Múa Tắc Xình là một nét độc đáo của người Sán Chay trong lễ hội cầu mùa. Đây là điệu múa tập thể, từ những động tác trong lao động sản xuất và sinh hoạt hàng ngày như xúc tép, bắt cá, tra hạt, đuổi thú, phát nương... và những công cụ lao động sản xuất mà người Sán Chay đã sáng tạo, cách điệu thành vũ điệu để phục vụ sinh hoạt văn hoá cộng đồng.
Múa Tắc xình được hình thành và phát triển trên 900 năm cùng với tiến trình hình thành và phát triển cộng đồng người Sán Chay ở Việt Nam nói chung và huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên nói riêng. Điệu múa Tắc xình là một hình thức biểu diễn đã được bảo tồn và truyền từ người Sán Chay cho các thế hệ.
Bên cạnh việc thể hiện ước nguyện của con người, cầu thời tiết thuận lợi, muôn loài sinh sôi, lúa ngô được mùa, cầu cho bản làng bình yên, hạnh phúc, vũ điệu cũng thể hiện đạo lý nhớ ơn tổ tiên, mối quan hệ thế hệ trước và thế hệ sau, thắp lên niềm tin, khát vọng chinh phục thiên nhiên của người dân lao động.
Trải qua những thăng trầm của thời gian, múa Tắc Xình vẫn giữ nguyên được nét độc đáo và đậm bản sắc dân tộc của người Sán Chay. Múa Tắc Xình hội tụ được đủ các yếu tố của hình thức biểu diễn dân gian thể hiện ở chỗ: Trang phục nguyên gốc, nhạc cụ chủ yếu là bộ gõ bằng tre, nứa và một số nhạc cụ khác bổ trợ.
Điệu nhảy đơn giản, âm thanh vui nhộn, là không gian để cho mọi người vui vẻ sau những ngày lao động mệt nhọc.