Mặc dù đã được giải cứu thành công nhưng những thành viên của đội bóng sẽ phải đối mặt với một loạt rối loạn về thể chất và tâm lý do phải chịu đựng nhiều ngày trong hang sâu tối, chật hẹp, thiếu oxy, thực phẩm... Một trong những rối loạn về tâm lý mà các thành viên đội bóng dễ gặp phải là rối loạn stress sau sang chấn.
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) được đặc trưng bởi sự gia tăng căng thẳng và lo lắng sau khi tiếp xúc với một sự kiện chấn thương tâm lý. Sự kiện chấn thương tâm lý xảy ra khi bệnh nhân là nạn nhân hoặc phải chứng kiến một tai nạn (tai nạn xe hơi, cháy nhà) hoặc tội ác khủng khiếp (giết người), các trận đánh, bị hành hung, bị bắt cóc, bị tra tấn, nạn nhân của một thảm họa tự nhiên (như động đất, sóng thần...), được chẩn đoán là mắc bệnh hiểm nghèo, bị lạm dụng tình dục...
Rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) là các rối loạn phát sinh sau chấn thương tâm lý từ vài tuần đến vài tháng, tối đa là 6 tháng.
Tỉ lệ của PTSD trong cuộc đời là khoảng 8% dân số nói chung, tỷ lệ ở nữ là 10% và ở nam là 4%. Phản ứng của con người đối với stress rất khác nhau. Có bệnh nhân có nhiều triệu chứng, nhưng ngược lại có những bệnh nhân chỉ có một số triệu chứng mà thôi.
Các thành viên của đội bóng cần được sự chăm sóc y tế sau khi được giải cứu thành công.
Triệu chứng của PTSD
Các bệnh nhân bị PTSD thường có ba nhóm triệu chứng sau:
Các triệu chứng xâm nhập sau chấn thương: Triệu chứng xâm nhập cổ điển là hồi tưởng, trong đó các cá nhân có thể cảm thấy và hành động như thể chấn thương đang tái diễn. Triệu chứng xâm nhập khác bao gồm những ký ức đau buồn hay những giấc mơ và những phản ứng căng thẳng khi tiếp xúc với các kích thích được liên kết đến các chấn thương. Rối loạn có thể đặc biệt nghiêm trọng và kéo dài khi các stress là do con người gây ra như tra tấn và cưỡng hiếp. Các sự kiện chấn thương tâm lý được sống lại và hành vi của bệnh nhân giống như tại thời điểm xảy ra chấn thương tâm lý. Hoặc khi gặp biểu tượng gợi lại chấn thương tâm lý thì phản ứng tâm lý của bệnh nhân thường rất mạnh mẽ.
Tránh các kích thích liên quan đến chấn thương: Các triệu chứng này bao gồm những cố gắng để tránh các suy nghĩ đến chấn thương, giảm khả năng ghi nhớ các sự kiện liên quan đến chấn thương, cảm giác bị bỏ rơi và không có tương lai. Con người phản ứng lại các sự kiện chấn thương tâm lý này bằng hoảng sợ mãnh liệt, sợ mất sự giúp đỡ hoặc bằng các hành vi kích động, hỗn loạn. Bệnh nhân xa lánh các sự kiện chấn thương, tránh suy nghĩ hoặc thảo luận về chấn thương. Họ luôn có cảm giác thiếu hụt trong tương lai, luôn sợ khó kết hôn, không có con, không có cuộc sống gia đình bình thường...
Tăng các triệu chứng kích thích: Các triệu chứng của tăng kích thích bao gồm mất ngủ, khó chịu, tăng sự cảnh giác và giật mình. Bệnh nhân khó ngủ hoặc khó vào giấc ngủ họ hay cáu gắt quá mức, luôn than phiền khó tập trung chú ý. Đôi lúc họ có các mảng hồi tưởng, nghĩa là nhớ lại miễn cưỡng hoàn cảnh chấn thương tâm lý. Có người than phiền về những cơn ác mộng xuất hiện dai dẳng. Vì thế nhiều người dễ sa vào nghiện rượu và ma túy để tìm cách chóng quên sự kiện chấn thương tâm lý.
Tiến triển và tiên lượng của PTSD
Rối loạn stress sau sang chấn có thể kéo dài từ vài tháng đến hơn 30 năm. Nếu không điều trị, 30% số bệnh nhân khỏi hoàn toàn, 40% có các triệu chứng mức độ nhẹ và 20% có các triệu chứng mức độ vừa, 10% có các triệu chứng mức độ nặng. Sau 1 năm, tỷ lệ tự khỏi là 50%.
Nói chung, trẻ em có khó khăn hơn khi đối phó với sự kiện chấn thương so với người ở độ tuổi trung niên. Ví dụ, khoảng 80% số trẻ em bị bỏng sẽ có triệu chứng của PTSD sau 1 hoặc 2 năm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở người lớn chỉ là 30%. Có lẽ, trẻ em chưa có cơ chế đối phó đủ tốt đối với các yếu tố như những lời trêu chọc, lăng mạ gây tổn thương về thể chất và tình cảm như người trưởng thành.
Điều trị PTSD
Điều trị bằng thuốc: Ngày nay, các thuốc chống trầm cảm SSRI được sử dụng rộng rãi trong điều trị PTSD. Hiệu quả tối đa của thuốc xuất hiện sau 12 tuần điều trị. Tuy nhiên như đó nói trên, bệnh PTSD cần được điều trị lâu dài, từ 6 - 18 tháng. Có trường hợp bệnh mạn tính phải điều trị trong nhiều năm. Các thuốc hay dùng là sertralin, fluvoxamin, paroxetin, fluoxetin...
Thuốc chống trầm cảm ba vòng thường dùng là clomipramin. Sau bốn tuần điều trị bằng thuốc chống trầm cảm ba vòng, bệnh nhân giảm trầm cảm, lo âu, ngủ tốt, giảm ác mộng, nhưng các triệu chứng xa lánh không thuyên giảm. Sau 8 tuần điều trị triệu chứng xa lánh mới thuyên giảm rõ rệt.
Liệu pháp tâm lý: Các kỹ thuật khác nhau của liệu pháp nhận thức và hành vi đang được sử dụng rộng rãi trong điều trị bệnh PTSD. Cả liệu pháp hành vi và liệu pháp nhận thức chỉ cho kết quả rõ ràng khi áp dụng điều trị 6 tháng. Nói chung liệu pháp nhận thức và hành vi phải được tiến hành trong một năm mới cho hiệu quả tối đa. Người ta có thể kết hợp với điều trị bằng thuốc để tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân PTSD.