Vũ khí chữa bệnh nhiễm khuẩn đang dần vô hiệu trên toàn cầu

07-05-2014 13:00 | Dược
google news

SKĐS - Sau khi thu thập dữ liệu tại 114 quốc gia trên toàn cầu về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có báo cáo mới nhất công bố ngày 30/4/2014 vừa qua

Sau khi thu thập dữ liệu tại 114 quốc gia trên toàn cầu về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã có báo cáo mới nhất công bố ngày 30/4/2014 vừa qua, cảnh báo vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh đang dần là mối đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Đây cũng là báo cáo toàn cầu đầu tiên của WHO cho thấy cái nhìn toàn cảnh nhất về kháng kháng sinh hiện nay.

Kháng sinh đang mất dần hiệu lực trước vi khuẩn.

Kháng sinh đang mất dần hiệu lực trước vi khuẩn.

Có thể chết vì các nhiễm khuẩn thông thường

Báo cáo của WHO cho thấy, mối đe dọa nghiêm trọng này không còn là dự đoán của tương lai mà đang xảy ra ngay bây giờ ở mọi khu vực trên thế giới, có nguy cơ ảnh hưởng tới tất cả mọi người dân, ở mọi lứa tuổi, mọi quốc gia khác nhau và chỉ ra rằng, sự kháng thuốc đang xảy ra ở rất nhiều bệnh truyền nhiễm khác nhau, nhưng tập trung vào kháng kháng sinh trên 7 loại vi khuẩn gây ra các bệnh nhiễm khuẩn thường gặp như tiêu chảy, viêm phổi, viêm đường tiết niệu, nhiễm trùng máu và bệnh lậu. Cụ thể:

Với vi khuẩn Klebsiella pneumoniae (K. pneumoniae) là nguyên nhân chính gây viêm phổi, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh cần phải nhập viện và chăm sóc đặc biệt. Nhưng ở một số nước, do sự kháng thuốc, kháng sinh carbapenem không có hiệu quả trên hơn một nửa số người điều trị bệnh nhiễm trùng do K. pneumoniae. Hơn thế nữa, sự kháng các phương pháp điều trị cuối cùng của các bệnh nhiễm trùng đe dọa tính mạng này đã lan ra tất cả các vùng trên thế giới.

Fluoroquinolones là một trong những loại thuốc kháng sinh thông dụng nhất dùng cho các bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra bởi E.coli,cũng đã bị kháng rất phổ biến. Trong những năm 1980, khi các thuốc này lần đầu tiên được giới thiệu, sự kháng thuốc gần như không xảy ra. Ngày nay, ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, phương pháp điều trị này cũng không còn hiệu quả trên hơn một nửa số bệnh nhân.

Việc thất bại trong điều trị bằng cephalosporins thế hệ ba (thuốc điều trị cuối cùng cho bệnh lậu) đã được công nhận ở Áo, Úc, Canada, Pháp, Nhật Bản, Na Uy, Slovenia, Nam Phi, Thụy Điển và Anh. Vì thế, mỗi ngày có hơn 1 triệu người nhiễm bệnh lậu trên thế giới.

Sự kháng kháng sinh khiến con người mắc bệnh trong thời gian lâu hơn và gia tăng nguy cơ tử vong. Ví dụ, người mắc MRSA (Staphylococcus aureus kháng methicillin) được dự đoán có nguy cơ tử vong cao hơn 64% so với người nhiễm khuẩn thể không kháng thuốc. Sự kháng thuốc cũng làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe và kéo dài thời gian nằm viện cũng như cần nhiều sự chăm sóc đặc biệt hơn.

“Nếu không có các biện pháp khẩn cấp và hợp tác của các bên liên quan, thế giới sẽ đi vào kỉ nguyên “hậu thuốc kháng sinh”, khi đó, các bệnh truyền nhiễm thông thường hoặc những chấn (vết) thương nhỏ có thể chữa khỏi trong hàng thập kỉ qua thì nay có thể gây chết người do sự kháng thuốc kháng sinh này”, Tiến sĩ Keiji Fukuda - Thư ký Tổng giám đốc trong lĩnh vực An ninh y tế (WHO) nhấn mạnh.

Cần hành động ngay...

WHO cho biết, thực tế thời gian qua, hành động ứng phó với sự kháng kháng sinh còn nhiều lỗ hổng hoặc không hề tồn tại ở rất nhiều quốc gia. Vì thế, để chống lại sự kháng kháng sinh, WHO kêu gọi đối với mỗi người dân chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn; Dùng hết liều được kê, kể cả khi đã cảm thấy khỏe và không bao giờ chia sẻ kháng sinh với người khác...

Với nhân viên chăm sóc sức khỏe và dược sĩ, tăng cường phòng và kiểm soát bệnh truyền nhiễm; Chỉ kê và phát thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết; Kê và phát đúng thuốc kháng sinh cho từng loại bệnh.

Đối với các nhà làm luật và doanh nghiệp, cần củng cố công tác phát hiện sự kháng thuốc và khả năng của các phòng thí nghiệm; Quy định và khuyến khích sử dụng thuốc hợp lí; Tạo điều kiện cho các phát minh, nghiên cứu và phát triển các sản phẩm mới và khuyến khích hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các bên liên quan.

Các biện pháp quan trọng khác bao gồm ngăn chặn các bệnh truyền nhiễm xảy ra từ đầu bằng việc thực hiện tốt vệ sinh môi trường, tiếp cận nguồn nước sạch, khống chế nhiễm trùng trên cơ sở chăm sóc tốt sức khỏe và tiêm vaccin để làm giảm nhu cầu dùng kháng sinh.

Thu Hương

 


Ý kiến của bạn