Mới đây nhất, ngày 18/6 chiếc F-18 của Hải quân Mỹ đã bắn hạ chiến đấu cơ SU-22 của Syria khi nó đang không kích một vị trí của lực lượng đối lập do Mỹ hậu thuẫn.
Đó là lý do do phía Hoa Kỳ đưa ra, và đương nhiên thì phía Syria sẽ tuyên bố chiếc máy bay của mình đang làm nhiệm vụ tấn công quân của Nhà nước Hồi giáo (ISIS.) Tranh cãi không bao giờ đi đến hồi kết, chỉ thấy có một điều rất rõ ràng…
Đó là thông báo của Hoa Kỳ hoàn toàn không có ý định úp mở, che đậy gì: hành động bắn máy bay quân Chính phủ Syria để hậu thuẫn lực lượng đối lập vẫn được nước này ủng hộ. Đây là một lời giải đáp cực kỳ đơn giản và dễ hiểu cho bất cứ câu hỏi nào xung quanh tương lai của cuộc nội chiến Syria: Hoa Kỳ chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu của mình là “không ủng hộ một nước Syria dưới sự cầm quyền của al-Assad.” Cũng có thể hiểu sâu xa hơn, một cách gián tiếp Hoa Kỳ vẫn tuyên bố rằng để có một nền hòa bình ở đất nước này, điều kiện tiên quyết là “Assad phải ra đi.”
Câu chuyện quốc tế không chỉ dừng ở đó – ở đây dư luận bao giờ cũng sẽ hướng tới một “nhân vật” thứ ba, là nước Nga hay Tổng thống của nước này, ông V. Putin. Từ trước đến nay, Nga vẫn thể hiện một cách công khai sự ủng hộ đối với chế độ của ông al-Assad và với chiến dịch không kích kéo dài từ cuối năm 2015, vai trò của Nga đối với tiến trình ngừng bắn để đạt được hòa bình ở Syria không còn phải bàn cãi.
Chúng ta hãy nhớ lại sự kiện cuối năm 2015, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc SU-24 của Không quân Nga vì lý do “xâm phạm không phận” thì Nga đã tuyên bố và sau đó tiến hành trên thực tế, việc triển khai một hệ thống phòng không mạnh trên lãnh thổ Syria để đảm bảo an toàn cho các chuyến bay của không quân mình cũng như đồng minh al-Assad. Có những thông tin cho biết rằng Nga còn triển khai cả một số giàn tên lửa phòng không tối tân nhất S-400, được mệnh danh là “Nỗi khiếp sợ của mọi kẻ thù trên không” (theo các báo Việt Nam).
Bình luận về sự kiện này, một số chuyên gia quân sự lão luyện Việt Nam đánh giá, Nga chỉ mất một chiếc cường kích cũ, nhưng lại triển khai được cả một hệ thống phòng không tối tân, hiệu quả, như vậy kiểm soát được cả một vùng trời rộng lớn trong khu vực, đẩy các đối thủ Phương Tây vào thế yếu, mất chủ động. Điều đó cũng có nghĩa là từ đây, máy bay của Phương Tây lúc nào cũng bay dưới sự kiểm soát, theo dõi “kè kè” của bộ đội phòng không Nga. Một số diễn đàn về quân sự trong nước (Việt Nam) cũng say sưa tán thưởng, rằng “kỳ này các “vật thể bay” của Phương Tây có mà rụng như sung trên bầu trời Syria.”
Thế nhưng đến đầu năm 2017, Hoa Kỳ “thản nhiên” bắn đến 59 quả Tomahawk vào một căn cứ quân sự của quân đội Chính phủ Syria vì lý do nước này “sử dụng vũ khí hóa học chống lại dân thường.” Người ta nhận thấy đường bay của các tên lửa từ tàu chiến đến mục tiêu, qua đúng vùng bao phủ của tên lửa phòng không Nga, nhưng không có bất cứ một chứng cứ nào cho thấy đã có sự can thiệp của S-300 hoặc S-400 gì đó. Các bình luận chuyển sang một thông tin khác là xác suất trúng đích quá thấp của vụ tấn công: chỉ có 23 quả tên lửa trúng mục tiêu, số còn lại không biết… bay đi đâu mất. Lại các diễn đàn quân sự trong nước ta “kháo” nhau rằng Nga có một loại khí tài bí mật gì đó, “lái” được hay “túm” được Tomahawk của Mỹ đem về nhà để nghiên cứu.
Và bây giờ, vụ thứ ba – lần này lại là máy bay bắn hạ nhau và vì đã thiết lập chế độ thông báo giữa hai bên, chắc hẳn việc bắn hạ máy bay của Syria đã được Hoa Kỳ thông báo cho phía Nga trước rồi. Theo nguồn tin chưa chính thức, phía Nga đã lên tiếng rằng “sẽ bắn hạ máy bay của Hoa Kỳ.” Chúng ta hãy nhớ rằng sau vụ “59 quả Tomahawk” giới chức quân sự Nga cũng đã có phát biểu tương tự “hứa sẽ bảo vệ vùng trời Syria” hay nói cách khác là bảo vệ các chuyến bay của không quân Syria khỏi bị tấn công.
Vậy sự bảo vệ đó đâu?
Từ góc độ cá nhân, tôi không cho rằng Nga tuyên bố chính thức việc “sẽ bắn hạ máy bay Mỹ” là chuyện khôn ngoan và có thật, hoặc nếu có cũng chỉ từ những quan chức cấp thấp. Hiện nay, phát ngôn chính thức mới chỉ có từ ngoại trưởng Nga, ông S. Lavrov rằng, trong bối cảnh sẽ có một vòng đàm phán mới về hòa bình cho Syria sẽ diễn ra ở Astana (Kazakhstan) ngày 10/7 tới đây, thì Hoa Kỳ nên tôn trọng sự toàn vẹn của Syria – theo nguồn của các cơ quan thông tấn Nga.
Như vậy tôi không hề nghi ngờ hiệu lực cũng như việc có mặt hay không có mặt của lực lượng phòng không Nga trong khu vực, nhưng tôi nghiêng về hướng cho rằng, đến nay thì cả Nga và Hoa Kỳ cũng đều coi Chính phủ al-Assad cũng chỉ là một trong các bên tham chiến sẽ phải ngồi vào bàn đàm phán ngừng bắn và lập lại hòa bình cho đất nước, chứ không còn là giúp một Chính phủ hợp hiến, bảo vệ một đất nước có chủ quyền.
Về quan hệ quốc tế, nếu tiếp tục tuyên bố giúp một Chính phủ hợp hiến, bảo vệ chủ quyền của đất nước để chống lại một quốc gia khác, sẽ không khác gì một hành động tuyên chiến, tuyên bố chiến tranh với nước đó.
Hiện nay, nếu xét về chính trị thì việc Tổng thống D. Trump “được cho là” thân với Tổng thống Nga V. Putin, nhưng những tác động của Nga đến kỳ bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ cuối năm ngoái hay không, vẫn còn đang trong giai đoạn điều tra và rất “nhạy cảm” với ông Trump. Mọi hành động thân thiết hơn, hoặc thù địch hơn – đều trở nên bất lợi cho quan hệ Nga – Mỹ nói chung, quan hệ Putin – Trump nói riêng.
“Đường dây nóng” được Nga và Mỹ thiết lập để thông báo cho nhau về các hoạt động bay trên bầu trời Syria, cũng chính để tránh những xung đột không cần thiết. Do đó mà sau “vụ 59 quả Tomahawk” đường dây này bị Nga đơn phương cắt nhưng chỉ một thời gian ngắn, nó lại được hoạt động trở lại.
Bằng hành động bắn hạ máy bay SU-22 của Syria lần này, Hoa Kỳ đã cho thấy dù tình thế chính trị và quan hệ của các nguyên thủ ra sao thì lợi ích quốc gia vẫn luôn luôn được đặt lên hàng đầu. Và cũng chuyện này cho chúng ta thấy, con đường đi đến hòa bình cho đất nước Syria còn xa, rất xa.