Vụ gian lận thi cử: Đang điều tra “phụ huynh có đưa tiền hay không?”

04-06-2019 11:04 | Xã hội
google news

SKĐS - Chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nêu vụ gian lận tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 gây bức xúc dư luận, nhiều cán bộ có hành vi can thiệp nâng khống điểm cho thí sinh.

Đại biểu băn khoăn vì sao có vụ giao thẩm quyền cho công an địa phương điều tra xử lý, có vụ lại do cơ quan điều tra của Bộ Công an tiếp nhận làm rõ?

Việc giao cho công an địa phương điều tra vụ gian lận xảy ra trên địa bàn có khách quan hay không? Nếu có dấu hiệu không khách quan thì Bộ công an có cùng phối hợp với VKSNDTC đề nghị chuyển thẩm quyền điều tra vụ việc hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, cơ quan chức năng đã khởi tố 3 vụ án, 16 bị can liên quan đến vụ gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018. Cơ quan điều tra đã kết luận hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn can thiệp nâng điểm theo tội danh. Qua điều tra cũng làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm.

Để đảm bảo yêu cầu về thời gian theo luật định, công an trước mắt kế luận, đề nghị truy tố các bị can được xác định rõ hành vi phạm tội. Còn vấn đề phụ huynh có hành vi đưa tiền cho bị can hay không, các bị can có nhận tiền để nâng điểm hay không đang được cơ quan điều tra làm rõ, củng cố hồ sơ và công bố khi có kết quả.

Buổi công bố quyết định khởi tố bị can Lò Văn Huynh trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La - Ảnh Internet.

Đại tướng Tô Lâm cũng cho biết, trong 3 vụ thì có 2 vụ ở Sơn La và Hà Giang do công an địa phương điều tra theo thẩm quyền, VKSND địa phương kiểm sát theo quy định.

Riêng vụ xảy ra ở Hòa Bình, nhận thấy đây là loại tội phạm mới, theo đề nghị của địa phương thì Cơ quan điều tra Bộ Công an tiếp nhận để có kinh nghiệm trực tiếp.

Người đứng đầu ngành công an cũng nhấn mạnh, do tính chất các vụ án nên Bộ Công an luôn quan tâm chỉ đạo, giám sát điều tra xử lý đúng người, đúng tội cho dù đã giao xử lý theo thẩm quyền.

“Hiện chưa thấy hiện tượng điều tra xử lý không khách quan hay để lọt người, lọt tội. Bộ Công an cùng VKSND tối cao và VKSND địa phương giám sát vấn đề này” – Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.

Liên quan đến vụ gian lận thi cử, ngày 3/6, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung về kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, căn cứ quy định của Đảng về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ủy ban kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đồng chí Phạm Văn Thủy - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo thi THPT; khiển trách đồng chí Cầm Ngọc Minh - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Hoàng Tiến Đức - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, Chủ tịch Hội đồng, Trưởng Ban chấm thi THPT; yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La và đồng chí Hoàng Văn Chất - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và sớm có biện pháp khắc phục, sửa chữa trong thời gian tới.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình khẩn trương tiến hành kiểm tra, kiểm điểm, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, báo cáo UBKT Trung ương.

Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định, chủ trương của Bộ Công an là giảm tội phạm, từ những tháng đầu năm 2019 giảm gần 3% số vụ phạm pháp hình sự. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo đồng bộ các giải pháp thực hiện mục tiêu này và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn không ít tồn tại, thách thức đặt ra trong công tác đảm bảo an ninh trật tự trong phòng, chống tội phạm.

D.Hải
Ý kiến của bạn