Liên quan đến vụ việc đối tượng Nguyễn Hùng Cường ở quận Đống Đa, Hà Nội xông vào hành hung các y, bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vào rạng sáng ngày 28/5, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Đống Đa cho biết đang tiếp tục củng cố hoàn thiện hồ sơ để truy tố đối tượng Cường về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Tăng cường an ninh, đảm bảo công tác khám chữa bệnh
Trao đổi với PV báo Sức khỏe&Đời sống, sáng ngày 31/5, Thiếu tá Vũ Đại Sang, Đội phó Đội Điều tra tổng hợp, Công an quận Đống Đa cho biết, Cường đã ly hôn, hiện nuôi 3 con nhỏ, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, kiếm sống bằng nghề bán hàng xén trước cổng Bệnh viện Nhi Trung ương, chưa có tiền án, tiền sự. Về cách xử lý đối với hành vi của Cường, ông Sang cho rằng, trách nhiệm của đơn vị là xử lý đúng người, đúng tội, theo đó đang tiếp tục củng cố hồ sơ để truy tố đối tượng Nguyễn Hùng Cường về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Sáng 31/5, mọi hoạt động tại Khoa Cấp cứu, BV Nhi TW vẫn được duy trì tốt.
Theo ghi nhận của PV, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Trung ương - nơi xảy ra vụ việc, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường. PGS.TS. Lê Thanh Hải - Giám đốc bệnh viện cho biết, an ninh bệnh viện đã được tăng cường, thắt chặt. Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc hành hung y, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Về công tác an ninh, bệnh viện tiếp tục phối hợp tăng cường với công an phường Láng Thượng và quận Đống Đa theo quy chế đã được ký kết. Mặt khác, về phía bệnh viện cũng đã tổ chức họp nhắc nhở cán bộ trong việc tiếp đón, hướng dẫn và thăm khám điều trị cho bệnh nhân theo đúng quy trình, quy định. Nhất là những ngày hè nóng bức như hiện nay, tránh tâm lý sốt ruột của các bậc phụ huynh dẫn đến những vụ việc gây gổ, xô xát ngoài mong muốn xảy ra như thời gian qua.
TS. Trương Mai Hồng, Phó Trưởng khoa Cấp cứu chia sẻ, hàng ngày phải tiếp xúc trực tiếp với rất nhiều bệnh nhân, việc nhân viên y tế bị chửi bới, quát nạt vẫn thường diễn ra, hầu hết nhân viên ở đây phải nhã nhặn, phục vụ, chăm sóc bệnh nhi hết mình, tránh hết sức những va chạm không đáng có đối với các bậc phụ huynh khi có con em phải nhập viện.
Chia sẻ về các giải pháp để hạn chế những xung đột giữa người nhà bệnh nhân với nhân viên y tế, TS. Trương Mai Hồng cho rằng, phần lớn là do “văn hóa xếp hàng” của người dân chưa cao, luôn luôn đòi hỏi sự ưu tiên, nhanh và ngay mà quên tuân thủ các thủ tục theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Với các đối tượng có hành vi côn đồ xảy ra tại các cơ sở y tế trong cả nước nói chung và Bệnh viện Nhi Trung ương nói riêng, cần có các biện pháp can thiệp, xử lý nghiêm khắc của các cơ quan chức năng, nhằm tránh gây tâm lý hoang mang, lo sợ cho nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ cứu người.
Xử lý thế nào?
Trao đổi với luật sư Phạm Thành Tài, Văn phòng Luật sư Phạm Danh (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), ông Tài cho rằng: Đối với hành vi trên của đối tượng có thể xem xét vi phạm tại Điều 245 Bộ luật Hình sự về hành vi “Gây rối trật tự nơi công cộng”. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra củng cố hồ sơ của cơ quan chức năng, nếu hành vi chưa tới mức phải xử lý hình sự thì chỉ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Điều 5, Nghị định số 167/2013/NĐ-CP vi phạm quy định về trật tự công cộng.
Qua sự việc vừa diễn ra tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp mạnh với những kẻ bạo hành nhân viên y tế, cũng như phải có luật bảo vệ nhân viên y tế, trong đó quy định hình phạt nghiêm khắc cho những kẻ bạo hành. Cùng với đó, ngành y phải tuyên truyền cho người dân biết các vấn đề về y khoa, để họ có thể hiểu được những khó khăn mà ngành y thường phải đối mặt, quan tâm tới người bệnh, có cách giao tiếp phù hợp, tránh gây bức xúc cho người bệnh và gia đình họ. Mặt khác, ngành y cần cải tiến các quy trình, huấn luyện kỹ năng giao tiếp cho nhân viên y tế, xử lý nghiêm những nhân viên y tế có hành vi vòi vĩnh, vô cảm, không coi trọng quyền lợi của người bệnh.