Có một câu cách ngôn vẫn thường được vận dụng vào cuộc sống, nhất là khi sự phải trái ngày càng trở nên khó phân định. Đó là câu "Chân lý thuộc về kẻ mạnh".
Vâng, "Chân lý thuộc về kẻ mạnh" - dường như ngày càng có nhiều người tin là vậy. Câu chuyện có thể được dùng để minh họa cho câu cách ngôn này chính là câu chuyện ngụ ngôn sau đây của La Fontaine (tôi kể lại đại ý theo trí nhớ): Một con sói thèm ăn thịt một con cừu non. Nó bèn tìm cách gây sự. Đầu tiên nó nạt nộ, rằng: "Thằng cừu kia, tại sao mày dám làm đục nguồn nước tao uống". Chú cừu nghe vậy thẽ thọt: "Thưa ông sói, cháu uống nước nguồn dưới; ông ở nguồn trên; làm sao cháu làm đục nguồn nước của ông được". Sói ta tiếp tục bắt bẻ: "Nghe nói, năm ngoái mày nói xấu tao". Đến nước này thì cừu ta chỉ biết kêu lên: "Thưa ông, bố mẹ cháu sinh ra cháu trong năm nay, làm sao cháu lại có thể nói xấu ông từ năm ngoái được". Sói ta nghe vậy, đuối lý. Không làm gì được, nó đành nói toạc ý đồ của mình: "Thôi khỏi nói nhiều, tao đang thèm ăn thịt mày đây".
Trong xử sự giữa người với người, giữa một quốc gia với một quốc gia, hiện không hiếm trường hợp người ta cậy vào sức mạnh của cơ bắp, của đồng tiền, của vũ khí... để xử sự với nhau theo lối "bất cần lý lẽ", kiểu như câu chuyện con sói già và chú cừu non nói trên. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống cũng cho thấy, không phải lúc nào chân lý cũng thuộc về kẻ mạnh, nếu không muốn nói, từ bao đời nay, nền tảng văn hóa tinh thần của xã hội đã xây dựng nên một hướng suy nghĩ rất nhân văn: Đó là dư luận luôn đứng về những phận người nhỏ bé, chịu nhiều thiệt thòi vì bị áp bức, bắt nạt.
Câu chuyện về dư luận quốc tế xung quanh việc Trung Quốc cho hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam là một ví dụ.
Ai cũng biết, Trung Quốc hiện là quốc gia đông dân nhất thế giới. Bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc cũng vào hàng "khủng" và khá có "nghề". Vậy nhưng tại sao đến nay, vụ việc diễn ra đã tới cả tháng rồi, và mặc dù phía Trung Quốc luôn tìm cách đổi trắng thay đen, luôn miệng vu khống tàu thuyền Việt Nam gây hấn và đâm va tới hàng mấy trăm lần vào tàu Trung Quốc, song dư luận quốc tế trước sau đều đồng loạt lên tiếng phê phán, rằng Trung Quốc đang có những bước leo thang nguy hiểm, với cách hành xử vô nhân đạo, mang tính bắt nạt đối với Việt Nam.
Vì rằng, chuyện Trung Quốc đối xử thế nào với những nước láng giềng xung quanh chuyện đất cát, biển đảo thì tới nay, dường như bàn dân thiên hạ đều thấy cả rồi. Thứ nữa, lẽ thường ở đời, chỉ những nước có tiềm lực mạnh mới dám có những hành xử mang tính bắt nạt, ức hiếp nước yếu, chứ có đâu ngược lại? Đó là lý do để nhiều học giả trên thế giới, dù có thể họ chưa một lần đến hiện trường tìm hiểu xem thực hư thế nào, ai đang khiêu khích ai, song họ vẫn không ngại ngần lên tiếng ủng hộ Việt Nam bởi đối với họ, việc Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974, chuyện Trung Quốc đưa ra yêu sách "đường lưỡi bò" hết sức ngang chướng nhằm độc chiếm Biển Đông… đã đủ nói lên ý đồ của một nước "lớn mà chưa lớn".
Nhân đây, cũng xin dẫn lại một ý trong cuộc trả lời phỏng vấn của ông Nguyễn Quốc Cường - Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - với nữ nhà báo Christiane Amanpour trên kênh CNN. Sau khi nghe bà Amanpour dẫn lời ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ cho rằng, phía Trung Quốc chỉ có duy nhất một giàn khoan (tức giàn khoan Hải Dương 981), trong khi Việt Nam có hơn 30 giàn, ông Cường cho rằng với lập luận này, Trung Quốc đang tìm cách tạo ra thực tế mới bằng cách thay đổi hiện trạng, cố biến khu vực không có tranh chấp thành có tranh chấp.
Ông Cường khẳng định: "Về việc khai thác dầu khí, chúng tôi đã làm nhiều thập kỷ qua, nhưng nó nằm trong vùng thềm lục địa, đặc quyền kinh tế của Việt Nam, không phải trong vùng biển tranh chấp. Nhiều công ty nước ngoài đang hợp tác làm ăn với Việt Nam để khai thác dầu khí". Đến đây, vị Đại sứ không quên đặt ngược câu hỏi với nữ nhà báo Amanpour: "Bà có tin họ (tức các công ty nước ngoài) sẽ làm điều đó nếu họ nghĩ nó nằm trong khu vực tranh chấp hay không?". Cũng theo ông Cường, năm 2012, Trung Quốc cũng đã mời thầu quốc tế các lô dầu trên vùng thềm lục địa Việt Nam, nhưng không có công ty nước ngoài nào tham gia.
Câu hỏi ngược và cách lập luận, phân tích của Đại sứ Nguyễn Quốc Cường cho thấy một sự thật hiển nhiên: Lẽ phải thuộc về chúng ta. Nó tương tự như câu chuyện trong ngụ ngôn La Fontaine mà tôi nhắc tới ở đầu bài viết. Tức là, dù chú cừu non có sinh ra từ năm trước thì trong thực tế, nó chẳng dại gì gây hấn với "ông sói" để mua họa vào mình. Cũng vậy, chẳng công ty nước ngoài nào lại dại dột hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở khu vực mà hiển nhiên thuộc về Trung Quốc.
Qua việc dư luận quốc tế lên tiếng ủng hộ Việt Nam, chúng ta càng thấy rõ: Chân lý là sự thật hiển nhiên chứ không phải là cái… "lý" không "chân" như ai đó đã nói một cách bi quan
- Vụ giàn khoan HD981:Không dễ dàng…bẻ một bó đũa
- Dư luận thế giới về vụ dàn khoan HD981
- Hai “quả đấm thép” của Cảnh sát biển sẽ tiếp cận giàn khoan 981
- Giàn khoan 981 đã khoan xuống đáy biển Việt Nam chưa?
- Triệu hồi Tổng lãnh sự Trung Quốc để phản đối việc đặt giàn khoan 981
- Nỗi tủi hổ của giàn khoan HD 981
- Cận cảnh tàu tuần tra lớn nhất Việt Nam điều ra giàn khoan
- Đề nghị Trung Quốc rút giàn khoan HD 981
- Cảnh sát biển điều tàu tuần tra lớn nhất ra khu vực Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép
- Hai ý đồ chiến lược của Trung Quốc trong vụ đặt giàn khoan HD-981
- Trung Quốc tăng phạm vi cấm quanh vị trí đặt giàn khoan 981
- Trung Quốc "cảnh báo" bình luận của Mỹ về biển Đông
- Chào cờ xếp hình Tổ quốc hướng về Biển Đông
- Báo chí thế giới lên án hành động của Trung Quốc ở Biển Đông
- ASEAN ra tuyên bố lịch sử về biển Đông
- "Biển Đông căng thẳng, ASEAN cần đoàn kết và có phản ứng chung"
- Các ngoại trưởng ASEAN quan ngại tình hình ở Biển Đông
- "Trung Quốc đang biến Biển Đông thành nồi nước sôi”
- Nga tuyên bố không khoan dầu cùng Trung Quốc
- Cư dân mạng Trung Quốc phê phán cách hành xử của chính quyền Bắc Kinh
- Người tiêu dùng và tiểu thương tẩy chay, ngừng bán hàng Trung Quốc
- Lộ diện nhóm hacker Trung Quốc
- Người lao động Bình Dương xuống đường phản đối Trung Quốc