Phân biệt say xe và ngộ độc thực phẩm khi trẻ đi dã ngoại
Trước đó, khi chở các học sinh đi dã ngoại, thấy các cháu có biểu hiện nôn, đau bụng nên tài xế nghĩ là say xe. Tuy nhiên theo TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai, nếu trường hợp trẻ say xe đa phần không thể có hiện tượng bị hàng loạt. Hơn nữa các cháu đều có các triệu chứng giống nhau như nôn, đau bụng. Nếu là say xe sẽ có cháu mệt, có cháu sẽ nôn. Tuy nhiên không thể xảy ra đồng loạt vừa đau bụng vừa nôn như trường hợp nêu trên. Cũng có thể trong nhóm các cháu cũng có dấu hiệu say xe kèm theo, khiến các cháu mệt hơn. Tuy nhiên, nếu gặp tình trạng trẻ đau bụng, buồn nôn hàng loạt khi đi dã ngoại, không nên nghĩ tới trường hợp say xe.
Biểu hiện ngộ độc thực phẩm
Triệu chứng thông thường của ngộ độc thực phẩm ở trẻ thường liên quan đến vấn đề tiêu hóa. Trong đó thường gặp các triệu chứng như: nôn, đau bụng, ỉa chảy. Tùy theo từng loại ngộ độc có thể gây sốt hoặc có các triệu chứng rối loạn về thần kinh. Mức độ biểu hiện của các triệu chứng còn phụ thuộc vào các chủng ngộ độc.
TS.BS Nguyễn Thành Nam - Giám đốc Trung tâm Nhi khoa – Bệnh viện Bạch Mai đưa ra cảnh báo cho phụ huynh.
Cha mẹ nên làm gì để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ở trẻ
Để hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm ở trẻ, chuyên gia khuyến cáo cha mẹ trước tiên phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ. Nên nhắc nhở và giám sát trẻ thực hiện tốt việc ăn chín, uống sôi.
Đặc biệt cần hướng dẫn trẻ vệ sinh, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, sau khi tiếp xúc các bề mặt và sau khi đi đường về. Khi trẻ có dấu hiệu bất thường như nôn, tiêu chảy kèm sốt sau khi tiếp xúc với các yếu tố có nghi ngờ phụ huynh nên đưa trẻ đến viện sớm để được thăm khám và điều trị kịp thời. Tránh việc trẻ bị mất nước nhiều, gây rối loạn điện giải. Trong trường hợp mất điện giải nhiều nếu không được sơ cứu kịp thời có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng.
Trước đó, vào 16 giờ ngày 28/03/2023, Trung tâm Nhi khoa - Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 38 bệnh nhi là học sinh lớp 2 Trường tiểu học Kim Giang. Các học sinh vào viện trong tình trạng: nôn nhiều, đau bung, mệt, một số học sinh có ỉa chảy, sốt. Tất cả 38 bệnh nhi đều có tình trạng mất nước, 70% có rối loạn điện giải các mức độ.
Với chẩn đoán mất nước, một số có rối loạn điện giải... tùy mức độ của từng bệnh nhi, các bác sĩ đã có chỉ định bù dịch kịp thời và theo dõi ngộ độc thực phẩm. Đến 21h cùng ngày, tất cả các bệnh nhi đã ổn định về mặt huyết động, điện giải, tình trạng nôn giảm. Các bác sỹ của Trung tâm đã điều trị, đánh giá lại bệnh nhân và cho về trong đêm 10 trường hợp.
Sau một ngày điều trị, vào cuối giờ chiều ngày 29/3 tất cả các bệnh nhi đã xuất viện.