Vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của CHDCND Triều Tiên sáng 14/5 thành công cho thấy Bình Nhưỡng đã “không nói chơi” trong ván bài với các nước thù địch trong đó có Mỹ.
Sáng 14/5, Triều Tiên làm rúng động cả thế giới khi tiến hành vụ phóng tên lửa ở thành phố Kusong, Tây Bắc Triều Tiên, cách thủ đô 10 km. Tên lửa này được cho là đã bay khoảng 787 km và đạt tới độ cao 2.111 km trong vòng 30 phút trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản, bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên trong 2 tuần qua của Triều Tiên, vài ngày sau lễ nhậm chức của tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.
Theo truyền thông của CHDCND Triều Tiên cho biết, đây là một "tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung tới xa" được gọi là Hwasong-12. Triều Tiên cho rằng họ đã bắn ở góc cao nhất để đảm bảo an ninh cho các nước láng giềng. Nếu đặt góc bắn bình thường, tên lửa có thể đạt tầm bắn từ 4500 – 6000 km. Nếu điều này trở thành hiện thực thì đảo Guam hay lãnh thổ Mỹ sẽ có thể nằm trong phạm vi mà tên lửa Triều Tiên sẽ chạm tới.
Sau vụ phóng tên lửa của CHDCND Triều Tiên, một loạt các quốc gia từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… đều lên tiếng phản đối hành động này của Bình Nhưỡng. Mỹ ngay lập tức yêu cầu gia tăng các biện pháp trừng phạt với nước này, trong khi đó Nga và Trung Quốc lên tiếng quan ngại về hành động này và cho rằng CHDCND Triều Tiên đã vi phạm nghị quyết của Hội đồng bảo an LHQ.
Tên lửa Hwasong-12 được cho là cuộc thử nghiệm “hệ thống vũ khí hoàn hảo chưa từng có của Triều Tiên. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung có khả năng mang một đầu đạn hạt nhân cỡ lớn. Điều này cho thấy những tiến bộ đáng kể của Triều Tiên trong việc phát triển một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể chạm tới lãnh thổ Mỹ”, một chuyên gia vũ khí Mỹ cho biết.
Ông John Cheilling, một kỹ sư không gian chuyên về tên lửa cho rằng: "Cuộc thử tên lửa mới nhất của CHDCND Triều Tiên thành công thể hiện khả năng phát triển vũ khí tên lửa chưa từng thấy của Bình Nhưỡng. Điều này có nghĩa là Triều Tiên chỉ cần 1 năm, chứ không phải là 5 năm như dự kiến để có một ICBM (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa).
Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên KCNA trích lời Chủ tịch Kim Jong – Un, người trực tiếp thị sát vụ bắn tên lửa, nói: “ Nếu Mỹ cố gắng kích động CHDCND Triều Tiên, họ sẽ không thoát khỏi thảm hoạ lớn nhất trong lịch sử. Mỹ không nên đánh giá sai hay bỏ qua thực tế rằng lục địa Mỹ cũng như vùng hoạt động của họ ở Thái Bình Dương giờ đây đã nằm trong phạm vi tấn công của CHDCND Triều Tiên”… "Nếu Mỹ chọn một sự khiêu khích quân sự chống lại CHDCND Triều Tiên, chúng tôi đã sẵn sàng để chống lại " .
Theo giáo sư John Delury, thuộc trường Nghiên cứu quốc tế Yonsei, Seoul, những vụ thử hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên thường diễn ra theo chu kỳ và rơi vào những ngày lễ quan trọng của đất nước nhằm tận dụng triệt để tinh thần dân tộc chủ nghĩa dâng cao trong dân chúng hoặc được tính toán để làm nổi bật vấn đề địa chính trị nào đó.
Như Bình Nhưỡng đã tiến hành thử tên lửa, nhưng thất bại, vào 16/4, một ngày sau Ngày mặt trời, ngày lễ quan trọng nhất nước này nhằm kỷ niệm ngày sinh của lãnh đạo lập quốc Kim Nhật Thành. Quả tên lửa đầu tiên được thử sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức diễn ra khi ông và Thủ tướng Nhật Shinzo Abe gặp nhau vào tháng hai.
Theo nguồn tin riêng của Reuters, trước tần suất phóng thử tên lửa ngày càng tăng của Triều Tiên, chính phủ Nhật Bản được tiết lộ muốn sắm hệ thống phòng thủ Aegis thay vì hệ thống THAAD được triển khai ở Hàn Quốc. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản đang cân nhắc hệ thống Aegis Ashore mặt đất hơn hệ thống phòng thủ tầm cao (THAAD), do nó không chỉ có độ bao phủ rộng hơn mà giá cả cũng hợp lý hơn. Tuy nhiên để làm được điều này, Nhật Bản sẽ phải cân nhắc rất nhiều. Trong đó Nhật Bản sẽ phải tính đến phản ứng dữ dội của Bắc Kinh sau khi Mỹ triển khai THAAD đến Hàn Quốc.
Bộ Quốc phòng Nhật dự kiến sẽ ra quyết định chọn hệ thống nào vào mùa hè này. Tokyo đang quyết tâm nâng cấp hệ thống phòng thủ của nước này sau hàng loạt vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Sau vụ phóng tên lửa của Bình Nhưỡng, các chuyên gia vũ khí đánh giá, rõ ràng Triều Tiên đang phát triển nhiều chương trình vũ khí khác nhau. Quả tên lửa phóng đi sáng chủ nhật xuất phát từ một địa điểm phóng gần biên giới với Trung Quốc và tên lửa đã rơi ngoài khơi biển Nhật Bản. Các chuyên gia cho rằng, tên lửa lần này đã bay 30 phút trước khi rơi, lâu hơn rất nhiều lần so với các vụ phóng tên lửa gần đây, điều này cho thấy tốc độ phát triển vũ khí của Triều Tiên nhanh hơn mọi dự đoán.
Với hành động thử tên lửa liên tục, mặc dù chưa trúng đích nào nhưng hành động này của Bình Nhưỡng đã đạt mục đích thu hút sự chú ý không chỉ của Tổng thống Mỹ mà còn các nhà lãnh đạo thế giới khác.