebdo đang làm trỗi dậy cuộc tranh luận về việc kiểm soát phổ biến tuyên truyền trên mạng của các đối tượng khủng bố, trong khi các nhà điều hành mạng lại đang đấu tranh nhằm bảo tồn toàn quyền tự do ngôn luận. Vài giờ sau vụ tấn công tại Charlie Hebdo ngày 7/1/2014, trên mạng internet đã xuất hiện nhiều tiếng cười hả hê với các dòng thông điệp như “ngọn lửa chiến tranh đã chạm tới Paris” và “cuộc đối đầu chỉ mới bắt đầu” hay như dòng chữ “nụ hôn nồng thắm từ Syria. Bye bye Charlie” được ghi trên một tờ giấy trắng đặt bên cạnh một khẩu AK.

Gần đây nhất, để tăng cường công tác kiểm soát mạng, Pháp đã thông qua một đạo luật chống khủng bố, trừng phạt những ai “xem thường xuyên những website trực tiếp kêu gọi hành động khủng bố hay cổ vũ cho hành động này”. Tuy nhiên, đạo luật này gặp phải sự phản đối dữ dội của các nhà cung cấp mạng. Họ cho rằng “đạo luật này được thông qua bởi những kỹ thuật viên, những người không am tường thực địa” và “có thể cản trở quyền tự do ngôn luận”.

Theo nhận định của họa sĩ Tuncay Akgun - Tổng biên tập tờ châm biếm Leman, những gì xảy ra cho Charlie Hebdo rất có thể tái diễn tại Thổ Nhĩ Kỹ, nhất là tại tuần san của ông. Ðiều này làm ông cảm thấy lo lắng vì cho đến giờ, những gì họa sĩ nhận được chỉ là những chỉ trích, đe dọa bằng lời. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng cộng chỉ có 5 tờ báo châm biếm với hơn 200 ngàn ấn bản rất được dân Thổ ưa chuộng. Thế nhưng những năm gần đây, óc hài hước của người dân đang dần phai nhạt, kể cả những người đứng đầu Nhà nước. Họa sĩ Tuncay cho biết, trong vòng 10 năm gần đây đã xảy ra nhiều vụ kiện tụng chống lại các cây vẽ biếm họa. Mối đe dọa đó hiện bao trùm lên toàn giới báo chí trong nước. Ðó là chưa kể đến áp lực kinh tế, nhất là thuế khóa.

(Theo Le Figaro, Le Monde)

Quỳnh Anh

 

 


Ý kiến của bạn