Những ngày qua, dư luận không khỏi xôn xao khi Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã chính thức khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp tạm giam 5 bị can liên quan đến Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt.
Các bị can bị khởi tố gồm: Nguyễn Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Asia Life về tội "Sản xuất hàng giả là thực phẩm"; Nguyễn Thị Thái Hằng (Hằng Du mục - Chủ tịch HĐQT), Lê Tuấn Linh (Giám đốc), Phạm Quang Linh (Quang Linh Vlogs - là cổ đông, thành viên HĐQT) và Lê Thành Công (là cổ đông, thành viên HĐQT) cùng thuộc Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt, cùng về tội "Lừa dối khách hàng".

Cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã chính thức khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp tạm giam 5 bị can liên quan đến Công ty CP Asia Life và Công ty CP Tập đoàn Chị Em Rọt.
Liên quan đến vụ việc trên, trao đổi với Gia đình và Xã hội, TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, việc cơ quan điều tra khởi tố Phạm Quang Linh, Nguyễn Thị Thái Hằng là điều không bất ngờ vì trước đó các cơ quan truyền thông đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của nhóm người này, đặc biệt là chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, quảng cáo gian dối, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng.
Quá trình xác minh sự việc đến nay cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy những người này đã có hành vi sản xuất hàng giả (giả về chất lượng, giả về suất xứ hàng hóa, về nhãn mác…) nên đã tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và bắt tạm giam với năm bị can về các tội danh sản xuất hàng giả và lừa dối người tiêu dùng để xử lý bằng chế tài hình sự.

TS.LS Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP Hà Nội).
Dưới góc độ pháp lý, theo quy định tại khoản 7 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về hàng giả thì “hàng giả” có nhiều loại, trong đó bao gồm: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa; Tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả.

Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs và hoa hậu Thùy Tiên trong một buổi livestream quảng cáo kẹo Kera.
Bởi vậy trường hợp cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy những người này đã sản xuất hàng giả là kẹo Kera, có thể là giả về về tem, nhãn, bao bì, về sở hữu trí tuệ, giả về công dụng, tác dụng sản phẩm (không đảm bảo giá trị trên 70% chất lượng so với công bố), giả về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa hoặc có các hành vi làm giả khác thì sẽ xử lý hình sự về tội sản xuất hàng giả là lương thực theo điều 193 bộ luật hình sự.
Người thực hiện hành vi sản xuất hàng giả là lương thực, thực phẩm sẽ phải đối mặt với hình phạt thấp nhất là từ 2 - 5 năm tù, nếu có tổ chức, thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, khung hình phạt có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí tù chung thân theo quy định tại Điều 193 bộ luật hình sự.
Bên cạnh đó, những ai biết sản phẩm là hàng giả nhưng vẫn tiếp tay quảng bá, bán hàng cũng sẽ bị xử lý với vai trò đồng phạm. Toàn bộ số tiền thu lợi bất chính sẽ bị tịch thu sung công quỹ. Cơ quan điều tra sẽ làm rõ giá trị số hàng giả đã sản xuất và bán ra thị trường và các tình tiết khác của vụ án để xác định khung hình phạt mà các bị can phải đối mặt trong vụ án này.

Những nội dung mà các bị can quảng cáo, so sánh một viên kẹo với đĩa rau, so sánh với thịt bò, làm người xem hiểu lầm...
Nếu cơ quan chức năng xác định việc bán hàng hóa có gian dối trong việc cân, đong, đo, đếm hoặc có gian dối khác làm cho người tiêu dùng mua hàng hóa kém chất lượng thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên thì hành vi này cũng có thể xử lý hình sự về tội lừa dối người tiêu dùng theo quy định tại điều 198 bộ luật hình sự.
Cụ thể tội danh và hình phạt được quy định như sau: Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;
Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Với những nội dung mà các bị can quảng cáo, so sánh một viên kẹo với đĩa rau, so sánh với thịt bò, làm người xem hiểu lầm theo hướng có thể ăn kẹo thay các thực phẩm khác, đưa ra những thông tin thổi phồng công dụng của sản phẩm thì cho thấy đây là hành vi gian dối, vì gian dối mà thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng trở lên thì có đủ căn cứ để xử lý hình sự về tội lừa dối người tiêu dùng.
Thời gian qua không ít những người trẻ tuổi nhanh chóng nổi tiếng trên mạng xã hội nhờ vào thuật toán, nhờ vào xu hướng công nghệ. Nhiều người nổi tiếng nhưng không có học thức, thiếu ý thức chấp hành pháp luật nên có những hành vi lệch chuẩn, phản cảm.
Những người này thường là những người tự do, không thuộc cơ quan tổ chức nào cả đến việc quản lý những người này đang có những khó khăn, không ít người vì thiếu sự quản lý của nhà nước, của xã hội, thiếu ý thức chấp hành pháp luật và sẵn sàng thực hiện các hành vi quảng cáo sai sự thật, bán hàng giả, hàng nhái và tiếp tay cho các hoạt động và luật thương mại, lừa dối khách hàng.