Vụ Hãng sotheby’s bán tranh giả của Bùi Xuân Phái: Vụ kiện cần một điểm tựa

07-11-2008 09:18 | Văn hóa – Giải trí
google news

Việc họa sĩ Bùi Thanh Phương đang tiến hành kiện hãng đấu giá Sotheby's vì đã bán hai bức tranh giả mang tên họa sĩ Bùi Xuân Phái đã được sự ủng hộ về tinh thần của Hội mỹ thuật VN, nhưng vấp phải một thái độ dửng dưng vô cảm

Việc họa sĩ Bùi Thanh Phương đang tiến hành kiện hãng đấu giá Sotheby's vì đã bán hai bức tranh giả mang tên họa sĩ Bùi Xuân Phái đã được sự ủng hộ về tinh thần của Hội mỹ thuật VN, nhưng vấp phải một thái độ dửng dưng vô cảm, thậm chí bi quan của giới họa sĩ nước nhà đã khiến nhiều người lo lắng và bức xúc. Vấn đề đáng quan tâm nhất trong vụ việc này không phải là kết quả vụ kiện hay vị thế của mỹ thuật nước nhà trên trường quốc tế. Điều quan trọng nhất là: các nhà quản lý văn hóa nói riêng và xã hội nói chung có trở thành điểm tựa quốc gia cho nghệ sĩ để họ tự tin đòi công lý hay không?

Một môi trường văn hóa đáng báo động

Trước khi họa sĩ Bùi Thanh Phương bức xúc trước việc hãng đấu giá Sotheby's lợi dụng thương hiệu của cha mình để trục lợi, quyết tâm làm rõ trắng đen, dù có thể phải bán nhà đi để lo các chi phí cho vụ kiện, thì nạn làm tranh giả ở Việt Nam đã trở thành phổ biến, công khai. Đi dọc các phố Hàng Trống, Nguyễn Thái Học có thể thấy hàng chục gallery chuyên sao chép tranh giả các loại, từ tranh của các danh họa thế giới như Picasso, Matise, Vangoc... đến tranh của các họa sĩ trong nước. Món hàng này khá hấp dẫn các du khách vì với một khoản tiền nhỏ khoảng một trăm đô la trở lại, họ có thể có một bức sơn dầu sao chép kiệt tác của danh họa, một bức tranh mà nếu họ đặt làm tại nước họ, giá thành có thể cao gấp nhiều lần. Các chủ gallery thuê các sinh viên mỹ thuật hoặc một số nghệ nhân khéo tay ở các tỉnh mang tranh về sao chép, hoặc gia công ngay tại gallery mặt phố như một hình thức quảng cáo thu hút sự tò mò của khách du lịch đi qua. Mỗi ngày một gallery có thể sản xuất ra dăm bảy bức tranh giả. Họ sao chép tranh và bày bán công khai, trong đó có cả các tranh của các danh họa Việt Nam như Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân... Từ các gallery này, các tranh giả sẽ được đưa sang nước ngoài theo con đường của khách du lịch và các đường dây buôn tranh được thiết lập từ lâu năm.

 Quan họ - Tranh của Bùi Xuân Phái
Mấy năm trước đây công luận đã nóng lên trước sự phát triển của nạn làm tranh giả một cách chuyên nghiệp và công khai, các nhà quản lý văn hóa cũng đã đụng đậy chân tay để răn đe, ngăn cản. Nhưng rồi, cùng với những hân hoan trước các thành tích hội nhập và tăng trưởng, quốc nạn làm tranh giả dần dần trở nên bình thường trong mắt toàn xã hội. Không chỉ tranh giả, nạn đạo nhạc tràn lan, đĩa DVD của các phim nước ngoài tràn sang từ Trung Quốc bày bán công khai, ngang nhiên vi phạm bản quyền. Các vụ việc xâm phạm quyền tác giả trong các lĩnh vực văn học, mỹ thuật, âm nhạc, sân khấu và điện ảnh hầu hết đều xử lý nửa vời, đánh trống bỏ dùi chẳng đi đến đâu đã tạo cho xã hội một ấn tượng về sự bất lực trước các vấn đề bản quyền phức tạp. Tất cả những thực trạng đó dần dần tạo điều kiện hình thành một môi trường văn hóa trơ lỳ, vô cảm và bất chấp trước các vấn đề về bản quyền tác giả. Đó là căn nguyên tâm lý dẫn đến việc giới họa sĩ tỏ ý ngạc nhiên, bi quan hay hờ hững trước thông tin họa sĩ Bùi Thanh Phương định kiện công ty Sotheby's ra tòa.

Trách nhiệm của giới quản lý văn hóa?

Một số bài báo tỏ ý chê trách các họa sĩ Việt Nam đã không ủng hộ gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái theo đuổi vụ kiện này và cho rằng đây không chỉ là cuộc đấu tranh vì danh dự của họa sĩ Bùi Xuân Phái mà còn vì vị thế và uy tín của mỹ thuật Việt Nam trên thế giới. Thực ra, đây không chỉ là trách nhiệm của gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái nói riêng và giới mỹ thuật nói chung. Trách nhiệm trước hết trong những vụ việc kiểu này là thuộc về giới quản lý văn hóa. Họ có trách nhiệm xây dựng một môi trường văn hóa mới của thời hội nhập, ở đó không thể có chỗ cho sự thiếu hiểu biết hay bất chấp những nguyên tắc sử hữu trí tuệ, lại càng không thể có chỗ cho sự bão hòa, trơ lỳ, vô cảm trong vấn đề bản quyền tác giả. Trong môi trường văn hóa đó, không ai có thể ngang nhiên sản xuất và bày bán tranh giả công khai. Sau nữa, những nhà quản lý văn hóa phải có trách nhiệm quan tâm bảo vệ uy tín và quyền lợi của những danh họa Việt Nam nói riêng và uy tín văn hóa của Việt Nam nói chung. Nếu có người phát hiện thấy một hãng đấu giá tranh ở nước ngoài đã rao bán những bức tranh giả mang tên họa sỹ Bùi Xuân Phái, một họa sĩ được giải thưởng Hồ Chí Minh, thì các cơ quan quản lý văn hóa phải quan tâm tìm hiểu, hỗ trợ, tác động, hướng dẫn dư luận, thậm chí nghiên cứu xem gốc rễ văn hóa của những vụ việc này nằm ở đâu: có đường dây sản xuất và tiêu thụ tranh giả xuyên quốc gia không, phản ứng khác nhau của các họa sĩ trong vấn đề này có cho thấy một điều gì đó cần quan tâm trong chiều sâu các mối quan hệ buôn bán và nghề nghiệp của giới mỹ thuật hay không?

Tiếc rằng dư luận nói chung và giới quản lý văn hóa nói riêng vẫn chỉ khai thác vào khía cạnh pháp lý của vụ việc mà chưa quan tâm đúng mức tới khía cạnh văn hóa và quản lý văn hóa. Vì thế, người ta vẫn chỉ thấy gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái đơn thương độc mã kêu cứu và chuẩn bị tiến hành vụ kiện trước những lời bàn chùn, bi quan hay dọa dẫm của đồng nghiệp, mà chưa thấy các nhà quản lý văn hóa vào cuộc rõ ràng với một nhãn quan và trách nhiệm ở tầm quốc gia. Nếu họa sĩ Bùi Thanh Phương vì đau trước việc những bức tranh thật của cha ông được bán với giá thấp hơn các tranh giả, phẫn nộ trước việc lợi dụng tên tuổi của người khác để trục lợi mà quyết tâm khởi kiện hãng Sotheby's bằng mọi giá, thì vụ kiện đó cần phải có một điểm tựa quan trọng là sự tự trọng và bản lĩnh văn hóa của một quốc gia.
 
Chung Nguyễn

Ý kiến của bạn