Vũ đạo tồi, ca sĩ thành rối cạn

29-06-2013 07:15 | Văn hóa – Giải trí
google news

Sự lên ngôi của các dòng nhạc thị trường đòi hỏi ca sĩ ngoài có giọng hát hay còn phải giỏi vũ đạo bởi yếu tố trình diễn chiếm một phần quan trọng thu hút sự chú ý của khán giả.

Sự lên ngôi của các dòng nhạc thị trường đòi hỏi ca sĩ ngoài có giọng hát hay còn phải giỏi vũ đạo bởi yếu tố trình diễn chiếm một phần quan trọng thu hút sự chú ý của khán giả. Thế nhưng, thị trường ca nhạc Việt Nam hiện nay có quá ít ca sĩ có khả năng vũ đạo tốt. Nhún nhảy đơn điệu, quờ quạng vô hồn hoặc vung tay, chân loạn xị, giật lắc như lên đồng là những gì thường thấy khi các ca sĩ đứng trên sân khấu.

 “Căn bệnh” cũ

Đó là nhận xét của nhiều người khi nói về khả năng vũ đạo của dàn ca sĩ Vpop hiện nay. Quả thật, chúng ta không có nhiều ca sĩ có thể thực hiện thành công một tiết mục hoàn hảo, mang đầy đủ tính chất vừa hát vừa trình diễn vũ đạo. Thay vào đó, thị trường lại đang tồn tại rất nhiều ca sĩ ngoài hát ra chỉ biết khua chân múa tay tứ tung hoặc nhún nhảy vô tội vạ khi đứng trên sân khấu. Nếu các ca sĩ Kpop có thể nhảy đều như máy cùng khả năng truyền cảm hứng cực tốt qua động tác hình thể thì ở ta, phần lớn ca sĩ chỉ có thể thể hiện vài động tác vô hồn, bản năng mà không hề có sự đầu tư tập luyện. Đó cũng là lý do khiến Vpop gần như chưa bao giờ có đủ sức tạo lửa trên sân khấu nhờ khả năng vũ đạo khiến các sản phẩm âm nhạc của ca sĩ ta nhanh chóng trôi tuột ra khỏi tâm trí của người xem trước một mớ hỗn độn vung vãi tay chân quá nhạt nhòa.

Cũng đã có một số ca sĩ để ý đầu tư cho yếu tố vũ đạo trên sân khấu nhưng lại là kiểu đầu tư thuê vũ đoàn. Toàn bộ chuyện vũ đạo được họ quẳng sang cho vũ đoàn lo, trong khi đó, bản thân nhân vật chính thì chỉ biết vài ba động tác khua chân múa tay đơn điệu. Vì không chịu tập luyện hoặc chưa dốc sức chuẩn bị chu đáo nên phần lớn ca sĩ đều nhảy nhót rất chông chênh so với vũ đoàn, đến những đoạn dừng hát, đáng ra phải thể hiện vũ đạo thì họ thường lùi xuống phía sau, có khi thì cho đèn sân khấu nhấp nháy liên tục hòng đánh lừa thị giác người xem, giúp che lấp sở đoản. Đó là chưa kể một số ca sĩ do không đầu tư học, luyện vũ đạo bài bản, song lúc cao hứng, muốn gây sự chú ý của khán giả lại khua múa vài động tác khiêu khích, gợi tình đầy phản cảm.

Vpop không thiếu ca sĩ theo đuổi dòng nhạc “sôi động” nhưng thị trường lại gần như không có sự phân định trong phong cách biểu diễn của mỗi người. Ví dụ đối với các sao ngoại như Madona, Jenifer Lopez, Britney Spears, cùng là nhạc pop nhún nhảy cả đấy nhưng tất thảy đều có màu sắc riêng, không ai lẫn vào ai được. Trong khi ở ta thì gần như chẳng thể định hình nổi phong cách vũ đạo trên sân khấu là gì, ca sĩ khác nhau chỉ đơn giản là vì hình hài họ khác nhau chứ trên thực tế thì chẳng hề có thứ gì đặc thù, riêng biệt, trên sân khấu họ đa phần giống như những chú rối vô hồn trình diễn cùng một thể loại vũ đạo thừa thãi chân tay tẻ nhạt.

Vũ đạo tồi, ca sĩ thành rối cạn 1Thí sinh thi idol học vũ đạo.

Thành công chỉ đến qua khổ luyện

Nắm bắt được tâm lý của khán giả cũng như điểm yếu của mình, một số ngôi sao ca nhạc lớn tại Việt Nam như Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà, Hồ Quỳnh Hương, Thu Minh... đã quyết tâm đầu tư cho phần vũ đạo. Họ lặn lội sang Hàn Quốc, sang Nhật Bản tầm sư học đạo rồi tận dụng lợi thế ngoại hình để học hỏi, sáng tạo các vũ điệu “độc”, xây dựng cho mình phong cách biểu diễn riêng bằng vũ đạo. Ngay lập tức, những nỗ lực của họ đạt được thành quả nổi bật trong mắt khán giả. Mỹ Tâm gần như lột xác qua những điệu nhảy rất bài bản và chuyên nghiệp học được từ các vũ sư Hàn Quốc. Thu Minh với những bước nhảy nóng bỏng, dứt khoát đã vượt lên các ca sĩ khác, giành vị trí Quán quân trong cuộc thi khiêu vũ mới đây. Hồ Ngọc Hà nhờ kết hợp tốt giọng hát với vũ đạo mà có được danh xưng “Nữ hoàng nhạc dance”. Cộng với ưu thế ngoại hình, phần trình diễn của Ngô Thanh Vân thu hút khán giả dù chất giọng chưa thật xuất sắc...

Xác định vũ đạo là một yếu tố quan trọng trên sân khấu và để đáp ứng nhu cầu “nhìn” của khán giả, bắt kịp xu thế chung, một số ca sĩ trẻ cũng đã bắt đầu dành nhiều thời gian hơn cho việc tập luyện vũ đạo mà không còn dựa dẫm vào các vũ đoàn nữa. Ca sĩ Kỳ Anh Trang (top 12 Sao Mai điểm hẹn) cho biết: “Nếu không có sự hỗ trợ của các vũ công thì việc một mình đứng trên sân khấu không phải dễ dàng gì. Quen sân khấu thì không sao, chứ không thì bạn sẽ cảm thấy chân tay thừa thãi, chẳng biết để làm gì. Việc tập vũ đạo cũng giúp cho sự cảm nhận âm nhạc được tốt hơn, giọng hát thêm có hồn hơn”. Các thí sinh tham gia các cuộc thi ca nhạc lớn như Việt Nam Idol, Sao Mai... cũng đã bắt buộc phải tham gia các lớp học vũ đạo cơ bản trước khi lên sân khấu.

Tuy nhiên, tập luyện vũ đạo cũng rất vất vả. Để không xảy ra tình trạng “nhảy như tập thể dục” đòi hỏi các ca sĩ phải khổ công tập luyện hàng ngày, đồng thời phải biết cách giữ nhịp thở như vậy mới có thể đủ sức, đủ hơi để vừa hát vừa nhảy. Ca sĩ Yến Trang chia sẻ rằng, cô từng phải “đổ mồ hôi sôi nước mắt” trên sàn tập để có những động tác đẹp, nhuần nhuyễn. Còn Hồ Quỳnh Hương, Đoan Trang thì đã không ít lần chấp nhận mạo hiểm để có được các màn xoay vòng trên không đẹp mắt trong các album ca nhạc của mình. Vừa làm mới chính mình, tạo được ấn tượng, có chỗ đứng trong lòng khán giả đồng thời tạo được phản xạ nhanh nhạy nếu chẳng may có sự cố xảy ra. Đặc biệt, phát triển và rút ngắn khoảng cách, thậm chí vươn xa hơn nữa với các đồng nghiệp quốc tế là điều mà vũ đạo có thể mang đến cho các ca sĩ.

Lẽ dĩ nhiên, mọi hoạt động nghệ thuật đều phụ thuộc rất nhiều vào phần năng khiếu vốn dĩ nằm sẵn trong máu của từng người. Song, một điều cốt yếu vẫn là sự đầu tư chịu khó khổ luyện trước khi lên sân khấu. Việc lười nhác trau dồi, chỉ mong chờ tập tành kiểu mì ăn liền trong vài tuần, vài tháng là đã có thể nhảy nhót được gần như là một khái niệm ngô nghê trên con đường tiến tới biểu diễn chuyên nghiệp.            

Trung Kiên


Ý kiến của bạn